Theo thông báo, hệ thống Patriot cùng các xe vận tải quân sự đã được bổ sung vào danh mục hỗ trợ như một phần cam kết trị giá 2,41 tỷ USD của Đức dành cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết, kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Chính phủ Đức đã viện trợ quân sự trị giá khoảng 14,2 tỷ USD cho Ukraine. Ngày 5/1/2023, Mỹ và Đức đã đưa ra tuyên bố chung về việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện thiết giáp và hệ thống phòng không Patriot.
Đây là lần đầu tiên Berlin xác nhận chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Kiev. Washington cũng cam kết chuyển giao hệ thống phòng không này, nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có công bố chi tiết nào của giới chức quân sự Mỹ về việc này.
Tuy hệ thống phòng không Patriot không phải là "yếu tố thay đổi cuộc chơi", nhưng có thể giúp Ukraine bảo vệ các khu vực quân sự và phi quân sự quan trọng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, do tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển và được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ cuối năm 1981. Hệ thống được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.
Tên lửa PAC-3 có chiều dài 5,21 m; trọng lượng 312 kg; được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể tiêu diệt tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.
Nhờ tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác cho phép tên lửa đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Patriot PAC-3 bao gồm bệ phóng, trạm điều khiển và mang theo tối đa 16 tên lửa. Bệ phóng có thể được vận chuyển bằng xe tải, xe kéo và có thể được vận hành bởi một kíp gồm ba người.