> Dấu ấn ngành điện Thủ đô
> Mọi giá phải đáp ứng đủ điện…
Bản làng vui vì có điện
Sau hai tuần làm việc liên tiếp, hơn 150 hộ nghèo thuộc các xã Bản Lang (huyện Phong Thổ), xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên), xã Mường Than (huyện Than Uyên) thuộc tỉnh Lai Châu đã được sửa chữa và thay thế hệ thống điện trong gia đình với gần 3.000m dây điện, 200 bóng đèn tiết kiệm điện Compact, 100 bảng điện, 300 ổ điện và nhiều thiết bị điện khác.
Mỗi gia đình được lắp mới 2 bóng đèn, bảng điện, dây điện chi phí từ 500-600 nghìn đồng/hộ. Trước đó, 7 người thuộc Đoàn thanh niên Điện lực Lai Châu đã tiến hành khảo sát về nhu cầu lắp mới, sửa chữa điện cho các hộ dân.
Nằm trong hoạt động chương trình Mùa hè xanh, ngoài việc sửa chữa, lắp mới điện cho hộ gia đình khó khăn, đoàn tình nguyện Trường ĐH Điện lực còn phối hợp với Đoàn thanh niên EVN, Đoàn thanh niên Ban quản lý dự án Thủy điện 1, Đoàn thanh niên Điện lực Lai Châu đi thăm, tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình có công với cách mạng, xây tặng cột cờ cho hai trường tiểu học tại huyện Than Uyên và Phong Thổ với tổng chi phí gần 100 triệu đồng.
Trong ngôi nhà khoảng 10m2 của gia đình anh Cầm Văn Hưng (xã Mường Than, huyện Than Uyên) vật có giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện cũ nhưng “thỉnh thoảng mới dám dùng vì sợ tốn điện” và chiếc ti vi 14 inch đã hỏng.
Đèn thắp sáng gồm một chiếc bóng điện trong nhà và một bóng điện trong bếp đã bị bám đen vì tro bếp. Khi thấy các sinh viên tình nguyện và nhân viên của điện lực Than Uyên đến, những đứa trẻ trong nhà ùa ra sân vui sướng vì từ hôm nay, căn nhà nhỏ, bếp đã có điện sáng trưng, không còn sợ giật vì hở điện vì đường dây chắp nối.
Bà Vàng Thị Nhè, mẹ anh Cầm Văn Hưng cho biết, mặc dù đã ở riêng từ năm 2006, nhưng đến nay anh Hưng vẫn kéo điện từ nhà bà Nhè về dùng do chưa có tiền để mua công tơ và lắp đường dây điện riêng.
Chị Hà Thị Dăm, bản Mường Ba (xã Mường Than, Than Uyên) nhìn bảng điện vừa lắp vui mừng ra mặt. Chị luôn miệng nói lời cảm ơn “cán bộ”. Vì chưa có tiền mua đồng hồ điện, gia đình chị Dăm gồm bốn người phải kéo điện từ nhà mẹ chồng, mỗi tháng hai hộ gia đình cũng chỉ sử dụng 30 nghìn đồng tiền điện.
Ông Hà Văn Nùi, Trưởng bản Mường Ba xã Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) cho biết, các hộ dân được sửa chữa điện đều là những hộ gia đình rất khó khăn. “Việc lắp mới, sửa chữa điện cho những hộ dân nghèo đã giúp họ được sử dụng hệ thống điện an toàn, tiết kiệm”, ông Nùi nói.
Trèo đèo, lội suối sửa điện cho người nghèo
Đoàn sinh viên tình nguyện Trường ĐH Điện lực trở thành những thợ điện chính trong việc sửa, lắp mới cho hơn 150 hộ gia đình. Tại hai huyện Phong Thổ, Tân Uyên, đoàn sinh viên tình nguyện phải tạm trú tại trường mẫu giáo, tiểu học, sau khi đã kê gọn bàn ghế chỉ chừa ra khoảng 20m2 để toàn đoàn lấy chỗ ngủ.
Ba ngày ở huyện Phong Thổ, mưa triền miên nhưng cả đoàn vẫn làm việc từ lúc 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Vừa trèo đèo, vừa lội suối, đi bộ 3 km đường rừng để đến được những hộ gia đình cần sửa, lắp mới điện.
Anh Đào Duy Đan, trưởng nhóm tình nguyện Trường ĐH Điện lực nhớ như in bữa ăn tại nhà văn hóa bản Nà Cúng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. “Đang ăn, trời đổ mưa, sấm sét rền rĩ. Mái nhà thủng lỗ chỗ, mưa trút xuống, mỗi người ôm bát cơm của mình chạy lại bốn góc nhà trú mưa. Điện mất, cả đoàn phải dùng đèn pin của máy điện thoại để ăn nốt bữa cơm đứng”, Duy Đan chia sẻ.
Việt Anh, sinh viên năm 4 Trường ĐH Điện lực kể, hầu hết những gia đình sửa điện đều thuộc diện rất khó khăn, họ chỉ sống trong những ngôi nhà lụp xụp dựng bằng tre lứa, lợp mái cọ, sử dụng những đoạn dây điện chắp nối, ràng buộc, bóng đèn đã cũ hỏng, các thiết bị như ti vi, nồi cơm điện, quạt điện hầu như không có. Khi bóng đèn mới được thắp sáng, họ vui mừng rớm nước mắt.
Vũ Khắc Hưng, sinh viên năm nhất Trường ĐH Điện lực cho biết, dù chưa được học qua môn Điện cơ bản nhưng Hưng có thể thay bóng điện, lắp ổ cắm, bảng điện, phụ giúp các anh, chị trong nhóm. “Khi sửa xong, có bóng điện mới, gương mặt của người dân rạng rỡ. Họ cảm ơn mình rối rít, tình cảm họ dành cho mình thật lớn đó là ý nghĩa chuyến đi này mang lại”, Hưng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Bình, Phó Ban Quan hệ cộng đồng kiêm Bí thư Đoàn của EVN cho biết, việc sửa chữa điện cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ và trách nhiệm của đoàn viên thanh niên Tập đoàn EVN. “EVN luôn chung tay với cộng đồng. Đây là nhiệm vụ quan trọng của đoàn thanh niên EVN, góp phần thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống người nghèo, người dân tộc thiểu số”, anh Bình nói.