Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I/2022, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do đó, đến cuối tháng 3, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. EVN đã chủ động làm việc với các đối tác cung ứng than trong nước nhằm tìm cách tháo gỡ các vướng mắc phát sinh và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 / 1,01 tỉ kWh.
Theo EVN, qua tính toán cân đối cung cầu điện năm 2022 theo phương án phụ tải cơ sở, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 dự kiến là 277,29 tỉ kWh, tăng trưởng 8,73% so với năm 2021. Phương án phụ tải cao tăng trưởng khoảng 12%.
“Tính toán cân đối cho thấy trong trường hợp đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện, cơ bản đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, kể cả trường hợp nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao. Tuy nhiên, khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng với công suất thiếu hụt khoảng 1.300MW đối với phương án cơ sở và có thể lên đến 2.500MW đối với phương án phụ tải cao”, EVN cho hay.
Theo EVN, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống. Vì vậy, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh từ vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng.
Để đảm cung cấp điện giai đoạn 2022-2025, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện. Trong đó, đến năm 2025 cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500 MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000 MW điện gió và khoảng 1.500 MW điện mặt trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm tối. Đồng thời, EVN cũng đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ, không bán lên lưới.
Mách chiêu tiết kiệm điện mùa nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2022, dự báo tháng 6, 7 có khoảng trên 18 đến 21 ngày nắng nóng, nhiều hơn trung bình các năm khác khoảng 7 đến 9 ngày.
Để đảm bảo việc cung ứng điện cho người dân cũng như giúp khách hàng tiết kiệm được tiền điện trong những ngày nắng nóng, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, nắng nóng kéo dài dẫn đến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ.
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện cũng như nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ. Vì vậy, khách hàng nên thay đổi cách sử dụng các thiết bị điện tiêu tốn nhiều điện năng, như: điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bình nóng lạnh...
EVNHANOI cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11 - 14 giờ và từ 18 - 23 giờ hàng ngày); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
“Các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 15h, buổi tối từ 20h đến 23h). Cùng đó, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn”, EVNHANOI khuyến nghị.