Công khai bộ thủ tục hành chính:

Đưa chính quyền gần dân hơn

TP - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ Công tác Chuyên trách Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, có cuộc trao đổi với Tiền Phong và một số báo xung quanh vấn đề công bố bộ thủ tục hành chính.
Làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Ảnh: Phạm Yên

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng các bộ, ngành và địa phương đã ban hành quyết định công bố bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý. Vấn đề là việc công bố ấy có lợi gì cho các đối tượng không ít lần bị hành mỗi khi đi làm TTHC, bao giờ họ được hưởng lợi, hưởng lợi ra sao, v.v...

Nơi nào làm không tốt, không được xét thi đua

Thưa Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bao giờ các bộ, ngành, địa phương  công bố xong bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh : VietnamNet.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Đây thực chất là giai đoạn một của Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, gọi tắt là Đề án 30. Theo đó, tất cả các cơ quan quản lý hành chính trung ương và địa phương có nhiệm vụ thống kê toàn bộ TTHC mà ngành hoặc địa phương mình đang áp dụng.

Tính đến hôm nay, có 24/24 bộ, ngành đã có quyết định công bố và chỉ còn 4 bộ, ngành chưa tổ chức công bố do lãnh đạo bộ chưa thu xếp được thời gian; có 60/63 tỉnh, thành phố có quyết định công bố bộ thủ tục hành chính chung cấp huyện, cấp xã. Quyết tâm là đến 30/8, phải hoàn thành toàn bộ việc công bố này.

Trước đây, chúng ta đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhưng kết quả còn khiêm tốn. Lần này thì khác. Thứ nhất, do quyết tâm chính trị của Chính phủ. Thứ hai, do lựa chọn phương pháp đúng. Chúng tôi trưng dụng khoảng 30 cán bộ giỏi của các bộ ngành, địa phương, và trang bị công nghệ. Thứ ba, có chính sách, quy chế để thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đưa ra quy định, nơi nào không thực hiện thống kê tốt sẽ không xét được khen thưởng, nâng lương, đề bạt cán bộ, dù thực hiện tốt các công việc khác.

Việc thống kê và công bố  công khai bộ TTHC của các bộ, ngành địa phương  lần này có ý nghĩa gì?

TTHC nằm rải rác khắp nơi, có trong nhiều văn bản. Mỗi lần lục tìm một TTHC không đơn giản. Có được bộ thống kê, chí ít, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương có thông tin đầy đủ hơn, hệ thống hơn để, trên cơ sở đó, xác định được TTHC nào phù hợp, TTHC nào chồng chéo, lạc hậu.

Tôi đảm bảo rằng, lâu nay, không ít lãnh đạo bộ ngành và địa phương không biết lĩnh vực mình phụ trách có những TTHC gì, có bao nhiêu. Thế mới dẫn đến chuyện nhiều nơi ban hành TTHC chồng chéo, thậm chí, còn sáng tác ra; mới dẫn đến chuyện TTHC lúc thế này lúc thế khác, lúc thì A, lúc thì B. Từng có hai xã nằm kề nhau mà xã này có 100 TTHC nhưng xã bên cạnh có trên 200 TTHC.

Về phía nhân dân và doanh nghiệp, việc biết bộ TTHC trên internet sẽ giúp họ lựa chọn nhanh hơn, chính xác hơn nơi mà họ cần đến cũng như hình dung rõ hơn những TTHC mà họ cần chuẩn bị và phải trải qua.

Với một Việt kiều chẳng hạn, thay vì phải hỏi khắp nơi để tìm chỗ gia hạn thị thực (visa), nay chỉ cần vào internet, xem bộ TTHC là có thể biết rõ nơi và những việc mình cần phải làm. Với doanh nghiệp, việc tiết kiệm thời gian chờ đợi TTHC đồng nghĩa với tiết kiệm tiền bạc.

Đấy là chưa kể, dựa trên bộ TTHC, nhân dân, doanh nghiệp, còn có thể tham gia giám sát xem cơ quan hành chính có thực hiện đúng với những gì công bố không. Qua đó, có thể giúp hạn chế quan liêu, tham nhũng, hách dịch, giúp chính quyền trở nên gần dân hơn.

