Rồi mở báo thấy đang ồn ào vụ “mưa tiền” từ trên khinh khí cầu ở Huế.
Chuyện về một doanh nhân ra mắt cuốn sách dạy làm giàu bằng cách leo lên khinh khí cầu… rải tiền xuống xứ Thần kinh. Lên mạng, thấy ông này tự giới thiệu là “diễn giả, doanh nhân giáo dục, triệu phú” và là chủ một công ty mang tên khu vườn treo nổi tiếng thế giới. Tên là vậy, nên cái gì cũng thích treo, thích cao? Để ôm cả bao tiền (lẻ) bay lên trời để thả xuống kích thích ham muốn... làm giàu của đám đông !?
“Ly cà phê trên tường” (caffè sospeso) chắc nhiều người biết, khởi phát từ thành Venice thơ mộng của nước Ý từ đôi năm trước. Nơi có quán cà phê mà khách đến uống một ly trả tiền hai ly. Đổi lại, chủ quán đính thêm một mẩu giấy lên tường. Những vị khách đi ra lặng lẽ, không dấu vết, không tên tuổi. Và có những vị khách khác trong dáng vẻ bình dân, vào quán gỡ mảnh giấy trên tường đổi lấy cho mình một ly cà phê. Về lý thuyết, họ có thể là những người nghèo, kém may mắn không đủ tiền cho một ly thức uống hảo hạng. Còn trên thực tế, những ly cà phê, dù là “trên tường” hay trả bằng tiền cũng đều nguyên vẹn hương vị thơm dịu, ngọt ngào. Tất cả đều bình đẳng giữa khí trời này, cả người cho lẫn người nhận.
Bức tường trong quán ấy, dù không cao lắm, mỗi ngày một dầy lên bởi những mảnh giấy đủ màu sắc, trở thành bức tường đẹp nhất trần gian. Để rồi “bức tường” ấy lan rộng, dài ra khắp nơi trên thế giới.
Cũng rộng dài như trào lưu “Pay it forward” đang hiện diện khắp nơi. Chúng ta trả giùm cho người khác những gì mà trước đó ta đã nhận được từ những người khác nữa. Giữa cuộc đời, mỗi chúng ta là một người “chuyển tiếp” cho nhau những gì tốt đẹp, tinh tế. Triết lý đơn giản ấy như sợi dây níu giữ loài người bên nhau. Nút “Forward” có mặt ở mọi hộp thư điện tử. Nhưng “Pay” thì vẫn khá xa lạ với nhiều người. Để nhiều khi chỉ chuyển tiếp cho nhau toàn điều cay đắng…
Trở lại với “doanh nhân khinh khí cầu” đang ồn ào xứ Huế. Tìm hiểu thêm, thì thấy vị “diễn giả, nhà giáo dục triệu phú” này tỏ ra tâm đắc với một danh ngôn, đại ý rằng muốn cải tạo (số lượng và chất lượng) những hoa trái thu hoạch được trong giỏ, thì trước hết phải cải tạo phần gốc rễ của cây. Rằng “cái nằm dưới đất quyết định hoa trái trên mặt đất”.
Thật ông nghĩ vậy, và làm vậy sao?!
Những mẩu giấy treo trong quán cà phê rồi sẽ rơi xuống, theo nhau vào sọt rác, sẽ tan biến như chưa từng tồn tại. Nhưng nó sống mãi. Nó mãi tươi tắn, thơm tho.
Không như những đồng bạc lẻ lả tả từ trên trời rải xuống kia. Chúng xấu xí, và chỉ mang lại toàn chua chát, đắng cay...