Dự báo lượng nước về hồ khác xa thực tế

TP - Chiều 13/10, tại cuộc họp về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10-12/10 vừa qua, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, lượng nước đổ về hồ Hòa Bình khác xa so với dự báo của cơ quan khí tượng.

Một số xã của huyện Chương Mỹ vẫn chìm trong biển nước. Ảnh: Trần Hoàng.

Dự báo chênh lệch quá lớn

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Điều hành ứng phó, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, thông tin giữa dự báo và lượng nước về hồ chênh lệch quá lớn.

Theo ông Hải, tại bản tin dự báo số 32 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư (ban hành lúc 15h15 ngày 10/10), dự báo lúc 1 giờ ngày 11/10, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình là 3.800 m3/s, trong khi thực tế nước về tới 9.360 m3/s, chêch lệch gần 6.000 m3. Tiếp đó, vào thời điểm 15h cùng ngày, cơ quan dự báo nhận định lưu lượng nước về là 2.900 m3/s, trong khi thực tế về tới 11.290 m3/s, chênh lệch hơn 8.000 m3/s.

Trong bản tin 38 sau đó (ban hành lúc 13h15 ngày 11/10), cơ quan khí tượng dự báo nước về hồ lúc 19h cùng ngày là 17.000 m3/s, trong khi lượng nước về hồ là 7.250 m3/s, chênh lệch gần 10.000 m3. Còn vào lúc 1h ngày 12/10, cơ quan khí tượng dự báo lượng nước về 10.000 m3/s, trong khi thực tế lượng nước về hồ chỉ gần 6.000 m3/s…

Ông Hải cho biết, tại khu vực lòng hồ Hòa Bình đã có mưa đặc biệt lớn, và bất thường trong các ngày 10-11/10, gây đợt lũ lớn trái mùa với lưu lượng lớn nhất là 15.940 m3/s, khiến hồ Hòa Bình phải xả lũ lịch sử với 8 cửa đáy. Việc xả lũ khiến mực nước sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến, mực nước Hà Nội trong hai ngày tăng lên 5,5m.

Lý giải vấn đề trên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, dự báo khí tượng thủy văn luôn là bài toán khó, dự báo mưa càng khó, mưa cực đoan lại càng khó khăn hơn.

Ông Cường cho hay, cơn áp thấp vừa rồi với không khí lạnh đã gây mưa lớn ở Bắc Trung bộ và mưa ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La và vùng lân cận. “Về cơ bản, dự báo khá sát với thực tế cho đến lúc áp thấp nhiệt đới sang Lào. Xuất hiện mưa cực đoan trong thời gian ngắn, đặc biệt trong khoảng 6 tiếng, từ 1 -7 giờ sáng 11/12, mưa tới 300mm ở khu vực Thanh Hóa, Hòa Bình”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, hầu hết các đài dự báo bão trên thế giới cũng không định được lượng mưa. Các địa chỉ dự báo có hoặc không có mưa, mưa to-nhỏ. “Với điều kiện hiện nay, khó khăn về công nghệ, thiết bị, nhân lực… chúng tôi đã cố gắng thông tin ban đầu về định lượng lượng mưa. Việc dự báo lượng mưa ban đầu chỉ phục vụ cho công tác ứng phó, còn sau đó, phải cập nhật dần trong quá trình diễn ra để có cảnh báo sát hơn”- ông Cường nói.

Làm thế nào để có bản tin sát, tin cậy hơn, ông Cường cho rằng, đây là điều khó, nhưng phải khắc phục. Cần hệ thống dự báo hiện đại hơn, kết hợp các kết quả nghiên cứu khoa học trong nước với thế giới, mới chính xác, tin cậy và đưa ra nhận định sớm hơn.

Sẽ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ

Liên quan đến việc điều hành xả lũ hồ Hòa Bình có phải “quy trình ngược” như Tiền Phong đã thông tin? Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết, theo quy trình vận hành liên hồ chứa, từ 15-30/9, hồ Hòa Bình được tích cao trình 117 m và đã tích đúng quy trình. Do vậy, khi lũ về, hồ được phép xả.

“Nếu đi dọc Sơn La hiện nay, nhiều quả đồi, cánh rừng giờ đã bị cạo trọc, thay vào đó là nương ngô và đây là việc tiếp tục trả giá. Để có những cánh rừng nguyên sinh, tấm lá chắn và điều tiết lũ…sẽ rất khó và mất rất nhiều năm nữa”. 

 Ông Trần Quang Hoài

Theo ông Hoài, nếu xả bình thường sẽ cách tối thiểu 6 tiếng một lần. “Theo điều 12 của quy trình vận hành, nếu lũ về khẩn cấp thì được xả cấp tập. Nếu hồ Hòa Bình không an toàn sẽ là thảm họa của đất nước. Lúc 6h ngày 11/10, nước đã uy hiếp cửa van, rất nguy hiểm. Nhà máy đã phối hợp với chúng tôi để thực hiện đúng quy trình”- ông Hoài nói.

Ông Hoài cho rằng, việc ngừng phát điện hồ Sơn La là một quyết định linh hoạt, dựa trên thực tế lũ về. “Nếu không đóng, mà xả tiếp thì gây áp lực lên hồ Hòa Bình và lúc đó có thể xả lên 9-10 cửa. Thực tế, trong đợt này, chủ yếu mưa lòng hồ Hòa Bình, hồ Sơn La mưa ít hơn, và dung tích lũ vẫn còn”.

Cũng theo ông Hoài, theo quy trình vận hành liên hồ, mùa mưa lũ đến 15/9 là kết thúc và chuyển việc vận hành về chủ hồ. Tuy nhiên, mưa ngày càng bất thường. “Chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp hơn. Tuy nhiên, vừa rồi thời gian gấp, nên hiện vẫn áp dụng quy trình cũ”-ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng cho rằng, việc thiệt hại lớn về người và tài sản do mưa lũ, có nguyên nhân chủ quan của địa phương. Việc thông tin đến người dân cũng hạn chế, đặc biệt là các hộ sống ở vùng núi, hẻo lánh. Nhiều nhà dân vẫn làm ven sườn núi, sông, suối. “Chúng tôi đã có tổng hợp, hiện trên 100.000 nhà dân nằm trong diện phải di dời. Dẫu vậy, việc thực hiện di dân cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí”- ông Hoài nói.

Ông Hoài cảnh báo, hiện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã đầy, buộc phải xả tràn, thậm chí xả tràn không kịp như ở Nghệ An, Hòa Bình. Có trên 6.600 hồ chứa có tuổi lâu năm, xây bằng đập đất, nay đã xuống cấp, nên phải có giải pháp cấp bách cho những đợt mưa lũ tới.