> Sắp mở đường bay tới Anh, vé khứ hồi 20 triệu đồng
“Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá” mở đầu bằng việc đưa ra các số liệu chứng minh hiệu quả kinh tế thấp của các đường bay chủ lực, trong đó có đường bay quan trọng nhất là Hà Nội-TP HCM tần suất 59 chuyến/ngày hiệu quả chỉ trên 73%.
Tính toán cho đường bay có tần suất lớn nhất trong năm này cho thấy, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) sẽ lỗ 215 USD cho mỗi chuyến bay với máy bay Boeing777, và 118 USD với máy bay A320. Các số liệu “hiệu quả kinh tế thấp” không thấy đại biểu nào phản đối.
Để tăng cường hiệu quả khai thác, ông Trần Đình Bá đề nghị điều chỉnh 12 đường bay thẳng. Tổng cộng, theo công thức tính của ông Bá, chỉ cần đầu tư số tiền tương đương 3 triệu USD, mỗi năm VNA tiết kiệm được 119 triệu USD, trong đó có 65.000 tấn nhiên liệu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Có vấn đề trên nhiều phương diện
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn (Bộ Quốc phòng), nói “Chủ đề rất mới, bản thân tôi rất háo hức”. Tuy nhiên, sau phần thuyết trình hơn một tiếng mà không dưới nửa thời gian không đề cập trực tiếp đến đề án, các đại biểu đều chung nhận xét tác giả mới xem xét thuần túy khía cạnh kinh tế. Ngay ở khía cạnh kinh tế, phương pháp tính toán hiệu quả hoạt động bay cũng bị hoài nghi, các số liệu về cự ly cũng được chỉ ra có chỗ sai.
Ông Trần Ngọc Thành (Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT), cho rằng Bộ không có đủ thẩm quyền thẩm định phương pháp tính kỳ lạ dựa trên “bài toán cao cấp kết hợp toán học với cơ học” của tác giả. Ông đề nghị chuyển nhiệm vụ này sang cho Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam.
Ông Lại Xuân Thanh (Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), thắc mắc học vị tiến sỹ của tác giả đề án có thật hay không. Ông còn hoài nghi cả cốt lõi đề án mà ông cho là đã được một cựu quân nhân là Mai Trọng Tuấn đề xuất dưới cái tên Đường Bay Vàng.
Ông Trần Đức Minh (đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) đề nghị hội viên Trần Đình Bá “nên cố gắng lắng nghe các ý kiến khác”.
Theo tài liệu phát cho đại biểu dự hội thảo, ba năm qua, ngành HKVN nắn nhiều đường bay, điều chỉnh các phương thức bay để rút ngắn quãng đường và thời gian bay cho nhiều tuyến bay.
Năm 2009, trong số bốn đường hàng không nội địa mới được thiết lập, có đường bay W17 Tân Sơn Nhất-Baven phục vụ tuyến bay TP HCM-Phú Quốc, giúp rút ngắn khoảng cách cho các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Phú Quốc 50 km, tiết kiệm 9 phút bay.
Năm 2010, điều chỉnh tiếp một số đường hàng không quốc tế. Năm 2011, đề xuất và thiết lập các tuyến nội địa và quốc tế khác, có tuyến thời gian bay rút ngắn được 30 phút.
Thời gian HKVN thực hiện “công tác tối ưu hóa đường hàng không và phương thức bay” gần như trùng với thời gian ông Mai Trọng Tuấn làm sống lại ý tưởng thiết lập đường bay thẳng của mình mà ông từng trình bày từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, văn bản đã dẫn khẳng định các hoạt động nắn chỉnh trên không liên quan ý tưởng của ông Tuấn.