Ky cóp
Tôi biết Nguyễn Hữu Ngôn cũng lâu lâu... Dịp Huế tổ chức hội thảo về Đạm Phương nữ sử, anh Ngôn vừa đáp tàu đêm từ Thanh Hóa vô Huế, quần ống thấp ống cao lên bục trình bày một tham luận về bà Đạm Phương. Tham luận có tên Nữ sử Đạm Phương nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục, người bà người mẹ tôn kính.
Ngạc nhiên ông này, đành nhẽ là dân tuyên giáo đa sự đa ngôn (anh Ngôn đang làm việc ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) sao lại quá rành về một nhân vật đất thần kinh như bà Đạm Phương và cả đề tài vốn chưa hẳn là địa hạt sở trường?
Có dịp ngồi với Hữu Ngôn mới bật ra lắm cái à...
Năm 1946 mặt trận Huế vỡ, nữ sử Đạm Phương, tên thật là Công nữ Đồng Canh, sinh năm Tân Tỵ (1881) cháu nội vua Minh Mạng, con gái Hoàng tử thứ 66 - Hoằng Hóa Quận công Miên Triện (1833 - 1905). Một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực văn chương và là người đầu tiên ở Đông Nam Á đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ với những hoạt động tích cực vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX) cùng 6 người con lên đường theo kháng chiến. Trong đó có người con trai thứ Nguyễn Khoa Văn, tức Hải Triều. Sau này Hải Triều được coi là nhà lý luận và phê bình văn nghệ Mác-xit đầu tiên ở Việt Nam. Hải Triều là thân phụ của ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.
Gia đình nữ sử Đạm Phương tản cư về Triệu Sơn (Thanh Hóa) được dân làng Lạc Lâm che chở cưu mang. Năm 1947 bà mất ở Lạc Lâm.
Lắm hôm chứng kiến lão tay phải biên biên chép chép, tay trái đưa gói mỳ sống lên cạp rau ráu...
Muốn tìm hiểu, muốn học điều gì thì hãy viết về điều ấy. Cảm phục tấm gương bà nữ sử cùng nhiều lần về Triệu Sơn tìm hiểu thời gian bà Đạm Phương lưu lại xứ Thanh đã khiến Hữu Ngôn có nhiều bài viết và có hẳn một cuốn sách về bà Đạm Phương.
Khúc nhôi anh cán bộ Tuyên giáo Nguyễn Hữu Ngôn cùng gia đình ông Nguyễn Khoa Điềm tìm được phần mộ nữ sử Đạm Phương và cất bốc đưa về Huế là cả một câu chuyện dài...
Bẵng đi một dạo không gặp Hữu Ngôn. Rồi nghe tin anh chuyển công tác, là Phó GĐ Nhà xuất bản Thanh Hóa. Nhiều cú điện thoại bạn bè xứ Thanh gọi ra kèm thông tin lão Ngôn dạo này lạ quá...
Lạ là không biết tự khi nào, ngôi nhà 3 tầng của anh ở phố huyện Hoằng Hóa từ tầng trệt giăng lên chót thượng la liệt những thứ... lạ! Chao ôi chật ních vướng víu những nơm giậm, cối xay lúa, quạt thóc, cày bừa, giần sàng và cơ man nào là các loại cối đá... Thứ gọn nhẹ hơn là bát đĩa cổ, bình lọ, sắc phong, gia phả...
Có lẽ chẳng lạ bởi những vật dụng thân thương một thuở một thời. Có điều lâu quá không dùng không gặp nên mắt đâm lạ đi đó thôi? Khá bắt mắt khi tỉ mẩn lướt qua hàng ngàn thứ vật dụng hiện vật... Riêng một loại đĩa thôi, đã tròm trèm 500 cái. Cối xay bằng đá hơn 300...
Nghe nói anh đang lập một bảo tàng tư nhân. Cánh bạn bè thì khẳng định chắc khừ rằng, anh đang lập dựng một bảo tàng... nông nghiệp?
Bảo tàng chi lạ? Đất đai để dựng chưa có lại đặt ngay nhà mình?
Không biết đồn đại thế nào mà người trong tỉnh Thanh có, dân Hà Nội lại nhiều hơn cùng tỉnh khác nữa ùn ùn kéo đến nhà Hữu Ngôn tham quan.
Mái tóc rễ tre như xác hơn, duy cái cười vẫn tươi tắn như mọi bận. Hữu Ngôn lắc đầu quầy quậy khi nghe tôi nhắc đến bảo tàng nông nghiệp! Ngôn cho biết, tên ấy thì chưa hẳn.
Câu chuyện với chủ nhà nối dài. Đầu tiên là thích cái đã! Thứ hên may, ấy là đương nói về hiện vật bảo tàng của anh, xin hoặc người ta cho cũng kha khá. Nhưng thứ mua mới là đáng kể. Bởi xin mãi, nguồn cũng cạn và cùng chai mặt. Anh có điều kiện lang thang đây đó. Qua những thông tín viên, người ta đánh tiếng cho Ngôn theo phương thức thuận mua vừa bán.
Có lẽ Ngôn không thuộc loại tháo vát, năng động trong việc kiếm tiền? Chỉ trần sì lương cơ quan. Vậy nên rinh về nhà mấy ngàn hiện vật đương bày kia, anh phải bỏ tiền túi ra. May mà anh có người vợ hiền ngoan. Ngoan bởi lâu rồi, vợ không ỏ ê chi đến lương của đức ông chồng. Và hiền thục lẳng lặng chiều cái sở thích mà vợ Hữu Ngôn nói vui là mặc kệ cho lão tha rác về bầy đầy nhà. Cánh cơ quan với anh nói rằng tội lão này lắm... Có đồng nào là chi chút chăm chắm sắm sanh những thứ trời ơi đất hỡi. Mải mê những việc mua sắm sưu tầm như thế, tiền lẫn thời giờ đều eo hẹp, lão thường xuyên qua bữa bằng mỳ gói cho tiện. Lắm hôm chứng kiến lão tay phải biên biên chép chép, tay trái đưa gói mỳ tôm sống lên cạp rau ráu...