Có chế tài gì không khi phát hiện địa phương không thực hiện TTHC mà địa phương công bố?

Thứ nhất, địa phương công bố công khai cả trên internet và công sở, không chỉ dân mà cả cấp trên, cấp dưới giám sát. Thứ hai, trong quá trình thực hiện đề án, chúng tôi có hội đồng tư vấn, cũng là một kênh giám sát. Một kênh nữa là sự giám sát của tổ công tác trung ương.

Đương nhiên, dù có giám sát nữa mà lãnh đạo không công tâm, cán bộ quan liêu, tham nhũng, thì cũng khó mà giảm khâu hành dân. Trước đây phụ trách tỉnh Quảng Nam, tôi từng chỉ đạo lãnh đạo huyện Thăng Bình nếu không làm được sẽ bị trừ lương. Nếu lần hai không được bị xử lý nặng hơn.

Tóm lại, lãnh đạo phải thường xuyên giám sát. Phẩm chất, năng lực cán bộ mà không ra gì, anh có đơn giản thủ tục trời cũng chẳng ăn thua. Phải rà soát xem anh nắm được cán bộ thế nào, thực hiện luật cán bộ công chức ra sao. Rồi tiêu chí cán bộ, luân chuyển cán bộ, làm cho chất lượng cán bộ, công chức tốt hơn.

Nghĩa là một mình Tổ Công tác Chuyên trách Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của từng cấp ủy.

Làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ảnh: Phạm Yên

Mới được 1/3 quãng đường

Nếu chỉ dựa vào bộ TTHC thống kê mà có thể đạt được những kết quả to lớn như thế, e chỉ là mong muốn? Đơn giản chỉ vì thống kê như vậy khó tránh khỏi để lọt (vô tình hay hữu ý) những TTHC lạc hậu, chồng chéo, những TTHC tiếp tục hành dân?

Chính vì thế nên thống kê TTHC mới chỉ là bước khởi đầu, chứ không phải là đã kết thúc như một số người hiểu lầm.

Để kịp thời rút kinh nghiệm giai đoạn thống kê và tổ chức tốt giai đoạn hai là giai đoạn rà soát, thời gian tới, các bộ ngành và địa phương trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2009 tiến hành sơ kết giai đoạn một của Đề án 30.

Đề án 30 áp dụng đối với:

- TTHC giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức liên quan đến đời sống của nhân dân;

- TTHC giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Cuối tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố công khai bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên internet phục vụ nhân dân. Như vậy là trước 14 tháng theo kế hoạch đề ra.

Tiếp theo giai đoạn thống kê là giai đoạn rà soát – giai đoạn hai của Đề án 30. Giai đoạn này kéo dài từ tháng 9/2009 đến giữa tháng 5/2010, như tôi vừa nói, sẽ thực hiện rà soát TTHC theo ba tiêu chí gồm: sự cần thiết,  tính hợp lý và tính hợp pháp của TTHC và các văn bản, quy định có liên quan.

Kết thúc giai đoạn rà soát này, phải đạt được mục tiêu đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30 phần trăm quy định hiện hành về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Sang giai đoạn ba, từ giữa năm 2010 đến cuối năm 2010, sẽ tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hóa TTHC; kết thúc giai đoạn này, bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trên internet sẽ được đơn giản hóa theo các tiêu chí nêu trên.

Trong quá trình làm, chúng tôi có phê bình quyết liệt ngành địa phương nào không làm đúng tiến độ. Ngay cả ngành, địa phương nào chưa tập huấn cho giai đoạn hai cũng phê bình công khai.

Tại sao Chính phủ lại thực hiện đơn giản hóa TTHC mà không thực hiện việc khác trong công cuộc cải cách hành chính? Và có thể lượng hóa kết quả của Đề án 30 được không, thưa Bộ trưởng?

TTHC quả đúng chỉ là một phần của cải cách hành chính (CCHC) nhưng đây là khâu bức xúc nhất của nhân dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ coi đây là khâu đột phá.

