Chiều tối 25/7, trong dòng người xếp hàng dày đặc trên vỉa hè phố Yec Xanh giao với Trần Thánh Tông chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Thanh - một cựu thanh niên xung phong năm nay 70 tuổi - mồ hôi ướt đẫm áo.
Từ 9h sáng, bà Thanh cùng bà Lan (hàng xóm, 64 tuổi) bắt xe buýt từ thị xã Sơn Tây xuống nội thành Hà Nội chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải đi 3 tuyến xe buýt, hơn 1 giờ đồng hồ, hai bà mới đến được khu vực quanh Nhà tang lễ Quốc gia để chờ đợi.
Đến chiều tối 25/7, khi Ban tổ chức lễ tang bắt đầu bố trí cho người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Thanh và bà Lan vào xếp hàng. Chai nước mang theo đã uống hết, lại đông người, hai bà có dấu hiệu mệt.
"Cậu có bánh hay kẹo gì đó không, cho bà ấy một chiếc", một người phụ nữ xếp hàng trên bà Thanh nói với phóng viên Tiền Phong. Nhờ được tiếp sức từ hai chiếc bánh còn trong ba lô của phóng viên, bà Thanh, bà Lan "hồi sức" để tiếp tục xếp hàng chờ đợi. Lúc này, các tình nguyện viên cũng mang thêm nước đóng chai cho dòng người xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Bác ấy yêu nước, thương dân như thế, chúng tôi muốn đến để viếng, thắp hương, tiễn bác về nơi vĩnh hằng", bà Thanh nói. Theo bà Thanh, trước đây, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, bà cũng xếp hàng chờ đợi để được vào viếng. Dịp lễ 2/9, bà Thanh và bà Lan cũng thường xuyên xếp hàng chờ vào Lăng để viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Chúng tôi tiếp tục xếp hàng, chắc lát nữa là vào được thôi", bà Lan nói, rồi từ từ di chuyển theo dòng người tiến sang phố Trần Thánh Tông, mỗi lúc một gần với cổng Nhà tang lễ Quốc gia.
Cũng giống như bà Thanh, bà Lan, bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi, Hải Phòng) quyết tâm đi thật sớm lên Hà Nội để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dậy từ 3h sáng, bà cùng chồng và 2 người hàng xóm thuê xe taxi, vượt hơn 100km để lên Hà Nội.
"Tôi vào đây tranh thủ ăn bát mì, xong rồi ra ngồi đợi tiếp để người khác vào ăn", bà Mưu chia sẻ lúc 12h trưa 25/7.
Để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Mưu chờ ở Vườn hoa đối diện Nhà tang lễ Quốc gia từ 6h sáng. "Tiền xe cả đi, cả về chắc hết 1,6 triệu, mỗi người hết 400 nghìn đồng", bà Mưu nói.
Nói về "động lực" vượt qua những vất vả đường sá xa xôi để được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Mưu nói, đây là hành động thể hiện tấm lòng của bà với "vị lãnh đạo có tâm, có tầm, hết lòng với dân với nước".
"Tôi nghĩ rằng, phải cố gắng lên thắp cho bác Nguyễn Phú Trọng nén hương - một vị lãnh đạo toàn tâm vì dân, vì nước", bà Mưu xúc động nói.
Bà Mưu cũng kể, trước đây, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, bà cùng hàng xóm cũng lên xếp hàng vài cây số để được vào viếng. Đó dường như là nghĩa cử thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với những vị lãnh đạo toàn tâm, toàn ý vì dân tộc, vì đất nước.
Càng về chiều tối, dòng người đổ về các tuyến phố giáp Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông mỗi lúc một đông. Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nhiều người cho biết, họ sẵn sàng chờ đợi thêm 4 - 5 tiếng, thậm chí lâu hơn để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tang lễ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Trong hai ngày Quốc tang (25/7/2024 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.