'Đột nhập' phim trường King Kong 2 tại Quảng Bình

TP - Đúng 9h40 sáng 22/2, đoàn làm phim King Kong 2, gồm 150 người đến từ Hollywood đã đáp xuống sân bay Đồng Hới trên chuyến chuyên cơ của Vietnam Airline.
Những hình ảnh đầu tiên khi đoàn làm phim đến Quảng Bình và phim trường. Ảnh: P.V.

Bí mật đến từng chi tiết

Mặc dù sau một chặng đường dài, nhưng đoàn làm phim đến từ Hollywood khá vui vẻ, cởi mở khi vừa bước xuống sân bay. Lãnh đạo đoàn, đạo diễn và các diễn viên được lãnh đạo Quảng Bình đón ở cổng an ninh và trao những bó hoa tươi thắm. Các diễn viên được bảo vệ nghiêm ngặt trước hàng trăm fan hâm mộ chờ được giao lưu. Nam diễn viên gạo cội Jackson Samuel Leroy, Tom Hiddleston và nữ diễn viên Brie Larson nhanh chóng được các bảo vệ đẩy lên xe trước hàng trăm fan hâm mộ chạy theo xin chụp ảnh.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts khá cởi mở, ông là người lên xe cuối cùng vì bị nhiều phóng viên bao vây phỏng vấn. Ông tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến công việc làm phim. Ông nói với phóng viên Tiền Phong: Cách đây nửa năm, ông đã đến Quảng Bình để khảo sát cảnh quay cho bộ phim. Ông rất ấn tượng với con người và cảnh sắc ở đây. Ông nói, Quảng Bình đẹp đến độ siêu thực, khó nơi nào trên thế giới có được.

Để giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, cũng như cảnh quay của bộ phim trước khi được công chiếu, hãng phim Legendary Pictures khống chế tối đa các nguồn tin có thể tiết lộ ra ngoài. Ngay cả các văn bản gửi cơ quan chức năng Việt Nam, họ nói quay phim Titan. Tuy nhiên nguồn tin riêng của Tiền Phong, nội dung kịch bản là phim King Kong 2.

Một người dân ở thôn Yên Phú, xã Trung Hóa tiết lộ: “Mỗi con trâu bò được trả mỗi ngày 65 ngàn đồng, nhà tui có 7 con, nhốt trong chuồng 2 ngày, họ trả công 1,4 triệu đồng”.

Được biết, trong các hợp đồng ký với các đối tác ở Mỹ cũng như Việt Nam, hãng phim này đều yêu cầu ký cam kết không cung cấp bất cứ thông tin nào với báo chí khi phim chưa phát hành. Người dân thôn Yên Phú và xã Tân Hóa, nơi dựng phim trường, cũng được khuyến cáo không được cung cấp thông tin cho báo chí.

Để chuẩn bị cho dự án làm phim thành công, ngoài việc chủ động hoàn toàn về trang thiết bị chuyên dụng, họ đã ký kết với các nhà cung cấp nhu yếu phẩm, khách sạn, nhân lực phục vụ cách 4 tháng. Họ tìm hiểu rất kỹ và đàm phán đến từng chi tiết. Một chủ khách sạn ở Phong Nha tiết lộ: Khách sạn của anh có 20 phòng, đoàn làm phim thuê trong 5 ngày. Mặc dù người của Hollywood ở, nhưng mỗi phòng họ chỉ trả 500 nghìn đồng/ngày đêm.

Còn ở huyện Minh Hóa, nơi dựng phim trường, hàng ngàn con trâu bò, lợn gà được trả tiền, với yêu cầu các hộ gia đình nhốt trong chuồng trại, không chăn thả rong nhằm tránh lọt vào khuôn hình. Một người dân ở thôn Yên Phú, xã Trung Hóa tiết lộ: “Mỗi con trâu bò được trả mỗi ngày 65 ngàn đồng, nhà tui có 7 con, nhốt trong chuồng 2 ngày, họ trả công 1,4 triệu đồng”.

Trong khi đó ở xã Tân Hóa, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Đoàn làm phim làm một con đường cấp phối vào phim trường, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Sau khi quay phim xong họ tặng lại cho địa phương, góp sức xây dựng nông thôn mới. Người dân có đề xuất đặt tên con đường dài hơn 3 cây số này là đường Legendary Pictures, tên của hãng phim”.

Một góc phim trường tại thôn Yên Phú.

