Theo thông tin trên báo, khu du lịch này hình thành từ việc thu gom đất canh tác của người dân. Người dựng lên nó tỏ rõ vị thế khi đem về đây những kỳ hoa dị thảo như 116 loài thủy sinh nước ngọt kích thước lớn, hàng chục ngàn cây dương xỉ “cổ đại” (chắc để phân biệt với “dương xỉ đương đại”), hơn 19.000 đơn vị cây xanh được di thực khắp nơi (không biết chiếm chỗ của bao nhiêu cây bản địa)… Đến số lượng đá suối cũng lập kỷ lục đông nhất lên tới 18 triệu hòn. Thật nể phục đơn vị nào ngồi đếm.
Tuy nhiên ngay từ đầu ý tưởng và tinh thần làm nên khu du lịch này đã tiềm ẩn những mâu thuẫn không thể dung hòa. Một mặt các buổi trình diễn tại “sân khấu của quỷ” kể về hành trình chinh phục núi rừng, cuộc chiến chống lại các thế lực siêu nhiên- cứ cho là quỷ đi. Nhưng mặt khác nó lại đầy rẫy các công trình “vườn quỷ”, “ma trận”, “mê lộ”… mà rất dễ người làm ra khu du lịch này có ý tri ân quỷ thật vì đó chính là ý tưởng được kỳ vọng sẽ kiếm bộn tiền.
Đâu ngờ những bức tượng quỷ quá xấu, quá phản cảm đã đánh động dư luận khiến khu du lịch này (tạm thời) bị đóng cửa. Do cả hành động hành hung người dám chê tượng xấu của nhân viên Liên Minh Group. Nói chung từ kinh nghiệm của nhiều “khu du lịch” trong nước, rất không nên giao các công trình điêu khắc hoành tráng cho nghệ nhân. Tưởng tiết kiệm mà thiệt hại khôn lường.
Vụ Quỷ Núi chưa kịp lắng xuống, ông Ngô Quang Phúc- người đứng đầu Liên Minh Group lại khới lên vụ đem loạt tượng binh lính từ Bình Dương về Đà Lạt. Chắc ông yên tâm vì lần này mười mươi là tượng người, không phải quỷ. Nhưng dư luận lại bảo nó giống tượng lính Trung Quốc đời Tần, mặc cho ông thuyết minh nó là lính Việt Nam. Nếu người nói thay ông là một chuyên gia với minh chứng cụ thể thì sự việc đã khác. Một lần nữa các sản phẩm tượng không rõ xuất xứ đã không thể giúp được ông. Sở VHTT&DL Lâm Đồng yêu cầu ông Phúc trả loạt tượng chưa được cấp phép về nơi bán.
Thông tin về ý định xây dựng một “khu du lịch phim trường Tử Cấm Thành” ở Đà Lạt cũng bị ông bác bỏ, cho là chỉ vui miệng “bộc phát”. Nhưng cũng nhân vụ này, nhiều người được biết Đà Lạt đã tồn tại một Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ trong khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Một trang tin mô tả: “Để phụ họa cho bản sắc văn hoá thời phong kiến xa lắc của Trung Hoa, bên trên cổng vào “Vạn Lý Trường Thành” còn có khu cho du khách thuê trang phục chốn hoàng cung nhà Tần, nhà Minh, nhà Thanh với giá 20.000 đồng/bộ cho một lần mặc vào chụp hình lưu niệm”. Dựng một quần thể đa dạng di tích lịch sử văn hóa quốc tế cũng đã phải cân nhắc vì rất tốn đất mà lỡ xấu lại thành chật đất. Đằng này lại là hình ảnh rất phản cảm và nhạy cảm về văn hóa.
Bên cạnh đó cũng cần xét lại khái niệm “khu du lịch” ở ta. Cứ quây một vùng đắc địa lại xong đào bới, đắp nặn cho biến dạng so với ban đầu mong “lấy công làm lãi” là cách làm phản sinh thái. Nhiều khi du khách chỉ mong “các ông” để yên cho cảnh quan thiên nhiên vốn tươi đẹp đã là tốt lắm rồi.