Đua 'trend' thời dịch bệnh

Bài thơ của một cô giáo ở Gia Lai về dịch Covid-19 gây phản ứng nhiều chiều vừa lắng xuống, lại có một bài hát đang được nhiều người bình chọn “trend nhất hiện nay”: “Đánh giặc Corona”. 

Bài hát “hot” đến mức người sinh ra nó bỗng được nhắc đến như nhạc sỹ nổi tiếng. Tiến sỹ toán học Lê Thống Nhất xuất hiện liên tục để nói về “đứa con” của mình. Ông cho biết, từ một bài vè tuyên truyền phòng chống dịch bệnh của một thầy giáo cấp 3 ở huyện Tĩnh Gia- Thanh Hóa  gửi đến diễn đàn do ông sáng lập đã thôi thúc ông phải làm một điều gì đó. Thầy giáo đã làm vè thì ông sáng tác ca khúc. “Đánh giặc Corona” được viết trong 2 tiếng. Sau đó ông nhờ người hòa âm, thu âm ca khúc. Tiến sỹ không thể ngờ “đứa con” của mình có sức lan tỏa mạnh và nhanh đến thế. Một số người cũng được “thơm” lây nhờ “Đánh giặc Corona” như một thầy giáo ở một trường PTTH ở Hà Nội bởi bản thu âm ca khúc này của thầy được cộng đồng mạng yêu thích. Không biết nên vui hay buồn khi một số khán giả trẻ đã so sánh “Đánh giặc Corona” với nhạc đỏ: “Nghe không khác gì nhạc đỏ”. Trong gia tài “nhạc đỏ” có nhiều ca khúc đi cùng năm tháng, nhiều nhạc sỹ được vinh danh. Còn “Đánh giặc Corona” không biết có sống sót qua mùa dịch hay không: “Đánh giặc Corona từ trẻ đến người già”; “Đánh giặc Corona đoàn kết toàn dân ta”; “Đánh giặc Corona vì cuộc sống cho muôn nhà”…  Hiện nay, “đứa con” của tiến sỹ toán học cũng bị cạnh tranh quyết liệt về độ “hot”. Một YouTuber người Việt có 4,39 triệu người đăng ký đã nhanh chóng sản xuất video “Đừng xem thường virus corona” cũng thu hút rất đông lượt xem. Cứ đà này, bà Tân Vlog có khi cũng nhập cuộc với những món ăn siêu bổ mùa dịch bệnh.

Càng nhiều những ca khúc, bài thơ hay những video… góp phần tuyên truyền, cổ động phòng, chống dịch bệnh càng tốt. Đây cũng là hình thức chung tay đẩy lùi Covid-19. Song sự công kênh thái quá của một bộ phận khán giả với những sản phẩm trên lại góp phần làm nhiễu loạn môi trường văn nghệ ở ta. Không biết bao nhiêu nhà thơ, ca sỹ, nhạc sỹ bất đắc dĩ ra đời trong mùa dịch?

Tuy nhiên, không ít người cũng thắc mắc, vai trò của các nhà văn, nhà thơ… chuyên nghiệp trước hiện thực hôm nay ra sao? Người sáng tác chuyên nghiệp chịu sinh nở tác phẩm tuyên truyền, cổ động, “chất” cũng khác ngay. Như trường hợp “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến chẳng hạn. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa thấy một tác phẩm nào của họ về mùa dịch bệnh có sức nóng trong dư luận. Khán giả Việt đành đi đọc nhờ “Nhật ký Vũ Hán” của Phương Phương, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, hiện là Ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc. Lại nhớ những câu hỏi trong bài thơ “Những thi sĩ trên trời” của Pablo Neruda: “Các anh đã làm gì? Giữa thời buổi của ưu sầu lo lắng”.