> Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: nếu không bảo đảm thì dứt khoát dừng
Không thể bảo thiếu thông tin
Thưa các ông, tại cuộc họp báo do chủ đầu tư dự án tổ chức ở Hà Nội ngày 8-11, đại diện cấp cao nhất của chủ đầu tư nói tỉnh Đồng Nai chưa có đủ thông tin về dự án?
Ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Đồng Nai: Họ nói thì đấy là quyền của họ. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm lời nói của mình. Tất nhiên không có khả năng để biết hết mọi thứ. Nhưng không thể nói chúng tôi thiếu thông tin. Chúng tôi không đoán mò.
Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tỉnh Đồng Nai: Trước kỳ họp này của Quốc hội, chúng tôi có nghe ý kiến các bên về kết quả các hội thảo về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.
đó, chủ đầu tư có đề nghị cho dự để cung cấp thêm thông tin. Trước sự có mặt của đại diện chủ đầu tư là ông Bùi Pháp (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai), Giám đốc VQG Cát Tiên nói: “Được giao quản lý VQG, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ rừng trước Chính phủ và trước Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Một cây rừng cũng phải bảo vệ”.
Tôi hỏi lại anh Bùi Pháp “Anh có nghe thấy Giám đốc VQG nói một cây rừng cũng phải bảo vệ không?”. “Anh có biết phải xin phép Quốc hội nếu cắt 50 ha rừng vùng lõi để chuyển đổi mục đích sử dụng không?”. Anh Pháp nói không biết và bảo Bộ cho phép làm thì chúng tôi làm. Tôi xin nhắc lại điều này để đại diện chủ đầu tư nhớ.
Nhưng Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 và Nghị quyết 49 của Quốc hội năm 2010 chỉ cấm xây dựng hoặc yêu cầu xin chủ trương xây dựng trong vùng lõi VQG. Chứ các văn bản ấy không cấm hoặc không yêu cầu xin chủ trương nghiên cứu. Mà bây giờ họ đang giai đoạn nghiên cứu?
Ông Trần Văn Tư: Theo cách nghĩ thông thường, không ai dại gì bỏ cả lượng tiền khổng lồ chỉ để nghiên cứu, để làm đánh giá tác động môi trường, để rồi không xây dựng gì.
Năm 2012, Bộ NN&PTNT ra quyết định chuyển 137 ha vùng lõi VQG Cát Tiên thành đất rừng bình thường. Như vậy, dự án sẽ không bị điều chỉnh bởi Luật Đa dạng Sinh học và Nghị quyết của Quốc hội nữa?
Ông Trần Văn Tư: Chúng tôi chưa nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT dù hai phần ba diện tích VQG Cát Tiên và trụ sở VQG nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hơn nữa, không thể tự nhiên cắt một khu đất giữa vùng lõi để rồi bảo rằng nó không phải là vùng lõi.
Nghị quyết 49 của Quốc hội chưa phải là một văn bản luật nhưng là văn bản pháp lý cao nhất. Các bộ ngành và cả Chính phủ muốn ra văn bản gì chuyển đổi mục đích sử dụng của vùng lõi thì phải đề xuất Quốc hội xem xét.
Ông Trương Văn Vở: Nếu chính thức nhận được văn bản đó, chúng tôi sẽ có ý kiến Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi sẽ kiến nghị việc ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng 137 ha rừng vùng lõi là thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được Quốc hội cho ý kiến về chủ trương.
Tôi xin nói thêm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 mới đây có nói đến bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ rừng phòng hộ. Điều đó càng đòi hỏi xem xét lại việc cắt đất vùng lõi như thế là đúng hay sai với nghị quyết của Đảng.
Nhưng diện tích ấy được cho là chủ yếu rừng nghèo, rừng hỗn giao, không còn rừng thường xanh và cây gỗ quý nữa?
Ông Trần Văn Tư: Dù là nghèo thì vẫn nằm trong vùng lõi và, như vậy, phải được bảo vệ như vùng lõi. Mà rừng tự nhiên thì đâu phải chỗ nào cũng có gỗ quý? Đa dạng sinh học cơ mà. Có chỗ có rừng hỗn giao, có trảng cỏ, trảng tranh. Không có tre nứa, trảng cỏ, trảng tranh thì thú hoang, các loài thú quý lấy đâu thức ăn.
Tê giác, voi, hươu nai, bò tót đều sống nhờ vào các rừng tre nứa, trảng cỏ trảng tranh đó chứ. Tự ngàn xưa rồi. Chứ đâu phải đợi đến bây giờ bị chặt phá mới bảo là sinh ra rừng nom qua thì tưởng nghèo và hỗn giao như vậy.
Ngay cả Bàu Sấu, vùng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại của Đông Nam Bộ, cũng chủ yếu là trảng cỏ, trảng tranh. Chứ ở đó làm gì có cây gỗ quý nào.
Nên dừng dự án
Ông Bùi Pháp nói địa phương chỉ đề nghị cân nhắc được và mất, chứ không đề nghị dừng dự án?
