EU đồng ý dùng kháng sinh liều cao chữa khủng hoảng nợ công

TP - Ngày 9-12, lãnh đạo hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tham gia một hiệp ước mới với những điều khoản khắt khe chưa từng có về ngân sách và thuế, để xử lý khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (bìa phải) vui vẻ trao đổi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU hôm 9-12. Ảnh: Bloomberg

> Sẽ trừng phạt thành viên "chúa chổm"

Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (bìa phải) vui vẻ trao đổi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU hôm 9-12.   Ảnh: Bloomberg.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU xuyên đêm, kéo dài gần 10 tiếng ở Bỉ, lãnh đạo tất cả 17 nước khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) thống nhất sẽ ký một hiệp ước liên chính phủ, dự kiến vào tháng 3 tới.

Ngoại trừ Anh, chín quốc gia thành viên EU còn lại có thể cũng gia nhập hiệp ước mới, trong đó có cả Hungary, Đan Mạch, Czech và Thụy Điển lúc đầu còn lưỡng lự, theo một tuyên bố EU đưa ra hôm qua.

Sáu liều thuốc đắng…

Hiệp ước mới đưa ra sáu biện pháp chính nhằm phòng chống khủng hoảng nợ công, ngăn eurozone đổ vỡ.

Thứ nhất, thâm hụt ngân sách hằng năm của mỗi nước không được vượt quá 0,5% GDP. Thứ hai, áp dụng cơ chế xử phạt tự động đối với những nước có mức thâm hụt vượt quá 3% GDP. Thứ ba, những nguyên tắc, yêu cầu khắt khe hơn như vậy phải được đề cập trong hiến pháp (đồng nghĩa với việc các nước phải sửa hiến pháp).

Thứ tư, Quỹ cứu trợ Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) sẽ được tăng cường và chính thức hoạt động từ tháng 7-2012. Thứ năm, sẽ định mức lại số vốn tối đa của ESM (hiện ở mức 500 tỷ euro - tương đương 666 tỷ USD). Thứ sáu, eurozone và các nước EU khác sẽ cung cấp tối đa 200 tỷ euro (268 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp những thành viên eurozone đang ngập trong nợ nần.

Trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Bỉ, Đức và Pháp muốn tất cả 27 quốc gia thành viên EU ủng hộ việc sửa đổi các hiệp ước đã ký của Liên minh, theo hướng can thiệp sâu vào ngân sách từng nước để phòng chống khủng hoảng nợ công.

Do bị Anh kịch liệt phản đối nên cuối cùng eurozone thống nhất ký một hiệp ước mới, theo đó các nước tham gia sẽ phải đệ trình kế hoạch ngân sách quốc gia lên Ủy ban châu Âu và ủy ban này có quyền yêu cầu chỉnh sửa. Ngoài ra, các nước sẽ phải báo cáo trước về lượng tiền họ muốn vay…

Anh (nước không sử dụng đồng euro) cho rằng, các biện pháp can thiệp quá sâu vào ngân sách như vậy sẽ đe dọa chủ quyền quốc gia cũng như ngành dịch vụ tài chính được đánh giá cao của nước này. Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng hiệp ước mới không phù hợp lợi ích của Anh, nên ông không đồng ý tham gia.

“Chúng tôi không trong eurozone và tôi vui mừng vì điều đó. Chúng tôi sẽ không bao giờ gia nhập để phải từ bỏ chủ quyền mà những nước khác đang phải từ bỏ”, ông Cameron nói. Thủ tướng Anh muốn nước ông không phải tuân theo nhiều quy định mới chặt chẽ hơn về dịch vụ tài chính.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói: “Ông David Cameron đưa ra đề nghị dường như là không thể chấp nhận đối với chúng tôi… Chúng tôi cho rằng, một phần rắc rối của thế giới đến từ việc thiếu quy định về dịch vụ tài chính. Không muốn là một phần của eurozone mà lại yêu cầu được tham gia mọi quyết định của khu vực này, thậm chí chỉ trích nó? Điều này không thể được”, ông Sarkozy tuyên bố.

