Gà chọi Thổ Hà

TP - Giống gà Mây ở Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) nổi tiếng khắp các sới gà chọi cả nước bởi vẻ đẹp ngạo nghễ, lối đánh đẹp mắt và tinh thần bách chiến bách thắng. Năm nay, nhiều chú gà được người mua trả giá tới hàng nghìn Mỹ kim.
Gà Thổ Hà quyết chiến

Giống gà quý

Những người chơi gà chọi lâu năm ở Thổ Hà khi nhắc đến danh tiếng gà Mây cụ Lác, cụ Xẻ đều tỏ lòng kính trọng. Những câu chuyện về chú gà chọi bách chiến bách thắng của cụ cố Lác vẫn được người dân ở đây lưu truyền như huyền thoại.

Mặc dù trong một lần giao chiến, chú bị đánh mù hai mắt nhưng ý chí chiến đấu không hề thuyên giảm. Chú tiếp tục tham gia nhiều trận đánh kinh điển khác và đều giành thắng lợi một cách thuyết phục.

Đến thời ông Trịnh Xuân Việt, con trai cụ Lác cầm gà lại xuất hiện một chú gà Mây nữa được gọi với cái tên là Mơ Bom với lối đánh dũng mãnh, một vụ thắng cả 7 đối thủ nặng ký mà không hề dính chấn thương nào.

Ông Trịnh Xuân Việt - một người chơi gà chọi lâu năm tại Thổ Hà- với một chú gà Mây nức tiếng

Trong lúc giao chiến, chú thường tập trung vào đầu của đối thủ, dùng móng, cựa chọc mù hai mắt. Tiếng tăm của chú làm kinh hồn bạt vía nhiều dân chơi khắp từ Lạng Sơn đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…

Theo ông Việt, dòng gà Mây Thổ Hà đã được gìn giữ từ hàng trăm năm nay. Từ “đúc gà” - tìm gà bố mẹ cho giao phối - đến “tuyển gà” - chọn ra những con gà tốt, có khả năng chiến đấu cao - được tiến hành công phu, cẩn thận.

Yếu tố “tông tử” rất quan trọng, tức là gà sinh ra phải từ gà bố, mẹ thuần chủng, có nguồn gốc rõ ràng và hầu như gà Thổ Hà không bao giờ phối giống với các loại gà khác để bảo tồn nguồn gen quý hiếm này. Chính vì thế, những người sành chơi gà ở khắp nơi thường ghé Thổ Hà kiếm tìm những chú gà chọi tốt nhất. Giá gà chọi vì thế được đẩy lên chót vót.

Từ năm 1987, ông Việt đã bán được những con gà với giá 1,8 triệu đồng, tương đương gần chục cây vàng. Những năm gần đây, đã có người trả giá gà nhà ông đến 25-30 triệu đồng. Những con gà thuộc giống này dưới bàn tay chăm sóc của ông thì dù chưa đánh trận nào cũng được khách nhấc luôn với giá 7-10 triệu đồng/con.

Lắm công phu…

Gà Thổ Hà được ca ngợi: Mình công, mào cốc, cánh vỏ chai/Đùi dài, quản ngắn chẳng sợ ai. Ông Trịnh Quang Nghi, 60 tuổi, có đến 50 năm chơi gà chọi say mê mô tả về những chú gà “mới nhìn đã thấy thích”.

Đó là những chú gà có đôi chân dài và đầy đặn (hậu độ đầy), hai hàng vẩy nuột xếp ngay ngắn, mặt quả xoài, mào công, mắt trắng… Thế nhưng, để chăm sóc và huấn luyện được những chú gà như thế, ngoài việc tuyển chọn gắt gao thì chế độ dinh dưỡng, ăn, nghỉ, luyện tập cũng được các chủ gà quan tâm đặc biệt.

Thức ăn chủ yếu vẫn là cơm, thóc để bảo đảm sự săn chắc của gà. Thịt chó, lợn, bò… được dùng khi muốn tăng nước trong cơ thể. Người Thổ Hà thường xuyên chú ý trọng lượng của gà chọi, khi chớm thấy có biểu hiện lên cân phải có chế độ hãm béo tức thời. Trong đó, củ nghệ được coi là vật bất ly thân trong quá trình huấn luyện gà chiến, bởi theo những người có kinh nghiệm, nghệ có tác dụng bổ máu, tiêu mỡ, lành lặn vết thương, săn chắc cơ thịt.