Bảo tàng nông nghiệp Việt Nam, tại sao không?
Hữu Ngôn lắc đầu quầy quậy khi nghe tôi nhắc đến bảo tàng nông nghiệp mà anh đang gây dựng! anh bảo, tên ấy thì chưa hẳn.
Anh bộc bạch rằng việc sưu tầm tích cóp lâu nay, những hiện vật những chứng tích ấy như một cú hích để anh đạt được một cái đích lớn hơn nhiều. Đó là việc xây dựng một bảo tàng nông nghiệp (BTNN) Việt Nam!
Tại sao không? Tóc xõa, cặp mắt vẫn nét cười nhưng thoáng ánh lên những tia quyết liệt ...
Anh thẳng tưng rằng, qua tìm hiểu Việt Nam có tới 138 bảo tàng. Số lượng ấy gây ra một băn khoăn, thắc mắc thậm chí trăn trở. Vì sao? Chúng ta là quốc gia nông nghiệp có tới hơn 70% là nông dân, sản phẩm chủ yếu là nông nghiệp, ai ai cũng thụ hưởng văn minh nông nghiệp, cớ sao lại không có BTNN?
Hữu Ngôn rành rẽ như một chuyên gia thực thụ. Đơn cử một vài việc: Đó là hệ thống các công cụ sản xuất bao gồm: Công cụ làm đất (mảnh tước, rìu đá, rìu đồng, cày, bừa, cuốc, mai, vồ...) công cụ làm cỏ (các loại cào, nạo, dao phạt, liềm...) công cụ thủy lợi (gầu giai, gầu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...) công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...) công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum, xồm, kiệu...) sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phẩm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...). Phải có không gian, môi trường thực cho hiện vật phô diễn hết ngôn ngữ cùng giá trị của nó... Tóm lại phải làm một cách khoa học nghiêm túc cẩn trọng.
Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam xét về thể loại phải là bảo tàng tổng hợp: bảo tàng lịch sử nông nghiệp Việt Nam, bảo tàng văn hóa và bảo tàng nhân học. Cách làm này sẽ đem lại những hiệu ứng nhiều mặt... Thú thực với nhà báo, những thứ đang bầy kia chỉ là một sự gợi ý mà thôi. Một mình tôi không làm được. Một bộ, một ngành, một địa phương lớn như Thanh Hóa có lẽ cũng không xuể bởi chưa đủ điều kiện mà phải là một tầm cấp quốc gia!
Chưa hết! Văn hóa nông nghiệp Việt Nam là sự kết tinh những giá trị truyền thống nông nghiệp như sự hình thành, cơ cấu tổ chức tồn tại của làng xã, của văn hóa làng, in dấu trong các thiết chế văn hóa, trong văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống... BTNN Việt Nam ở giác độ này cần một cách thể hiện sinh động qua các tác phẩm viết về nông nghiệp, các cách trình diễn, sân khấu hóa, điện ảnh hóa, số hóa... trình chiếu trên phương tiện thông tin, phương tiện nghe nhìn. Các hiện vật phải được giới thiệu ở cả hai chiều: Chiều không gian và chiều thời gian của đời sống vật chất.
Nghe anh biện giải mà ù cả tai. Có lý và lọt tai đấy chứ? Mà như trong sâu thẳm ký ức mỗi người Việt, dường như đã có một bảo tàng nên lâu nay ta đã nhãng đi? Ấy là cái trật tuổi sồn sồn... Còn lớp trẻ bây giờ, ly nông lẫn ly hương? Nhớ bữa đưa đứa cháu ngoài về thăm quê, con bé gọi con bò con trâu bằng con ngựa? Ruộng lúa nó nói là ruộng cơm! Tầm cấp của việc tập hợp ký ức mà Hữu Ngôn vừa phác họa có lẽ không chỉ nhắm vào thế hệ trật tuổi cháu ngoại tôi?
Sự đam mê cùng những ấp ủ dự định của anh liệu có lạc bước? Cuối buổi gặp có một lúc tôi phải nhổm người lên để nghe cho rõ hơn. Số là ngày 24/5/2012, anh viết đơn đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc xây dựng BTNN Việt Nam. Thì ngay ngày 31/5, Văn phòng Bộ có công văn trả lời “Bộ cảm ơn và ghi nhận sự quan tâm của ông để xem xét chỉ đạo trong phạm vi quản lý nhà nước Bộ được giao”. Ngày 8/6/2012, Bộ VHTT&DL cũng đã có công văn ghi nhận những đóng góp quý báu của ông Ngôn, đồng thời cho biết sẽ tích cực tham mưu với Bộ NN &PTNT về vấn đề này.
Gạn hỏi thêm năm 2013 có tín hiệu gì chưa? Anh cười lắc đầu...
Rời phố huyện Hoằng Hóa chập chờn nghĩ đến âm thanh rào rạo mỳ gói sống tạm qua bữa của anh cứ gai gai thế nào? Liệu lão có đơn côi trong hành trình tìm và tiếp cận với điều tử tế hoành tráng là một BTNN Việt Nam?
Cầu cơ chế cho dự định của anh cùng với thời gian đừng vô ngôn phải trở thành hữu ngôn?