Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Bộ GD&ĐT đánh giá, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Bộ GD&ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường quản lý hoạt động này.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, sau khi hoạt động về dạy thêm, học thêm được bổ sung vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.
Bà Nguyễn Bích Lan, từng quản lý một trung tâm bồi dưỡng văn hóa của Hà Nội cho rằng, khi Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, học thêm dạy thêm vẫn là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng thuộc sự quản lý của ngành giáo dục. Khi đưa vào Luật Đầu tư, ngành giáo dục chỉ có vai trò quản lý đội ngũ giáo viên.
Trước câu hỏi: đưa vào luật có khắc phục được tình trạng “ép” học sinh học thêm như hiện này, bà Lan cho rằng rất khó “tách bạch” việc này. Nhưng khi đưa vào luật, nếu phát hiện có sai phạm thì có chế tài để xử lý mạnh tay, do đó, giáo viên cũng có ý thức hơn.
Bà Lan nói Thông tư 17 quy định ban giám hiệu kiểm tra giáo viên của mình có dạy thêm “không phép” hay không, nhưng bản thân bà cũng như ban giám hiệu không làm được việc đó. “Vì nhiệm vụ của tôi là quản lý nhà trường, chứ không phải là đi “bắt trộm”. Giả sử, kiểm tra, có “bắt” được thì chúng tôi cũng không có chức năng xử phạt”.
Một số phụ huynh cho rằng, nên có quy định rõ ràng về dạy thêm, học thêm. Chị Lan Anh, có con học lớp 1 ở một trường tại Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm học giáo viên đã gợi ý học sinh đến nhà riêng học thêm ngày thứ 7, chủ nhật. Lớp đông, giáo viên này chia làm 2 ca, mỗi ca thu học phí 150.000 đồng/em.
“Phụ huynh không tiếc tiền nhưng con đã học vất vả cả tuần, cuối tuần chỉ muốn cho con nghỉ ngơi, đi dã ngoại. Mình sợ con bị cô gây khó dễ đành phải tặc lưỡi đăng ký nhưng rất ấm ức”, chị Lan Anh nói.
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói phải có giải pháp quản lý dạy thêm, nếu không sẽ biến tướng, không kiểm soát được. Ví dụ như chuyện thầy cô không giỏi thật sự nhưng vẫn mở lớp dạy thêm, quảng cáo “một tấc lên trời”. Cần quy định rõ, điều kiện dạy học, phòng học, chỗ ngồi, trình độ giáo viên…
“Thực tế hiện nay, nhiều giáo viên dạy trong phòng chật hẹp, nhếch nhác. Dạy học ở đâu cũng phải đảm bảo điều kiện sức khỏe cho học sinh. Chưa kể, nhiều thầy cô luyện thi hiện nay có thu nhập rất tốt, quản lý tốt còn thu được thuế cho Nhà nước”, bà Na nói.
Cũng theo bà Na, có quy định về dạy thêm, học thêm, tư cách, vị trí người thầy sẽ thay đổi. Còn hiện nay, không ít giáo viên vẫn dạy chui. Khi giáo viên đang dạy học, lại có người đến kiểm tra, vi phạm trước mặt học trò, là điều không hay.