Thủ tướng Anh lập luận: Hiệp ước mới không đủ thành viên EU tham gia nên sẽ không công bằng cho tất cả. “Các định chế của EU thuộc về EU, thuộc về 27 quốc gia thành viên”, ông Cameron nói. Trong khi đó, hiệp ước mới chỉ dựa vào Ủy ban châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu để bảo đảm việc thực thi các luật lệ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel khen ngợi hiệp ước mới. “Tôi luôn nói rằng, 17 quốc gia của eurozone phải lấy lại sự tín nhiệm. Và tôi tin rằng, với quyết định ngày hôm nay, chúng ta có thể đạt được điều đó”.Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, cho rằng hiệp ước mới sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho eurozone.

Ý kiến của ông Draghi phần nào có trọng lượng vì nhiều nhà kinh tế học cho rằng, việc tăng vai trò chủ động của ECB trong việc ổn định chi phí đi vay của các nước chúa Chổm là cách nhanh nhất để làm dịu vấn đề nợ công của eurozone.

Liệu có dã tật?

Đồng euro đang đánh mất niềm tin của thị trường tài chính quốc tế. Nhiều nhà đầu tư lo ngại một số thành viên chúa Chổm của eurozone cuối cùng sẽ không trả được nợ. Điều đó có nghĩa là, chính phủ các nước này sẽ phải trả lãi suất cao hơn để vay tiền duy trì hoạt động, khiến thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng và không bền vững về lâu về dài.

Đức và Pháp luôn khẳng định rằng, cách tốt nhất để lấy lại niềm tin thị trường là tăng cường quản trị tài chính, giám sát các thành viên eurozone và ngân sách của họ. Việc ký một hiệp ước liên chính phủ sẽ đảm bảo ngân sách quốc gia được cân bằng và núi nợ không tái xuất hiện.

Tuy nhiên, nhiều nước khác, cũng như các nhà kinh tế học, cho rằng, để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư trong ngắn hạn, eurozone cần có đủ tiền trong tay nhằm đảm bảo rằng các chúa Chổm sẽ không vỡ nợ.

Để đạt được điều này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng, eurozone cùng với một số thành viên EU khác sẽ sớm bơm khoảng 200 tỷ euro (268 tỷ USD) cho IMF, dùng để giúp những nước khó khăn nhất. Một số nước không dùng đồng euro như Thụy Điển, Đan Mạch… nói rằng họ sẽ đóng góp thêm một số tiền.

Tuy nhiên, EU chưa đạt được thỏa thuận tăng các quỹ cứu trợ của chính eurozone (có nhiệm vụ cứu những thành viên gặp khó khăn trong việc tái tài trợ nợ).

Theo tuyên bố ngày 9-12, những nhà lãnh đạo eurozone đợi đến tháng 3-2012 mới quyết định có cần hay không cần tăng vốn các quỹ cứu trợ để có thể hỗ trợ hơn 500 tỷ euro cho những nước nợ ngập đầu. Tổng thống Pháp nói rằng hai quỹ cứu trợ của EU, EFSF và ESM, sẽ do ECB quản lý.

Kể từ khi eurozone thành lập năm 1999, hơn 330 triệu người bỏ đồng tiền của nước họ để dùng đồng euro, các ngân hàng giữ hàng tỷ trái phiếu eurozone, đồng euro chiếm gần 1/4 tổng dự trữ ngoại tệ của thế giới.

Khủng hoảng nợ công của eurozone khiến 3 nước phải cứu trợ, gồm Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Theo cơ quan thống kê châu Âu, tính đến cuối năm ngoái, 14 trong số 27 nước thành viên EU có mức nợ chính phủ vượt quá ngưỡng an toàn: 60% GDP.

Mức trung bình của riêng 17 thành viên eurozone là 85.1%. Mức nợ cao nhất là Hy Lạp (142,8%), Ý (119%), Bỉ (96,8%), Ireland (96,2%), Bồ Đào Nha (93%), Đức (83,2%), Pháp (81,7%)…

Theo nhiều chuyên gia, nếu sụp đổ, eurozone sẽ gây ra những hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội nghiêm trọng không chỉ ở châu Âu mà cả thế giới. Nếu một hoặc nhiều thành viên eurozone trở lại sử dụng đồng tiên trước đây của mình thì giá đồng tiền này sẽ giảm mạnh, khiến người dân ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng nước ngoài, xuất khẩu lao dốc…


Minh Long
Theo CNN, AP, New York Times, Financial Times, BBC

Theo Báo giấy