Cho rằng sau khi kiểm định, cầu Việt Trì (bắc qua sông Lô, được Nhà nước xây dựng năm 1995), không đảm bảo an toàn, gần một tuần trước đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT cho nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) được tiếp quản, sửa chữa và thu phí.
Tuy nhiên, như bài Tiền Phong đã phản ánh ngày 8/7, do cầu Việt Trì mới chỉ sử dụng 20 năm, lại được xây dựng theo công nghệ không khống chế tải trọng nên đề xuất trên đã không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia cầu- đường sắt.
Tiếp đó, ngày 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng với đại diện các bộ ngành liên quan đến kiểm tra cầu Việt Trì và có nhiều chỉ đạo cho việc này.
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như phương án quản lý, vận hành cầu Việt Trì trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ GTVT và Tổng cục đã họp và đưa ra những phương án mới cho tổ chức giao thông trên cầu Việt Trì.
Cụ thể, trong những ngày tới Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và địa phương sẽ cùng thẩm định, đánh giá lại độ an toàn, tải trọng của cầu Việt Trì, từ đó sẽ đưa ra phương án tổ chức giao thông hợp lý.
Với đề xuất của Tổng cục Đường bộ cho nhà đầu tư BOT cầu Hạc Trì được tiếp quản sửa chữa và thu phí trên cầu Việt Trì, lãnh đạo Tổng cục này cho rằng, do có những diễn biến mới nên phương án trên tạm dừng lại.
Nói về việc tổ chức giao thông trên cầu Việt Trì thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thay vì cấm hoàn toàn như hiện nay, phương án cho ô tô dưới 7 chỗ được lưu thông trên cầu Việt Trì sẽ được Tổng cục đưa ra.
Cho ý kiến về việc cấm ô tô cũng như đề xuất cho nhà đầu tư được tiếp quản cầu Việt Trì không có trong phương án xây cầu Hạc Trì, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Tuấn, Giám đốc Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì (nhà đầu tư cầu Hạc Trì) cho biết, phương án tổ chức giao thông trên là sự thống nhất giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan quản lý. Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ là đơn vị thực hiện các kế hoạch, phương án trên.
Theo ông Tuấn, tuy ô tô qua cầu Việt Trì đã bị cấm nhưng lưu lượng phương tiện qua cầu Hạc Trì hiện vẫn chưa đạt con số tính toán của nhà đầu tư. Việc giảm hay kéo dài thời gian thu phí, thậm chí chỉ cấm ô tô trên 7 chỗ lưu thông trên cầu Việt Trì, quyết định này sẽ thuộc về Bộ GTVT - Bộ Tài chính.
Về việc giảm phí cho người dân theo đề nghị của chính quyền tỉnh Phú Thọ, ông Tuấn cho biết, sau khi khảo sát, Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì ghi nhận, tại phường Bạch Hạc (phường nằm phía bờ Bắc sông Lô) có hơn 100 hộ dân có ô tô.
“Hiện chúng tôi đã thực hiện phương án giảm 100% phí qua lại cầu Hạc Trì cho các hộ dân có ô tô, cùng với đó phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 10 xe buýt giúp bà con phường Bạch Hạc qua lại cầu để sang thành phố Việt Trì thuận lợi”, ông Tuấn nói.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ rà soát việc thực hiện dự án xây dựng cầu Hạc Trì theo hình thức Hợp đồng BOT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và tỉnh Phú Thọ đề xuất phương án tính lại giá phí khi lưu thông qua cầu cho phù hợp.
Để giảm bớt trạm thu phí và ùn tắc, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) vừa có kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí Đại Xuyên - trạm kiểm soát thu phí đầu tiên của tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Lý do được VEC đưa ra, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, trạm kiểm soát thu phí Đại Xuyên đã xảy ra 146 vụ ùn tắc, chủ yếu vào những ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật.