Về nơi gà rừng “hạ sơn”
Từ TPHCM, vượt hơn 200 km chúng tôi cũng tìm được nhà Trần Dũng (21 tuổi, ngụ xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, Bình Phước) nằm lọt thỏm trong rừng cao su. Theo những người đi săn loài sơn cầm này cho biết, Dũng đang sở hữu con gà trống mồi rất giỏi trong việc săn gà rừng ở vùng đất mang thương hiệu “quả điều vàng”. Bên thố khoai lang còn nóng hổi mời khách, Dũng kể, công việc chính hằng ngày của mình là làm rẫy cao su. Từ khi, anh lập gia đình, rồi cậu con trai chào đời nên áp lực cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai. Từ khi lai tạo được “thần kê”, Dũng mang gà nhà đi săn gà rừng rồi về thuần dưỡng, bán lại... phần nào giúp anh tăng thêm thu nhập.
Khoảng 4 giờ sáng, những con gà trống đứng tít trên các ngọn cây trong vườn cất tiếng gáy liên hồi, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Lúc này, Dũng cùng chúng tôi mang gà mồi, bẫy… đèo nhau hướng về xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành. Ðể đến được khu vườn cao su, cà phê, nơi gà rừng “hạ sơn” tìm thức ăn, chúng tôi vượt qua nhiều con đường mòn đất đỏ trơn như thoa mỡ bởi những cơn mưa nặng hạt trước đó. Dũng nói: “Mỗi năm, vào mùa hè và mùa xuân là gà rừng cũng bay về các cánh rừng trồng cao su, vườn tiêu và vườn điều của người dân để tìm thức ăn. Năm nay ở Chơn Thành và Bù Gia Mập gà rừng về nhiều hơn các nơi khác, nên mỗi lần đi bẫy các thợ săn đều có gà mang về”.
Gần 5 giờ sáng, chúng tôi đến một triền núi bạt ngàn cao su. Chúng tôi lội bộ vào. Trong không gian tĩnh mịch, bất chợt từ xa tiếng gà gáy vọng lại. “Phía trước có gà rồi, ông bò theo tôi nha”, Dũng nói khẽ. Cứ thế, Dũng ôm gà mồi, còn chúng tôi ôm đống bẫy… khom người bước nhẹ lại gần cây cao su. Trên ngọn một con gà trống rừng liên tục vỗ cánh cất tiếng gáy.
“Thần kê” (bên phải) giúp Dũng săn được cả trăm con gà rừng.
Chiến thuật của gà mồi
Không hổ danh là “chiến thần”, con gà mồi rất khôn. Trong thời gian chủ nhân chọn vị trí và đặt bẫy… nó đứng im thin thít, nhưng khi Dũng vừa lánh vào chỗ nấp để quan sát là nó vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy khiêu khích con gà rừng. Khoảng 20 phút, con gà rừng vừa gáy vừa chuyền cành và đáp hẳn xuống mặt đất. Ðáp trả tiếng gáy qua lại, con gà rừng bước lại gần quan sát và thăm dò đối phương. “Nó (gà rừng - PV) tiến hai bước nữa là dính bẫy”, Dũng rỉ tai chúng tôi.
Ðúng như Dũng nói, con gà rừng vừa gáy xong thì xù lông cổ bước lại gần gà mồi hơn. Bất ngờ nó dừng lại, lắc đầu qua lại nhìn chằm chằm dưới đất… rồi nhảy tót lên ngọn cây, chuyền cành đi mất hút. “Lúc nãy vội vàng, tôi ủ lá cây sơ sài quá khiến nó phát hiện có bẫy nên bỏ đi. Con gà rừng này chạm bẫy của ai đó rồi nên nó mới cảnh giác đến như vậy. Gà rừng khôn lắm. Muốn bắt nó thì mình phải tinh vi và kiên nhẫn, chứ không là bị nó phát hiện ra liền”, Dũng nói.
Tiếp tục lội bộ gần 1 km, chúng tôi tìm đến rẫy cà phê cạnh một thung lũng đầy cây dại thì nghe tiếng gà gáy phía trước. Ngay lập tức, Dũng xác định hướng gà rừng đang tập trung rồi rón rén lại gốc cà phê gần đó đặt gà mồi, cắm bẫy và dùng lá khô phủ lên ngụy trang. Lần này Dũng bật thêm máy cassette phát tiếng gà rừng gáy để hỗ trợ cho gà mồi. Mọi thứ xong xuôi, Dũng cùng chúng tôi nấp sau lùm cây rậm chờ đợi. Ngay lập tức, con gà mồi vỗ cánh, rướn cổ gáy vang. Chưa đầy 15 phút sau, một con gà trống rừng chân chì, cặp cựa dài nhọn, đôi tai trắng phau, lông cổ màu tía…cùng hai con gà mái từ trên cây cao nhẹ nhàng đáp xuống gần gà mồi.
