Đổi tiền sang tù sẽ tránh một tội danh mới

TP - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) khi trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh những nội dung mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Bộ Tư pháp họp báo thông báo kết quả công tác chủ yếu trong quý II và 6 tháng đầu năm 2015.

Ngày 16/7, Bộ Tư pháp họp báo thông báo kết quả công tác chủ yếu trong quý II và 6 tháng đầu năm 2015. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa đã trả lời những câu hỏi của phóng viên về nội dung mới được quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự.

Dự luật ghi nhận trường hợp quy đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù có thời hạn cho những trường hợp chây ỳ, cố tình không chấp hành. Vậy điều này có làm thay đổi bản chất tội phạm không?

Trước hết, có đến hơn 80% các loại án hình sự áp dụng hình phạt tù. Bên cạnh đó, theo những nghiên cứu mới đây cho thấy, việc cho phép chuyển đổi hình phạt tiền sang tù đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia. Tôi đơn cử như ở Đức. Trong bản án có hình phạt tiền, phía cơ quan tòa án luôn có một điều khoản kèm theo, đó là quy định trong một khoảng thời gian, nếu người bị kết án không chấp hành nộp tiền, sẽ bị chuyển đổi sang hình phạt tù.

Quay lại hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu người bị kết án cố tình chây ỳ, không thi hành khoản tiền đó, họ sẽ phải đối mặt với một tội danh mới: “Không thi hành án” hoặc tội “Không chấp hành án”. Vậy, tôi đặt giả thiết, nếu chuyển sang hình phạt tù và vẫn ở tội danh nguyên bản đó có nhẹ hơn cộng thêm tội mới hay không? Tôi khẳng định là nhẹ hơn. Ngoài ra, việc quy định cho phép cơ quan tố tụng chuyển đổi từ hình phạt tiền sang tù cũng nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc trong pháp luật.

Dự thảo Bộ luật Hình sự có đưa ra chuyện xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở 32 tội danh. Tuy vậy, trong Luật Hình sự lại có một nguyên tắc cơ bản, đó là cá thể hóa hình phạt. Như vậy có mâu thuẫn không?

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt nó đã lâu quá rồi. Ngày nay, việc xem xét trách nhiệm hình sự không thuần túy thuộc về cá nhân nữa. Tất nhiên, khi xử lý hình sự pháp nhân, các cơ quan tố tụng phải xem xét đến mối quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân. Tôi ví dụ khi xử lý một doanh nghiệp A, do lỗi của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Vậy, chúng ta phải làm rõ chi tiết, cá nhân đó phải là người đại diện cho pháp nhân A, được pháp nhân A ủy quyền, thay mặt, đại diện hay nhận chỉ thị từ pháp nhân đó. Quay lại dự luật, ở 32 tội danh, hầu hết thuộc về các lĩnh vực môi trường, làm hàng giả, như vậy, đa phần những pháp nhân này là doanh nghiệp kinh tế. Dù với Việt Nam, đây là quy định mới, nhưng trên thế giới đã có 116 quốc gia áp dụng loại hình này.

Sáu tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định 136 văn bản (48 điều ước quốc tế), thực hiện góp ý 415 văn bản, với 175 điều ước, thỏa thuận quốc tế. Trong công tác kiểm tra văn bản, trong 1.542 văn bản quy phạm pháp luật, phía Bộ đã  phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014 (81 văn bản trái pháp luật).