Dưới đây là toàn bộ lời chia sẻ của Facebook liên quan tới vụ việc trên:
“Sau khi lắng nghe những ý kiến phản hồi từ cộng đồng Facebook, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng lại cách thức chúng tôi đã áp dụng những "Tiêu chuẩn cộng đồng" trong trường hợp này.
Thông thường, một bức ảnh khoả thân của một đứa trẻ sẽ được coi là hành vi vi phạm những "Tiêu chuẩn cộng đồng" Facebook, tại nhiều quốc gia, thậm chí còn bị liệt vào mục ảnh khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp cụ thể này, chúng tôi nhận thấy tính chất quan trọng và ý nghĩa lịch sử của bức ảnh về một khoảnh khắc tư liệu quý giá.
Vì giá trị quan trọng của bức ảnh như một di chứng lịch sử, quyết định "cấp phép chia sẻ" sẽ mang lại nhiều giá trị hơn việc gỡ bỏ bức ảnh vì lý do tôn trọng quyền cộng đồng. Bởi vậy, chúng tôi quyết định sẽ khôi phục lại bức ảnh này trên Facebook.
Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực điều chỉnh cơ chế kiểm duyệt quyền chia sẻ bức ảnh này trong thời gian tới. Quá trình thay đổi đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định, nhưng bức ảnh này sẽ tiếp tục được cấp phép chia sẻ trong những ngày tiếp theo.
Chúng tôi luôn mong muốn cải thiện chính sách nhằm thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, mà vẫn bảo đảm tính an toàn cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan thông tấn và những thành viên khác trong cộng đồng toàn cầu trong việc quản lý những vấn đề thiết yếu tương tự trong thời gian sắp tới.”
Trước đó, nhà báo Na Uy Tom Egeland đăng một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân về tầm ảnh hưởng của nhiếp ảnh với thế giới. Trong 8 bức ảnh được ông Egeland đăng tải có “Em bé Napal” của phóng viên ảnh từng giành giải Pulitzer- Nick Út.
Đây là bức ảnh được chụp vào tháng 6/1972 ghi lại khoảng khắc cô bé Kim Phúc òa khóc hoảng loạn, cô bé 9 tuổi bị bỏng do bom napalm và bỏ chạy trong tình trạng trên người không còn mảnh vải che thân. Bức ảnh đã được truyền thông trên toàn thế giới đăng tải, và khiến công chúng phải bàng hoàng về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau khi được Tom Egeland đăng tải, bức ảnh “Em bé Napalm” đã bị chặn bởi Facebook. Tờ Aftenposten đã nhanh nhạy đưa tin về vụ việc và tiếp tục sử dụng bức ảnh “Em bé Napalm” trong bài viết. Bài viết này được đăng tải trên trang Facebook của tờ Aftenposten và cũng ngay lập tức bị Facebook “tuýt còi”.