Vừa chạm mặt, gà trống rừng tiến lại gần rồi xù lông cổ như muốn lao vào “ăn tươi nuốt sống” đối thủ. Trong khi đó, hai con gà mái rừng đứng phía sau thay nhau tục tác… như thể cổ vũ cho “đồng nghiệp”. Với kinh nghiệm từng săn cả trăm đối thủ, con gà mồi liên tục rướn cổ gáy, vỗ cánh phành phạch và xù lông khiêu khích lại. Ðứng quan sát một lúc, con gà trống rừng vỗ cánh lao vào “kẻ lạ mặt”, nhưng nó chưa kịp đưa đôi chân với cặp cựa nhọn hoắt tấn công gà mồi thì…nó giãy đành đạch, dính bẫy. Thấy gà trống gặp nạn, hai con gà mái hốt hoảng kêu quang quác và vỗ cánh bay mất hút.
Gỡ chiến lợi phẩm, Dũng cười nói: “Gà rừng bình thường rất khôn, thấy động tĩnh là bay đi ngay. Nếu cầm súng thì cũng chưa chắc bắn được nó. Nhưng chúng có điểm yếu là GATO (ghen ăn tức ở) tiếng gáy, bởi vậy ông bà mình mới có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy” là như vậy”. Cũng theo Dũng, con gà rừng vừa bẫy được khoác trên mình bộ lông với năm màu khác nhau, nên được xếp vào hàng gà ngũ sắc. Do đó, chỉ cần thuần dưỡng một thời gian là con gà rừng này được bán với giá rất cao.
Dũng cười tít mắt khi chiến lợi phẩm là con gà rừng ngũ sắc.
Kinh nghiệm thuần hóa gà rừng
Theo Dương Thanh (29 tuổi, ngụ xã Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) tiết lộ, gà mồi của các thợ săn 100% là lai giữa gà rừng và gà tre đời F1. Gà mồi ở thế hệ này được nuôi từ nhỏ ở nhà nên rất dạn, dáng đẹp không thua gì gà rừng chính tông. Tiếng gáy nhiều con còn hay hơn gà rừng nguyên thủy. Mặt khác, gà rừng nguyên gốc dù có thuần hóa bao nhiêu năm cũng không dạn được người. Nếu gặp lại các “đồng nghiệp” từ rừng là bản năng hoang dại của chúng trỗi dậy, và gà rừng tìm mọi cách thoát thân để về với tự nhiên.
Cũng theo Thanh, đi bẫy gà rừng về thuần hóa và lai tạo vừa là thú vui nhưng vừa là mô hình kinh tế sinh ra tiền. Gà rừng mỗi khi bắt được, Thanh mang về thuần hóa rồi cho lai với gà nhà. “Gà rừng cứng đầu và nhát lắm, chỉ cần một tiếng động nhẹ là lao đầu vào chuồng cho đến chết. Do đó, thời gian đầu phải nhốt ở nơi không một bóng người. Thức ăn cho chúng là các loài côn trùng như: Dế, cào cào, giun, trứng kiến... Khi nào gà rừng cất tiếng gáy mỗi ngày là thả gà mái tre và bắp, lúa vào để gà nhà tập gà rừng ăn. Và chính đôi gà này sẽ cho ra thế hệ gà rừng F1”, Thanh chia sẻ.
Gà mồi 100 % là lai thế F1 giữa gà rừng chính gốc và gà tre nuôi ở nhà.
Ðược biết, một tháng trở lại đây, đàn gà rừng khoảng 40 con thuộc đời F1, F2 của Thanh đã được bán sạch ra thị trường, phần lớn khách hàng ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TPHCM.
Gà trống rừng dính bẫy được những người thợ săn bán từ 300-400 ngàn đồng/con. Riêng gà trống ngũ sắc được các tay chơi “săn” đón với giá từ 2 triệu đồng trở lên. Còn gà trống lai thế hệ F1 có mã đẹp, gáy hay có giá từ 1-1,5 triệu đồng.