Cận cảnh phim trường King Kong 2

Điểm quay đầu tiên của đoàn làm phim trên đất Quảng Bình ở thôn Yên Phú, xã Tân Hóa. Đầu giờ chiều cùng ngày, phóng viên Tiền Phong đã bám theo đoàn làm phim, tuy nhiên bị lực lượng an ninh chuyên nghiệp, được thuê từ TPHCM chặn ngay ở vòng ngoài, cách phim trường hơn 1 km. Họ nói rằng, đoàn làm phim rất “kị” những hình ảnh của phim lọt ra ngoài, mong được thông cảm.

Lân la làm quen khá lâu, mới được một người dân Yên Phú tình nguyện dẫn đường “tiểu ngạch” đến phim trường. Luồn lách qua rất nhiều khu vườn rộng lớn của người dân nơi đây, mới thấy hết sự đặc biệt của ngôi làng. Đây là một thung lũng giữa bốn bề núi đá. Giữa những thửa ruộng bằng phẳng, trong vườn, hay ngay sân nhà, dày đặc những nhũ đá mọc lên, như những hòn non bộ tô điểm cho cảnh sắc ở đây. Người dẫn đường cho biết, dân trong vùng vẫn gọi đây là “làng đá mọc”.

Chúng tôi được dẫn đến nấp trên một “hòn non bộ” để quan sát. Phim trường được dựng lên ở một bãi đất hoang nhiều hòn non bộ, có hai cây cổ thụ rất lớn quấn quanh nhũ đá. Xung quanh phim trường vây kín xe cộ, dày đặc lực lượng bảo vệ. Vòng trong cùng chỉ dành riêng cho đoàn làm phim. Ở đây họ bố trí rất nhiều nhà bạt, có bàn ghế để đặt máy móc, thiết bị và ngồi nghỉ ngơi giữa các cảnh quay.

Theo quan sát, có khoảng 200 người phục vụ cho cảnh quay đầu tiên này. Các diễn viên mặc quân phục của Mỹ, có cả súng ống, trong đó có một diễn viên hóa trang bị thương máu me đầy mặt. Nam diễn viên gạo cội Jackson Samuel Leroy cũng có mặt trong cảnh quay đầu tiên này. Hình như ông vào vai người chỉ huy của lực lượng. Ông diễn cảnh đi lại, quan sát, khi lạc vào vùng đất đầy hiểm nguy rình rập. Khuôn mặt của ông tỏ ra rất căng thẳng, các cử chỉ rất thận trọng và đề phòng.

Hơn 200 con người có mặt trên phim trường nhưng rất trật tự và im ắng, chỉ có tiếng của đạo diễn và diễn viên vang lên trong những cảnh quay. Giữa những cảnh quay, mọi người được nhân viên phục vụ bê khay thức ăn mời điểm tâm bằng bánh kẹo và hoa quả. Mặc dù thời tiết trong lành, có nắng nhưng hầu hết các cảnh quay đều được chiếu sáng bằng ánh điện từ máy nổ di động.

Bếp nấu ăn được đặt trên một chiếc container, có cả món Tây và món Việt.

Ngay cạnh phim trường là hồ Yên Phú, nơi sẽ diễn ra cảnh chiến đấu đến nghẹt thở giữa vua khỉ và các quái vật khổng lồ. Một tốp quay phim ngoại cảnh, che dù nấp trong bụi rậm để quay cảnh những đàn cò bay lượn và muông thú về uống nước. Được biết, sáng ngày 23/2, phim trường sẽ được chuyển ra ở hồ nước này để thực hiện các cảnh quay khác.

Cách phim trường không xa, sân nhà văn hóa thôn Yên Phú được dựng rạp khá lớn để đoàn làm phim ăn cơm buổi tối. Nhà bếp được đặt trên một chiếc container, các đầu bếp làm cả món ăn Tây và món ăn Việt để phục vụ đoàn làm phim. Một đầu bếp tiết lộ: Hầu hết thực phẩm, đều đặt mua ở các siêu thị uy tín của Việt Nam. Nước uống và nước nấu ăn đều dùng nước khoáng. Các đầu bếp nấu món Tây do người Mỹ đảm nhiệm, còn món Việt do một phụ nữ người Mỹ gốc Việt đứng bếp.

Được biết, sau khi dùng bữa, đoàn làm phim tiếp tục công việc, quay cảnh đoàn thám hiểm bị lạc giữa rừng ban đêm. Kết thúc cảnh quay, một số trở lại Phong Nha nghỉ ngơi, số còn lại tiếp tục công việc chuẩn bị cho cảnh quay ngày hôm sau và ngủ lại tại phim trường. Một thành viên đoàn làm phim chia sẻ: Chính quyền và nhân dân địa phương rất thân thiện và tạo điều kiện tối đa cho đoàn làm phim.