Ông Trần Văn Tư: Đa số nhà khoa học tham gia hội thảo tổ chức tại tỉnh đều cho rằng, giữa cái lợi và bất lợi, cái lợi ít hơn và cái bất lợi nhiều hơn. Vì thế, nếu hỏi về quan điểm, chúng tôi cho rằng dừng là tốt nhất. Nên dừng dự án.
Ngay từ khi chủ đầu tư bắt đầu thuê tư vấn làm ĐTM, từ khi bắt đầu có cuộc vận động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, và Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đều đã bàn bạc và khẳng định chủ trương của mình. Đồng Nai đã có nhiều văn bản thể hiện quan điểm này.
Gần đây nhất, ngày 31-10-2012, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 8559/UBND-CNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khi triển khai có thể đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường hết được. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định không đầu tư dự án”.
Lợi ích kinh tế 15.000 tỷ đồng đóng góp ngân sách mà chủ đầu tư tính toán cho một chu kỳ đầu tư 40 năm chỉ là dự đoán. Mà hệ lụy thì không thể để đến khi xảy ra rồi mới lên tiếng.
PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường&Tài nguyên, đơn vị tư vấn được chủ đầu tư thuê làm báo cáo ĐTM, cho biết chỉ làm ĐTM ở vùng thực hiện dự án, chứ không làm ĐTM ở vùng hạ lưu, nằm ngoài vùng dự án?
Ông Trần Văn Tư: Đã làm ĐTM là phải đánh giá xem ảnh hưởng của nó đến các vùng xung quanh thế nào. Chứ bản thân dự án đó có nằm trơ trọi một mình một chỗ đâu. Thực tiễn cho thấy, tất cả các công trình thủy điện gây họa đâu chỉ cho vùng đặt thủy điện mà thường là cho các vùng hạ lưu sông chứ. Ngập lụt hạn hán. Đảo lộn hết cả. hàng triệu người ở hạ lưu sông Đồng Nai có chịu nổi cảnh ấy cho hết chu kỳ dự án 40 năm không?
Nhưng nhà khoa học nói dòng chính sông Đồng Nai có tới chín đập, sao lại chỉ bảo thủy điện ĐN 6&6A chịu trách nhiệm tác động ở hạ lưu?
Ông Trương Văn Vở: Chính vì thế mới cần đánh giá xem thêm hai đập ĐN 6&6A thì mức chịu đựng của sông Đồng Nai ở hạ lưu đến đâu. Nhiều nhà khoa học nói sông Đồng Nai đã đến ngưỡng rồi. Thêm hai dự án kia, dù giảm thiểu tác động đến mấy, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Chủ đầu tư và nhà khoa học bảo đây là dự án thủy điện chiếm ít diện tích rừng nhất?
Ông Trương Văn Vở: Nhưng họ lại không nói sự một khác biệt cơ bản. Đấy là diện tích rừng gì? Bảy dự án khác trên sông Đồng Nai chiếm nhiều diện tích rừng hơn nhưng không chạm đến vùng nhạy cảm.
Nghe nói Bộ Tài nguyên&Môi trường đang xin ý kiến các tỉnh hạ lưu dự án. Tỉnh nhà đã có ý kiến gì chưa?
Ông Trần Văn Tư: Chúng tôi chưa nhận được văn bản hỏi ý kiến nào từ Bộ TN&MT.
Cám ơn các ông.
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có đem vấn đề này ra chất vấn không?
Ông Trần Văn Tư: Chúng tôi không chỉ chất vấn lần này mà nhiều lần rồi. Gửi hẳn văn bản đến các bộ ngành. Tất cả đều trả lời đang nghiên cứu.
Ông Trương Văn Vở: Tôi sẽ chất vấn về cơ sở pháp lý của dự án. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai quan tâm trước tiên đến cơ sở pháp lý. Thứ nhất, sử dụng thủy điện liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng vườn quốc gia. Bộ ngành phải tham mưu cho Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội.
Những gì mà chủ đầu tư đã và đang làm là chưa thực hiện đúng quy định của Quốc hội. Cơ sở pháp lý mới nhất là, tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ công nhận VQG Cát Tiên là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Cơ sở pháp lý quốc tế là VQG Cát Tiên đã được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới và đang được IUCN đánh giá để trình UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2013.
Đụng tới diện tích VQG như thế thì còn gì là khu dự trữ sinh quyển, còn gì là di sản thiên nhiên thế giới, còn gì là di tích quốc gia đặc biệt. Với cơ sở pháp lý thiếu và lỗ hổng pháp lý lớn như thế, tôi tin rằng Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội. Chúng tôi sẽ kiến nghị cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì để Quốc hội xem xét.
Bộ Công Thương:
Không triển khai dự án nếu không duyệt ĐTM
Trả lời Tiền Phong, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, nói: “ Để triển khai thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, phải xem xét toàn diện, hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội, và môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ, khách quan các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Dự án chỉ được triển khai thực hiện khi báo cáo ĐTM được phê duyệt. Cách đây mấy hôm, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến đó của Bộ về dự án này”.
Quốc Dũng