Dự án mở rộng Quốc lộ 50 ở TPHCM: Người dân yêu cầu mức bồi thường cao gấp 10 lần phương án phê duyệt

TPO - Liên quan tuyến đường song hành Quốc lộ 50 thuộc dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, hiện còn 8 hộ dân chưa đồng ý nhận bồi thường do không đồng ý với mức được chi trả. Có trường hợp yêu cầu mức bồi thường là 44 tỷ đồng, trong khi phương án bồi thường đưa ra là 3,9 tỷ đồng.

Ngày 22/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng đoàn công tác đã thực tế kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Đoàn đã khảo sát thực tế công trường thi công đoạn song hành Quốc lộ 50 (thuộc dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50) qua khu dân cư Phong Phú 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kiểm tra thực tế tuyến đường song hành Quốc lộ 50. Video: Ngô Tùng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khảo sát thực tế dự án đường song hành Quốc lộ 50. Ảnh: Ngô Tùng

Báo cáo tại buổi làm việc sau đó, đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc, cho biết dự án đang vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng với 8 hộ dân có nhà nằm trên đường Trịnh Quang Nghị.

Doanh nghiệp đã có văn bản đề xuất, chuẩn bị sẵn 10 nền đất tại dự án Phong Phú 4 với diện tích từ 100-200m2/ nền để thực hiện phương án tái định cư hoặc hoán đổi đất cho 8 hộ dân này. Doanh nghiệp đã đề xuất phương án giá phù hợp với tình hình hiện nay của 10 nền đất (từ 45-55 triệu đồng/ m2) để Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện có cơ sở làm việc với 8 hộ dân.

Đơn vị chủ đầu tư thông tin về vướng mắc hiện nay đối với dự án.

Theo ông Nhựt, dù đã nỗ lực tiếp xúc, vận động, nhưng hiện nay còn 8 hộ dân đang yêu cầu bồi thường với giá rất cao so với phương án bồi thường được duyệt, mặc dù phía doanh nghiệp chấp thuận hỗ trợ thêm ngoài phương án.

Vị này dẫn chứng, trong số 8 hộ này có một trường hợp có diện tích bồi thường 277m2, theo phương án bồi thường thì được tái định cư 180m2 cùng khoản tiền khoảng 320 triệu đồng. Mặt khác, tổng số tiền nếu hộ dân này không nhận nền đất mà nhận tiền là khoảng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hộ dân này đề nghị bồi thường 10 tỷ đồng, gấp 5,5 lần phương án bồi thường của công ty đưa ra. Lý do người dân đưa ra cho yêu cầu này là đất của họ nằm mặt tiền đường Trịnh Quang Nghị.

Ngoài ra, có trường hợp phương án bồi thường đưa ra là 3,9 tỷ đồng nhưng hộ dân yêu cầu mức bồi thường… 44 tỷ đồng.

Tuyến đường song hành Quốc lộ 50 hiện đang được thi công dang dở.

Phân tích để người dân hiểu mình đang có lợi

Trao đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh cần gặp gỡ để phân tích cặn kẽ, hợp lý để người dân thấy rõ giữa phương án bồi thường của nhà nước và phương án bồi thường của doanh nghiệp như hiện nay thì người dân được hưởng lợi. “Phải nêu rõ về giá trị mà người dân được hưởng trên cơ sở pháp lý để họ hiểu và đồng thuận”, ông Hoan lưu ý.

Ông Hoan cho rằng, nếu tính theo bảng giá đất mới, đường Trần Quang Nghị có mức giá bồi thường theo quy định cũng khoảng 11-12 triệu đồng/ m2, không hơn Quốc lộ 50. Do đó, với mức bồi thường từ 44-55 triệu đồng/m2 mà doanh nghiệp đưa ra cùng những khoản hỗ trợ khác thì người dân có lợi hơn so với mức giá bồi thường của nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ, về mặt nguyên tắc, trước đây doanh nghiệp phải bồi thường cho người dân thì nay nhà nước sẽ bồi thường lại cho doanh nghiệp. Còn trước đây doanh nghiệp chưa bồi thường, thì nay nhà nước bồi thường cho dân theo bảng giá đất nhà nước. “Nếu địa phương làm được việc này thì tốt, còn không thì tuần sau tôi sẽ xuống và nói chuyện trực tiếp với người dân”, ông Hoan nói thêm.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời hạ tầng kỹ thuật liên quan để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ảnh: Ngô Tùng

Theo UBND huyện Bình Chánh, dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện có 725/725 trường hợp đồng ý ký biên bản bàn giao mặt bằng để thi công thực hiện dự án. Đến nay, còn lại 8 trường hợp, UBND huyện chỉ đạo Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện phối hợp UBND xã Đa Phước xây dựng kế hoạch, phương án để hỗ trợ tháo dỡ trong quá trình thi công và hoàn thành trong tháng 11/2024.

Theo đó, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát pháp lý, quy hoạch đối với 4 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong dự án để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về chính sách bồi thường, hỗ trợ và trình UBND TPHCM xem xét, giải quyết, làm cơ sở cho UBND huyện Bình Chánh triển khai thực hiện. Việc này dự kiến hoàn thành trước ngày 25/10.