“Có chủ gà sẵn sàng cho gà nhà mình sử dụng cả hoá chất để… thua. Thua mà vẫn được nhiều tiền hơn thắng”

Ông Cáp Trọng Doanh - người chơi gà ở Thổ Hà

Thông thường, một chú gà chọi từ lúc nở ra đến lúc bước vào giai đoạn huấn luyện phải mất 6 tháng. Giai đoạn “om trường” là vất vả nhất nhưng cũng quan trọng nhất. Ít nhất ba lần/ngày, người nuôi gà phải dùng củ nghệ, lá chè xanh đun sôi, vỗ và mát xa cho gà làm cho da gà săn chắc và dày nhất để khi chiến đấu, đối phương có mổ hay đá cũng không hề hấn gì. Mỗi ngày gà được khởi động bằng việc chạy bu (chạy lồng) cho xương thịt dẻo dai.

Trong chu trình tập luyện, gà phải trải qua 4 kỳ (độ): Hai kỳ vần hơi và hai kỳ vần đòn. Khi vần hơi, gà được bịt mỏ rồi cho cọ cánh, cọ cổ với nhau. Mục đích của vần hơi là nhằm kích thích bản năng chiến đấu và tạo sự dẻo dai cho gà chiến sau này. Thời gian vần hơi mỗi lần khoảng 120 phút trong 15-17 ngày liên tục. Hết thời gian vần hơi đến giai đoạn vần đòn.

Các cặp gà được sắp xếp cho đá nhau, từ đây mới bộc lộ rõ ưu, nhược điểm của từng chú gà đồng thời là giai đoạn gà bắt đầu thể hiện những món đánh độc đáo của mình. Tuy nhiên, khi ra đánh nhiều chú gà đã có những miếng biến lối để chế ngự đòn đối phương, thiên biến vạn hoá. Những chú gà như thế cùng với gà “cườm trên”, hoặc “cườm hai mang” - đè cổ gà đối phương, vò cho đến mê mệt rồi mới đánh - được coi là những gà chiến tuyệt hảo trên sới gà ngày xuân.

Biến tướng

Với người Thổ Hà, chọi gà gắn liền với đời sống thường nhật và mang giá trị tinh thần rất lớn, biểu tượng cho tinh thần thượng võ. Người chơi chọi gà khắp xứ Bắc thường nhớ ngày 21-22 tháng Giêng hàng năm để về hội Thổ Hà xem gà chọi.

Những lúc rỗi rãi, xem chọi gà là thú chơi tao nhã của người Thổ Hà

Ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà, tự hào rằng lễ hội chọi gà ở Thổ Hà là lễ hội lớn nhất cả nước. Mỗi năm làng mở hội là có hàng trăm chú gà chiến ở khắp nước tụ tập về. Thậm chí, những tay say gà chọi còn thuê nhà ở vài ngày để thi đấu và xem chọi gà. Hiện nay, ngoài hội làng, Thổ Hà còn có 1 sới gà thường xuyên hoạt động.

Thế nhưng, cùng với thời gian và sự bành trướng ngày càng lớn của đồng tiền vào các sới, chọi gà ở Thổ Hà cũng đang dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Vì cá độ, nhiều chủ gà sẵn sàng dùng tiểu xảo để can thiệp vào diễn biến trận đấu.

Ông Cáp Trọng Doanh, một người chơi gà ở Thổ Hà tâm sự: “Nhiều lúc, tôi không khỏi ngậm ngùi vì trò chọi gà không còn được như xưa nữa. Bây giờ, để tìm một sới gà không có cá độ thật khó. Nhẹ thì vài trăm nghìn, nhiều trận đánh người ta bỏ vào đấy cả tỷ đồng. Người ta thù hằn nhau cũng vì chọi gà. Có chủ gà sẵn sàng cho gà nhà mình sử dụng cả hoá chất để… thua. Thua mà vẫn được nhiều tiền hơn thắng”.

Khoảng tháng 6 vừa qua, lực lượng công an đã bắt quả tang một vụ “đá gà” ăn tiền của người dân ở đây khiến gần chục người trong thôn dính vào lao lý. Cũng từ đó, phong trào chơi gà chọi giảm hẳn. Sới gà không còn duy trì thường xuyên nữa và hội Thổ Hà năm nay chắc sẽ kém vui mấy phần.

Nhiều nhà bán gà vì chẳng còn ai chơi. Nhà ông Trịnh Xuân Việt có 3 con thuộc giống gà Mây cũng bán đi 2 chỉ để lại một con nuôi cho đỡ… nhớ. “Trước đây, có đến nửa số hộ trong thôn nuôi gà chọi mà giờ chỉ còn lác đác vài nhà. Tôi thấy tiếc cho một trò chơi dân gian sắp bị mai một mà không biết làm thế nào được” - ông Cáp Trọng Việt tâm sự.