Việc lượng hóa có thể được, thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, phải đợi kết thúc toàn bộ ba giai đoạn của đề án mới công bố số liệu này. Nhưng ngay bây giờ, nếu muốn, cũng có thể tính toán được.

Chẳng hạn, khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội, có tới 2,5 triệu người phải làm lại chứng minh nhân dân. Khi làm, mỗi người phải nộp khoảng 3.000 đồng đến 6.000 đồng tiền lệ phí cấp đổi chứng minh thư nhân dân. Vị chi, dân phải tốn 8-15 tỷ đồng, cơ quan hành chính phải tổ chức lực lượng để làm việc này.

Đứng trước tình hình đó, để có lợi cho dân, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an quyết định không đổi chứng minh thư nhân dân và cho phép người ở các địa phương này tiếp tục sử dụng chứng minh thư cho đến hết thời hạn quy định.

Tiếp sau TTHC được xem là đột phá, sẽ là cái gì?

Đấy là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu chung tay cải cách hành chính. Hy vọng mình là đất nước đang hội nhập chắc sẽ không bị tụt hậu với thời cuộc.

Phải cải cách cả ngôn từ

Trong số rất nhiều ngôn ngữ dùng trong văn bản liên quan đến TTHC, không rõ đề án có ý định xem xét lại một số ngôn từ vốn không phù hợp lắm không? Chẳng hạn, với văn bản ghi “Đơn xin...”, người cầm đơn gì thì gì cũng bị xem như ở chiếu dưới rồi, bị xem như là người đi xin rồi. Thế thì làm sao tránh khỏi bị hành? Sao không đổi “Đơn xin...” thành “Đơn đề nghị...” chẳng hạn?

Chúng tôi thấy đề xuất này rất đúng. Sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ở giai đoạn hai và ba. Trước dùng “Giấy phép đầu tư”. Nay đổi thành “Giấy chứng nhận đầu tư”.

Bộ TTHC của chính VPCP được thống kê đến đâu rồi, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đang làm kiên quyết. Sau khi các bộ ngành thống kê rồi, chúng tôi mới rà soát và công bố bộ TTHC của chính mình.

Điều đáng chú ý là tham gia cả ba giai đoạn của Đề án 30 chỉ có bản thân các cơ quan hành chính. Như thế thì làm sao tránh khỏi nguy cơ cơ quan hành pháp vẫn chỉ điều chỉnh, lựa chọn các TTHC có lợi cho mình hơn là cho dân, cho doanh nghiệp? Liệu có cơ chế nào căn cơ hơn, bài bản hơn để việc ban hành TTHC được khách quan hơn, và thực sự  vì dân hơn không, thưa Bộ trưởng?

Đây cũng là vấn đề chúng tôi tính đến. Chúng tôi đang làm hết mức để cố gắng càng gần với mong muốn của dân càng tốt.

Chẳng hạn, chúng tôi có cử cán bộ xuống bốn địa phương, gồm Bình Dương, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, để nghiên cứu thực tế thủ tục hành chính trước khi triển khai đề án.

Trong quá trình triển khai đề án, nhất là giai đoạn rà soát, ý kiến của dân, doanh nghiệp và Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính được xác định là một kênh thông tin quan trọng để Tổ Công tác Chuyên trách xem xét, cùng với kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc tham vấn và tạo điều kiện để dân và doanh nghiệp - đối tượng chịu sự tác động của thủ tục hành chính, tham gia vào quá trình triển khai đề án 30 là một trong những điểm mới của đề án này và đang phát huy tác dụng.

Để duy trì kết quả của đề án 30 và bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính trước, trong và sau khi ban hành, cũng như để giám sát việc thực hiện, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về Kiểm soát Thủ tục Hành chính và dự kiến ban hành trong tháng 10/2009.

Trước đây chúng ta dự định xây dựng Luật về TTHC nhưng do chưa có kinh nghiệm nên trước mắt chúng ta chỉ xây dựng ở mức nghị định mà thôi.

Chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

Quốc Dũng
(Ghi và thực hiện)