Gà công nghiệp

TP - Một tờ báo mạng vừa công bố “Bài trắc nghiệm dự tuyển vào lớp 1 năm học 2010-2011 của một trường tiểu học ở Thủ đô. Nhìn vào đó, không ít bậc cha mẹ “choáng” thực sự.

Có độc giả đã phải thốt lên: “Trời... sao giống đề thi IQ vào các ngân hàng quá vậy? Đề thi kiểu này chắc con mình mà có vượt qua kỳ thi vào học 1 năm chắc phải đi khám não thường xuyên ở bệnh viện quá.

Đề thi không phù hợp với lứa tuổi gì cả”.

Chỉ ví dụ một câu của đề thi: “Nối 1 hình ở trên với 1 hình ở dưới cho phù hợp” (có 8 tấm hình, gồm biển giao thông, đường ray, hổ, cá, đầm sen, cây cối…). Tôi cứ tự hỏi, một đứa trẻ 6 tuổi hiểu thế nào là “phù hợp”, nếu không có ai “gà” cho trước? Và không hiểu Bộ Giáo dục- Đào tạo có quy định học sinh vào lớp 1 phải biết đọc, biết viết hay không, nhưng để làm được thì chắc chắn những đứa trẻ mới hết mầm non này đã phải “tu luyện” nhiều tháng ở các “lò” luyện thi, nơi các bé được tập trung “giải bộ đề”y như các anh chị cấp 3 của chúng “luyện” thi vào đại học.

Nhìn vào đề thi nói trên, có thể thấy các bé muốn vào được trường (về lý thuyết), phải có mấy kỹ năng: biết đọc, biết đếm từ 1-10, biết phân biệt hình tròn, hình tam giác, hình vuông, biết liên tưởng, tưởng tượng (để kể chuyện theo hình), thậm chí phải có kiến thức nhất định về… luật giao thông (để nối được hình tấm biển báo tàu hỏa và đường ray)!

Xem đề thi này, một phụ huynh phải thốt lên trên Facebook: “Cho mình làm, không khéo vẫn rớt. Làm ơn cho trẻ sống và chơi theo đúng tuổi đi”.

Kêu thì kêu vậy nhưng đa số bậc cha mẹ vẫn cắn răng cho con theo các lớp luyện thi, vì không thế thì sao mà vào nổi lớp 1 với những đề thi như thế. Và dù nhiều trường phủ nhận việc tổ chức “ôn luyện đầu vào” cho trẻ, nhưng thực tế cho thấy ở trường này, trường kia vẫn tồn tại cái gọi là “câu lạc bộ hè”, dành cho trẻ mẫu giáo. Nói thẳng ra là ôn thi vào lớp 1.

Phát biểu với báo giới PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp (khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm I Hà Nội) cho rằng, việc sàng lọc, lựa chọn học sinh đủ tiêu chuẩn mới nhận vào trường có thể phần nào đánh giá được giá trị thương hiệu của ngôi trường đó. Tuy nhiên, việc ẩn danh các “câu lạc bộ hè” để dành đất ôn luyện cho những trẻ chưa rời ghế mẫu giáo sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa người được ôn - người không được ôn luyện.

Ai được lợi qua việc này? Không nói thì phụ huynh cũng nhận ra. Nó là hệ quả tất nhiên của sức ép thi tuyển, loại thải, đầu tư, thương hiệu và cuối cùng là chi phí “khủng” mà phụ huynh phải bỏ ra.

Chỉ thương cho con cái chúng ta, từ nhỏ đã bị nhồi nhét như những con gà công nghiệp, không hình thành được năng lực tự tư duy, luôn phụ thuộc những bài học mẫu mà thầy cô đưa ra. Và điều này đang tồn tại trong nhà trường, ở nhiều cấp học.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà một giáo viên người Mỹ vừa phát biểu trên một tờ báo trong nước: trẻ em Việt Nam nói chung thông minh, lanh lợi, giải phương trình, xử lý những đề bài theo mẫu rất nhanh. Chỉ có điều, phẩm chất rất quan trọng thì các em lại thiếu: đó là sự sáng tạo.

Theo Báo giấy