Dự luật cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ gặp khó

TPO - Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà đầu tư của dự án máy bay chiến đấu F-35, tham gia dự án trong giai đoạn nghiên cứu phát triển hệ thống và quảng bá. Công ty Lockheed Martin giải thích rằng, với tư cách là một đối tác, Bộ công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đủ điều kiện để trở thành nhà cung cấp F-35 trên toàn cầu trong quá trình thực hiện dự án với giá trị có thể tới 12 tỷ USD.    

Tạp chí Jane's Defence Weekly (Anh) cho biết, là một đối tác, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có thể mua F-35 qua con đường đối ngoại quân sự, mà còn có thể mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Điều này sẽ khiến dự thảo luật cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ mà các nhà lập pháp Mỹ đưa ra đối diện với một tình huống phức tạp.

Trước đó, ủy viên  Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ David Cicilline đã đề xuất dự luật cấm bán hoặc chuyển giao tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35, quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu kỹ thuật cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trừ khi Tổng thống Mỹ chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng được những điều kiện: không làm giảm khả năng hiệp đồng tác chiến của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), không tiết lộ vũ khí trang bị của NATO cho các nước đối địch và không làm suy giảm an ninh chung của  các thành viên NATO.

Dự thảo luật cũng yêu cầu Ankara không được mua các trang bị quốc phòng từ các nước: chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, giam giữ bất hợp pháp công dân Mỹ, vi phạm luật pháp quốc tế tham gia các hoạt động quân sự gây thương vong cho thường dân.

Một nhân viên thuộc văn phòng Cicilline cho biết, dự thảo đã được soạn thảo và sẽ trình lên Hạ viện Mỹ trong kỳ thông qua luật ủy quyền quốc phòng quốc gia năm 2019.

Theo JDW, ý tưởng cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể không được Lầu Năm Góc mong đợi, bởi dự luật này làm tăng giá vốn của dự án. Gần đây, các quan chức Bộ quốc phòng Mỹ đang tiến hành thảo luận tăng số lượng sản xuất, đồng thời hạ giá thành máy bay F-35. Vì vậy, Quốc hội Mỹ cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng sẽ khiến tình hình phức tạp hơn.

Theo Tân hoa xã