> Lung linh cảnh đêm Singapore
Con thuyền khổng lồ
Con thuyền khổng lồ này được đặt tên là Sand Sky Park, có nghĩa là công viên thiên đường hay công viên lơ lửng giữa trời.
Một đầu của Sky Park kéo dài như mũi thuyền và đầu kia bị cắt ngắn khiến mọi người khi ngắm nhìn nó thường nghĩ nó là một con thuyền hoặc một tàu không gian đang ngự trên đỉnh của tòa nhà.
Sand Sky Park dài và rộng tới mức người ta cho rằng nó có thể đủ chỗ hạ cánh cho 5 chiếc máy bay phản lực A380.
Con thuyền khổng lồ này chứa một bể bơi lộ thiên có chiều dài gấp 3 lần bể bơi Olympic, một công viên cây xanh, một đài quan sát có thể nhìn bao quát cả Singapore cùng các tiệm ăn, câu lạc bộ đêm...
Bể bơi trên Sand Sky Park được mệnh danh là bể bơi Vô Cực, nhộn nhịp từ 6 giờ tới 23 giờ. Bơi đêm ở Sky Park đặc biệt thú vị. Đứng sát vách bể, có thể phóng tầm mắt ra toàn vịnh Marina và Khu tài chính đối diện để ngắm Singapore lung linh trong đêm với các tòa nhà cao tầng rực sáng.
Sự nổi tiếng của khách sạn Marina Bay Sands hay Sand Sky Park nói riêng đã thôi thúc sự tò mò của ngay cả người dân Singapore, chứ không riêng gì du khách nước ngoài.
Ở đây, có các tour tham quan toàn bộ khu tổ hợp với giá vé 20 đô Singapore lúc nào cũng đông, nhưng chỉ được ngắm. Muốn bơi ở Sky Park phải là người lưu trú trong khách sạn.
Chìa khóa phòng chính là bảo bối không chỉ giúp bạn mở cửa phòng, mà còn dùng để đi thang máy trong các tòa nhà cũng như xuất trình khi muốn vào bể bơi. Tôi đã từng bắt gặp những tốp thanh niên Singapore đi ké lên thang máy để lên Sky Park, nhưng đành phải ra về vì không được vào.
Gặp cha đẻ con thuyền khổng lồ
Sự nổi tiếng của tòa tháp với con thuyền khổng lồ khiến kiến trúc sư Moshe Safdie luôn bận rộn mỗi khi có đoàn báo chí tới tham quan khu Marina Bay Sands, Singapore.
Dù đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông không ngừng say sưa “diễn thuyết” về đứa con đẻ của mình: “Khi bắt đầu xây dựng, chúng tôi sắp đặt khách sạn, trung tâm triển lãm và nhà hát. Thế rồi, tôi nhận ra rằng chúng tôi không có đủ chỗ cho bể bơi, các khu vườn và cả những tuyến đi bộ. Và từ cái khó đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng đặt Sky Park trên nóc của ba tòa tháp khách sạn, với bể bơi, vườn, các khu vực nhà hàng của những bếp trưởng nổi tiếng, câu lạc bộ đêm. Và với việc sử dụng không gian trên tầng thượng của ba tòa tháp, chúng tôi đã có đến hơn 2 hecta để tạo dựng công viên thiên đường lơ lửng giữa trời”.
Kiến trúc sư Moshe cho biết, bài toán nan giải nhất trong quá trình thiết kế là làm sao con thuyền có thể bền vững trong mọi điều kiện thời tiết.
Ông cho biết, con thuyền nằm ở độ cao gần 200m, còn đỉnh ba tòa tháp đều dao động với biên độ 60cm khi có gió mạnh. Để khắc phục nhược điểm này, ông đã phải xây dựng các trụ chịu lực bằng bê tông cốt thép cắm sâu xuống lòng đất 50 m.
Trước Marina Bay Sands, kiến trúc sư Moshe Safdie, người Mỹ gốc Israel, đã nổi tiếng với Công trình Habitat 67, một khu chung cư gồm nhiều block nhà được chồng lên nhau tựa như một trò chơi xếp hình ở Montréal, Canada.
Mỗi cái hộp nhô ra là một căn hộ. Ông còn có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng toàn cầu khác. Nhưng, thiết kế khu phức hợp Marina Bay Sands của ông tại Singapore đã thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của người dân châu Á hơn cả.
Ông tự hào khoe: “Tôi đang có dự án tại Trung Quốc. Mỗi khi tôi đến đó, người ta lại đề nghị hãy xây cho tôi tòa nhà nổi bật như Marina Bay Sands. Thậm chí hôm nay, khi tôi bay từ Melbourne đến Singapore, người dân Australia cũng bình luận về Marina Bay Sands”.
Tỷ phú Mỹ Sheldon Adelson, Chủ tịch Las Vegas Sands (Mỹ), cũng là chủ của Marina Bay Sands, Singapore cho biết, vẫn nuôi ý định đầu tư vào hai khu nghỉ dưỡng phức hợp tại TP HCM và Hà Nội trị giá khoảng 6 tỷ USD.
Còn ông George Tanasijevich, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Marina Bay Sands (Singapore) kiêm Giám đốc điều hành Phát triển toàn cầu của Las Vegas Sands (Mỹ) đã trả lời phóng viên Tiền Phong tại Singapore rằng, họ đã mời những kiến trúc sư giỏi nhất để tạo nên một biểu tượng du lịch mới, lạ cho dự án của họ tại Việt Nam.
Ông hé lộ: “Về đầu tư văn hóa, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem cái gì là phù hợp nhất với người Việt. Chắc chắn, yếu tố đa dạng sẽ được đặt lên hàng đầu”.