Dòng chảy văn hóa

TP - Du khách trong ngoài nước lên Đà Lạt thường ghé thăm ngôi biệt thự Hằng Nga xây dựng độc đáo mà nhiều người gọi là “kỳ dị” nhất Đà Lạt, và người ta càng thấy tò mò hơn nữa khi chủ nhân, tác giả của công trình là Đặng Việt Nga - con gái cố Tổng Bí thư Trường Chinh - tác giả của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943).
Một góc Biệt thự Hằng Nga, Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu

Hầu như mỗi lần lên Đà Lạt tôi đều ghé “Ngôi nhà kỳ dị” của kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Chị Nga dẫn tôi tham quan “bảo tàng” nhỏ về người bố của mình, với những bức ảnh đen trắng được in rất đẹp.

Với những người học văn hóa, văn chương như chúng tôi đều biết tới Đề cương về Văn hóa Việt Nam do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Sau 80 năm, những vấn đề then chốt mà đề cương đưa ra vẫn là rường cột phát triển văn hóa Việt Nam, đó là tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học. Chúng tôi càng thấm thía những đóng góp xuất sắc của Tổng Bí thư Trường Chinh, khi trong những năm 1940 thì các tài liệu quốc tế nói về văn hóa là rất hiếm hoi. Việc đề cao tính dân tộc trong văn hóa vào thời điểm đó, có thể bị quy vào “tư tưởng dân tộc chủ nghĩa” – như một số trường hợp đã bị phê bình, song Tổng Bí thư Trường Chinh xem tính dân tộc là vấn đề sống còn của nền văn hóa cách mạng, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước ta bị thực dân đế quốc đô hộ và chúng luôn tìm cách xóa bỏ văn hóa của dân tộc ta.

Chị Nga rất tự hào về bố mình, người đã có những đóng góp với cương vị Tổng Bí thư được lịch sử ghi nhận trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới năm 1986.

Chị Đặng Việt Nga nói: “Bố tôi công tác tại Hà Nội, còn tôi chuyển vào Đà Lạt lập nghiệp, bố con cũng không gần nhau được thường xuyên, song bố tôi luôn tin tưởng tôi, luôn ủng hộ công việc tôi làm”.

Công trình của kiến trúc sư Đặng Việt Nga nổi tiếng khắp thế giới và được nhiều tạp chí kiến trúc, du lịch uy tín bầu chọn là một trong những công trình kiến trúc kỳ dị, độc đáo nhất thế giới.

Chị Nga bảo tôi: “Cảm hứng của tôi là thiên nhiên, rừng cây, bởi vậy tôi làm các ngôi nhà theo hình dáng cây cổ thụ. Ban đầu, nhiều người nói công trình của tôi không phù hợp với cảnh quan Đà Lạt và đòi phá dỡ! Nhưng rồi các kiến trúc sư và có lẽ lượng khách tham quan đông đảo nữa, đã giúp công trình của tôi được giữ lại”.

Điều đặc biệt đối với công trình của kiến trúc sư Đặng Việt Nga đó là nó “không bao giờ hoàn thành”, hay nói cách khác là nó “luôn dở dang”. Chị Nga nói với tôi: “Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, tôi lại có ý tưởng mới và bắt tay làm trong vườn nghệ thuật của mình”.

Sau khi xây xong khu Vườn Địa Đàng, cách đây mấy năm, chị giới thiệu thêm Vườn Thủy Cung…

Chị Hạnh, làm việc tại Vườn Địa Đàng nói: “Năm nay, cô Đặng Việt Nga đã hơn 80 tuổi, sức khỏe yếu hơn trước, nhưng cô vẫn tâm huyết ngày đêm với công trình kiến trúc của mình”.

Chị Hạnh nói với tôi: “Khách tới tham quan tác phẩm Đặng Việt Nga đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Đầu năm nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón 1.000 du khách, giá vé 60.000 đồng/ khách, riêng trẻ em thì miễn phí”.

Chị Đặng Việt Nga chia sẻ rằng “Sáng tạo là một công việc của cá nhân, không thể thiếu cá tính, sự độc đáo, song một tác phẩm văn hóa thực sự cũng phục vụ được cho số đông người thưởng ngoạn văn hóa”.

Chị Đặng Việt Nga có động lực lớn lao từ chính người bố của mình. Chị nói: “Bố tôi mất năm 1988, nhưng cuộc đời bố tôi là tấm gương gần gũi nhất. Tôi lao động nghệ thuật bằng toàn bộ tâm huyết của mình, có lúc phải vay mượn tiền bạc để sáng tạo công trình, nhưng tôi tin rằng bố tôi vui và hài lòng về cô con gái nhỏ”.