Ecuador muốn “hất” ông chủ WikiLeak ra khỏi đại sứ quán?

TP - Theo những tài liệu mật mà tờ The Guardian của Anh có được, chính phủ Ecuador đã chi ít nhất 5 triệu USD cho các hoạt động tình báo và bảo vệ an ninh cho ông chủ WikiLeak Julian Assange trong vòng 6 năm qua tại đại sứ quán Ecuador ở London, Anh.
Ông chủ WikiLeak và cơ hội mong manh ở lại đại sứ quán Ecuador tại London.

Theo những tài liệu này, Ecuador đã bí mật chi hàng triệu USD cho các chiến dịch bảo vệ và hỗ trợ ông Julian Assange trong thời gian ông xin tị nạn trong đại sứ quán của nước này tại London. Đó là khoản tiền thuê các công ty an ninh nước ngoài giám sát, quay phim các vị khách ghé thăm ông Assange tại đại sứ quán Ecuador ở London, hoạt động của các nhân viên đại sứ quán và thậm chí là hoạt động của cảnh sát Anh.

Những tài liệu này cũng cho thấy, các chương trình tình báo với các mật danh như “Chiến dịch Khách mời”, sau được biết đến là “Chiến dịch Khách sạn”, với chi phí an ninh trung bình ít nhất 66 .000 USD/ tháng để thu thập các tin tức an ninh, tình báo và chống phản gián để bảo vệ ông Assange.

Theo điều tra của tờ The Guardian và Focus Ecuador, các chiến dịch này được tổng thống lúc bấy giờ là ông Rafael Correa và Bộ trưởng Ngoại giao Ricardo Patino phê duyệt. Thậm chí Đại sứ Ecuador tại Anh lúc đó là Juan Falconi Puig không hề biết gì về chiến dịch này mãi cho tới khi một hội đồng dự thảo thuế cho căn hộ ông Assange ở được đưa lên trang web của đại sứ quán vào tháng 5/2015.

Ông Correa là người bảo vệ quyết định cho phép ông Assange xin tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Ecuador tại London. Theo các tài liệu của Senain, cơ quan tình báo quốc gia Ecuador, từ tháng 6/ 2012 đến tháng 8/2013, “Chiến dịch Khách sạn” đã tiêu tốn của Ecuador gần 1 triệu USD. Cơ quan này đã dùng chi phí đặc biệt này cho việc mua các camera giám sát tại đại sứ quán vài tuần sau khi ông Assange chuyển tới đây...

Những đặc ân Ecuador dành cho ông chủ WikiLeak đang có dấu hiệu nhạt dần. Năm 2017, năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Lenin Moreno, ông đã có vẻ không thân thiện với ông chủ WikiLeak. Ông gọi ông Assange là “ tin tặc”. Kể từ tháng 3 năm nay, ông Lenin Moreno đã cho đóng cửa cơ quan tình báo quốc gia Senain. Ông cho rằng, cơ quan này quá tập trung vào việc bảo vệ an ninh cho một cá nhân mà chẳng liên quan gì đến an ninh quốc gia. Cơ quan giám sát tài chính Ecuador đang điều tra xem từ năm 2012-2017, Senain đã chi hơn 284 triệu USD như thế nào. Theo công bố trên website của cơ quan này hồi năm ngoái, 80% ngân sách của Senain dành cho những chi tiêu đặc biệt có liên quan tới các hoạt động an ninh cho ông Assange.

Cũng kể từ tháng 3, Ecuador đã ngắt kết nối Internet của ông Assange. Họ cho rằng, việc cho phép ông sử dụng Internet có thể sẽ vi phạm thỏa thuận không đăng tải những thông tin có thể can thiệp tới quốc gia khác, trong đó có Anh, Mỹ và các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu.

Tại sao Ecuador đã thay đổi thái độ với ông Assange? Theo lý giải của một số nhà phân tích, tân tổng thống Moreno đang muốn tìm cách khôi phục lại quan hệ thương mại đang xấu đi với Mỹ trong vài năm trở lại đây.

Bà Espinosa, một trong hai ứng cử viên của Ecuador đang tranh cử chức Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng tới. Một số người Ecuador dự đoán, nếu trúng cử, bà sẽ bổ nhiệm ông Assange là đại diện của Ecuador tại LHQ nhằm giúp ông được hưởng cơ chế miễn trừ ngoại giao của LHQ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ecuador cho biết, nếu bà Espinosa đắc cử, bà sẽ không phải chịu trách nhiệm cho vụ việc của ông Assange.