Dự án BT bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bảo đảm cạnh tranh

TPO - Việc triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (ảnh Nhật Minh)

Sáng 29/5, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đang có nhiều quan điểm khác nhau về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo đó, một số ý kiến thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT nhưng cần quy định chặt chẽ và minh bạch, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực xảy ra thời gian vừa qua; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật.

Song cũng có ý kiến cho rằng các phương thức thanh toán cho hợp đồng BT rộng hơn quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công chưa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, có ý kiến khác đề nghị dừng việc triển khai mới các dự án áp dụng loại hợp đồng BT, không quy định trong Luật này về loại hợp đồng BT vì không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP.

Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM)

Trước các ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1: Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, quy định đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu thầu (hoặc đấu giá) “quỹ đất, trụ sở làm việc” thanh toán dự án BT để lựa chọn đồng thời nhà đầu tư dự án BT và nhà đầu tư “dự án khác”. Đơn vị trúng thầu là đơn vị có hiệu số giữa giá đấu giá tài sản, trừ đi giá bỏ thầu thực hiện dự án cao nhất…

Phương án 2: Không quy định về dự án áp dụng loại hợp đồng BT tại dự thảo Luật PPP.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đồng thời cũng không gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình. Trong bối cảnh chưa xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Đất đai và quy định tại một số luật liên quan một cách phù hợp thì có thể dẫn đến thất thoát lớn về nguồn lực đất đai tại các địa phương.