Đừng nóng vội

TP - Một sự thật lịch sử đã được ghi nhận: Đức Phật, Jesus là những bậc giáo chủ, nhưng thiếu thời các ngài không học chữ. Một trong những lý do là ở cổ đại, người ta không đề cao kỹ năng biết chữ. Chữ nghĩa chỉ để ghi lại những văn bản sử dụng nhất thời như văn tự ghi nợ, phân chia tài sản, giấy tờ hành chính… Lời lẽ thánh hiền thì buộc phải ghi nhớ trong đầu và được truyền miệng qua nhiều thế hệ.
Minh họa: Đỗ Đức

Những bậc giáo chủ khi mới xuất hiện, miệng nói ra lời lẽ thánh hiền, vị nào cũng bị người đời cho là điên khùng hoang tưởng. Kẻ kia chữ nghĩa được bao lăm, trình độ gì, kiến thức lấy từ đâu, hội đồng học giả nào công nhận?… Thôi thì bao nhiêu chất vấn kiểu ấy được tung ra. Đấy là những chất vấn lý sự ngờ vực đố kỵ của người trần mắt thịt.

Đức Phật là một hoàng tử được bao bọc trong nhung lụa, không cần học chữ. Jesus là con trai một người thợ mộc, không học chữ. Nhà tiên tri Mohammed vốn là một thương nhân, không theo đòi sách vở. Cùng thời với các ngài, bao nhiêu kẻ cười giễu tấn công, tất cả đều lặn mất tăm trong bóng đêm lịch sử. Chỉ còn hệ thống triết lý và luân lý của các ngài là bừng sáng và trường tồn.

Bây giờ mà có một người tuyên bố là mình được thánh thần mặc khải, chắc phải bị coi là rồ dại điên khùng. Một ông thương nhân “mà là triết gia à? Trình độ gì, trước tác gì mà thành triết gia? Tất cả diễn ngôn sáo rỗng của ông ta chỉ nằm ở mức “nói như ca sĩ, nghĩ như cầu thủ”. Thông tin của của ông ta thì tầm phào, lý luận của ông ta thì hời hợt và tư tưởng của ông ta thì nông choèn…”. 

Minh họa: Đỗ Đức

Vừa nhắc đến các bậc giáo chủ ở trên, thì những lý sự kiểu này không còn khiến ta lạ lùng. Vị thương nhân kia có thể chưa phải là một bậc giác ngộ mới, nhưng tôi cũng không cho rằng lý sự phản ứng như vậy là chín chắn. Chỉ người tài mới nhìn ra được người tài. Để đánh giá được người tài không nhất thiết phải có bằng cấp, nhưng cũng phải có trình độ hoặc phải được dọn mình cho sẵn sàng. Mọi sự vội vàng tự cho mình cái quyền phán xét đều nhanh chóng phá sản. Ta không băn khoăn về việc vị thương nhân kia có phải là bậc giác ngộ hay không, mà quan tâm về phương pháp xử sự trước những hiện tượng kiểu này. Một thái độ khoa học là không bao giờ bác bỏ vội vàng.

Hình dung trong nhà mình bỗng dưng có một người chán chường cuộc sống trần tục, quyết tâm theo đuổi đời sống tâm linh. Thế là trong nhà cũng chia làm hai phe, phe thế tục bao giờ cũng tìm cách lôi kéo người tâm linh trở về thế tục, và cho rằng người này mắc bệnh, bệnh tâm thần hoang tưởng cuồng dại. Người tâm linh thì lại xót thương cho mọi người còn mê tối trong cái bẫy đời trần tục. Nhắc lại để nhớ: thế kỷ thứ sáu trước dương lịch được coi là thế kỷ bao dung tâm linh, các bậc vua chúa và dân chúng sẵn sàng mở lòng lắng nghe các nhà tâm linh. Đó là một môi trường lý tưởng để xuất hiện nhiều bậc thầy tâm linh, trong đó có Đức Phật.

Dân tộc nào cũng có không ít bậc thánh hoặc tự phong thánh. Có những người chối bỏ thực phẩm thông thường của con người mà chỉ ăn thực vật như cam như quít, để trở thành giáo chủ của đạo cam đạo quít. Tư tưởng của họ có thể không được đón nhận một cách rộng rãi do nhiều nhân duyên, và do chính sự hạn hẹp của tư tưởng đó, nhưng nhiều người đã để lại bài học về luân lý rất đáng trọng. Như vậy ở hiện tượng này rõ ràng là không cần đặt ra vấn đề lợi hay hại.
Nhà thơ Rasul Gamzatov từng nói đại ý bầu trời vốn đã có nhiều chim bay, nhưng anh đừng ngại thả thêm một con chim câu của anh vào đấy. Bầu trời tư tưởng cũng vậy, đừng lo có người thả thêm vào đấy một con chim thì chật chỗ.

Vậy thì đứng trước những hiện tượng như thế, thái độ phải chăng và khôn ngoan hơn cả là không nóng vội hấp tấp, mà điềm tĩnh, tôn trọng. 

Cũng khôn ngoan không kém là giữ im lặng mà quan sát.