Đột phá cải cách hành chính, xóa “xin - cho”

TP - Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2015, nhiều sở ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội đã triển khai các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều thủ tục cấp sổ đỏ đã được cải thiện. Ảnh: Minh Tuấn.

Cắt giảm thủ tục hành chính

Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, kể từ ngày 1/1/2015, Sở này sẽ chính thức triển khai việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thành lập mới sau 3 ngày làm việc, giảm 2 ngày so với thủ tục trước đây. 

Hàng loạt các công việc chuẩn bị, điều chỉnh để quy trình mới hoạt động cũng đã được hoàn tất. Cụ thể như sửa đổi Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; sửa đổi Quy chế quản lý doanh nghiệp; phối hợp với UBND các quận, huyện, sở ngành tăng cường hậu kiểm, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh. 

Như vậy, so với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 thì Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cắt giảm các thủ tục hành chính.

Trước đó ngày 26/12/2014, Hà Nội đã khai trương bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết dịch vụ công theo cơ chế một cửa tại Cty TNHH MTV nước sạch số 2 Hà Nội. 

Đây là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tiên thí điểm triển khai mô hình dịch vụ công nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính để phục vụ khách hàng tốt hơn. Theo ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, trong Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa cung cấp dịch vụ công tại một số DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố thực hiện bộ thủ tục gồm 7 dịch vụ trong hoạt động cung cấp nước sạch theo cơ chế một cửa. 

Trong đó, 2 thủ tục thuộc lĩnh vực đấu nối nguồn cấp nước; 3 thủ tục lĩnh vực đường ống, cụm đồng hồ đo nước; 1 thủ tục lĩnh vực tạm ngừng, mở lại nguồn cấp nước và 1 thủ tục thuộc lĩnh vực hợp đồng dịch vụ cấp nước, hóa đơn, đơn giá thanh toán tiền nước. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Cty Nước sạch số 2 Hà Nội. 

Việc thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục rất quan trọng vì liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho khách hàng với số lượng rất lớn, giúp tiết giảm được nhiều thời gian đi lại của khách hàng và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Trong hoạt động của Sở Xây dựng Hà Nội, hoạt động cấp phép xây dựng, thẩm định cũng được điều chỉnh lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian, và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện hàng trăm chủ đầu tư đối thoại với Sở TN&MT về cấp sổ đỏ cho nhà dự án. Ảnh: Minh Tuấn.

Kiên quyết xóa “xin-cho”

UBND thành phố Hà Nội khẳng định, năm 2015 vẫn tiếp tục được chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Trong đó tập trung nội dung chính là đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường; đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. 

Thành phố yêu cầu các sở ngành chức năng tăng cường quản lý đô thị, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các hành vi xây dựng không phép, sai phép và xử lý nghiêm cán bộ công chức không thực thi đúng chức trách. 

Khắc phục cơ chế “xin-cho” kéo dài nhiều năm qua, trong năm 2015, hàng chục dịch vụ đô thị như xử lý rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường, quản lý điểm đỗ xe, công viên, khu vui chơi giải trí, cấp nước sạch… được mở rộng công khai đấu thầu.

Bên cạnh đó, thành phố cũng khẩn trương kiểm tra rà soát lại hệ thống định mức, đơn giá thực hiện các dịch vụ công ích nhằm tiết kiệm cho ngân sách và nâng cao chất lượng dịch vụ. “Sau khi đấu thầu, nếu chỉ cần tiết kiệm được 10% kinh phí thì mỗi năm thành phố đã có trên 400 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng trường học, xóa đói giảm nghèo”, giám đốc một đơn vị cung cấp dịch vụ công ích khẳng định. 

Kết quả giám sát của HĐND thành phố năm 2014 cho thấy có nhiều gói dịch vụ công sau đấu thầu đã tiết kiệm được từ 25 đến trên 30% kinh phí.

Thành phố có nhiều giải pháp cụ thể tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Thủ đô. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, nhất là chất lượng xây dựng.

Để phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn, cũng trong năm 2015, thành phố Hà Nội đặt kế hoạch hoàn thành tuyến truyền dẫn số 2 nước sông Đà, xây dựng nhà máy nước Yên Viên; chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng hai nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Hồng; phát triển hệ thống mạng cấp nước cho các khu vực còn thiếu; hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu. 

Trong năm nay, thành phố phấn đấu hoàn thành phê duyệt 14/35 đồ án quy hoạch phân khu; 9/33 đồ án quy hoạch chung; 19 quy hoạch chi tiết các tuyến đường… 

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 9-9,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 75-77 triệu đồng/người; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8-9%; 90% dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh; tăng thêm 55 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; thêm 100 trường học đạt chuẩn quốc gia…

(Trích Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2015 của HĐND thành phố Hà Nội)