Sau 7 tiếng đồng hồ tranh luận kịch liệt tại cuộc họp thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 21/3, bà May đã thuyết phục được 27 thành viên EU cho bà những lựa chọn mở để bà gây áp lực lên quốc hội ủng hộ thỏa thuận của bà.
Mặc dù đề xuất của bà May được dời Brexit tới 30/6 bị rút ngắn, nhưng bà May cho biết bà thấy hài lòng với quyết định mới của EU.
Ban đầu, các lãnh đạo EU đã dự kiến phê chuẩn thời gian trì hoãn ngắn hơn yêu cầu của bà May, tức là tới ngày 22/5, một ngày trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Điều này đã gây ra nhiều tranh luận về việc sẽ xử lý thế nào nếu bà May thất bại vào tuần tới. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết, một mình thủ tướng Anh không thuyết phục được các thành viên EU rằng bà có thể chiến thắng.
Sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một tối hậu thư ngạc nhiên cho việc Anh rời khỏi EU là ngày 7/5, dù có thỏa thuận hay không. Cuộc họp lại rơi vào một cuộc tranh luận gay gắt.
Cuối cùng, EU đã quyết định, Anh phải rời khỏi EU vào 22/5 nếu quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận của bà May vào tuần tới. Nếu không, Anh sẽ có thêm thời hạn là ngày 12/4 để đưa ra một kế hoạch mới hoặc lựa chọn việc rời EU mà không có thỏa thuận.
Ngày 12/4 tương ứng với 6 tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện bầu cử châu Âu để chốt danh sách theo luật bầu cử của EU. Nếu Anh vẫn chưa rời EU trước ngày 23/5 tức là họ vẫn là thành viên EU thì phải tham gia bầu cử. Nếu Anh tham gia bầu cử, họ sẽ phải ở lại EU thêm 3 năm nữa theo nhiệm kỳ của nghị viện. Nếu Anh không tham gia bầu cử, các nhà lãnh đạo EU cho biết, thời hạn cuối cùng cho Anh rời khỏi EU đành phải là ngày 30/6, trước khi nghị viện mới của châu Âu được triệu tập.
Nhiều lựa chọn bỏ ngỏ
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng là người chủ trì phiên họp thượng đỉnh ngày 21/3, cho biết: “ Tất cả các lựa chọn vẫn còn để ngỏ và thời hạn sẽ được trì hoãn”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tusk cho biết, chính phủ Anh vẫn sẽ phải lựa chọn giữa ra đi có thỏa thuận hay không thỏa thuận, trì hoãn lâu dài hay kích hoạt điều khoản 50 ( điều khoản đưa ra các quy định, tiến trình để một nước muốn ra khỏi Liên minh châu Âu cần phải thực hiện).
Nếu Anh quyết định chọn ngày 12/4 để không phải tham gia bầu cử nghị viện châu Âu, họ có thể rời EU không thỏa thuận bất cứ lúc nào trước ngày 22/5, một ngày trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.
Bà May cho biết, bà có thể không hủy Brexit cũng không tìm kiếm một cuộc trì hoãn lâu dài. Bà khẳng định rằng, bà có thể đảm bảo cho một thỏa thuận vào tuần tới.
Nhiều người dân London nghi ngờ rằng, điều này khó thực hiện được sau khi bà May đã xúc phạm nhiều thành viên quốc hội vào ngày 20/3 khi bà chỉ trích họ đã gây ra sự bế tắc này. Mặc dù vậy, bà đã cố gắng làm mềm hóa những lời nhận xét của mình vào ngày 21/3. Tuy nhiên, bà May vẫn cho thấy niềm tin vào chiến lược của mình sẽ chiến thắng ở cuộc bỏ phiếu lần 3 tại Hạ viện vào tuần tới.
Một quan chức EU rất quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết: “ Cuộc họp đã không mấy suôn sẻ. Về cơ bản, họ đã nhận ra rằng bà May đã thực sự không tự tin vào chính mình nữa. EU không muốn bị xem như là buộc Anh phải ra đi ngay bây giờ. Tuy nhiên, họ vẫn trông chờ vào các con đường để có thể chấm dứt sự khổ đau này”
Thủ tướng Đức Angele Merkel đã cảnh báo, việc ra đi không thỏa thuận có thể sẽ làm tổn thương các nền kinh tế khu vực. Bà Merkel nói: “ Bà May nên nỗ lực tới phút cuối để tránh sự ra đi mất trật tự”.
Một quan chức khác của EU cho biết: “ Chúng tôi chỉ muốn nói rõ rằng, chúng tôi không ném họ xuống dưới gầm xe bus vào ngày 29/3... Tuy nhiên, trước ngày 12/4, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với những câu hỏi tương tự như bây giờ chúng ta đang đặt ra”.