Cái nắng giữa tháng bảy vàng rộm phủ lên một vùng quê rộng lớn, giữa ngút ngàn màu xanh của núi rừng, thoảng mùi hoa hồi, hương quế.
Bà Hoàng Thị Thùy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trấn Ninh, đón chúng tôi tại nhiệm sở là tòa nhà 2 tầng mới xây trên đồi cao thoáng mát, lộng gió. Bà Thùy cho biết, Trấn Ninh là một xã vùng ba, có 7 thôn bản với 584 hộ và 2.757 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng đoàn kết chung sống. Trước đây, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn. Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chương trình khuyến nông của tỉnh, huyện được đưa đến tận xã, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật sản xuất mới.
Từ đó, từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ruộng cấy lúa nương được chuyển sang trồng các loại cây ăn quả ngắn ngày như mận, dưa hấu, hồng không hạt. Đây là hướng đi mới, là nguồn thu đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cũng nhờ vậy mà xã Trấn Ninh bây giờ có nhiều hộ khá giả như gia đình ông Triệu Văn Định (thôn Phiêng Lầy), Hoàng Văn Hòa, Hoàng Văn Bánh, Hứa Văn Mới (thôn Còn Pù), Hoàng Văn Khỉnh, Hoàng Văn Cừ (thôn Nà Lắc), Trần Văn Lanh (thôn Bản Hẻo) và nhiều hộ khác có thu nhập từ 120 triệu đến 180 triệu đồng/năm. Năm 2016, toàn xã có đến 391 hộ nghèo, chiếm 29,6%, chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh.
“Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bà con đã chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu công chăm sóc, nâng cao năng suất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Toàn xã gần như nhà nào cũng có máy cày thay trâu, nhiều nhà có xe công nông, máy tuốt lúa. Tận dụng điều kiện tự nhiên, đồng bào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đời sống ngày được nâng lên.
Trong ba năm qua, tại xã Trấn Ninh xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trẻ, năng động. Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Toàn cho biết, trong số những đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, phải kể đến anh Lý Đức Hữu (SN 1995, thôn Còn Pù) với mô hình nuôi 500 con vịt đẻ trứng; anh Hoàng Văn Năm (cũng ở thôn Còn Pù) trồng, thu hái trên 3.000 cây mận, hồng không hạt, thu nhập hằng năm 40-50 triệu đồng.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910- 17/8/2020), chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học - THCS xã Trấn Ninh. Nơi đây hiện có hai dãy lớp học 3 tầng và 2 tầng với 8 phòng học khang trang, sạch đẹp còn thơm mùi sơn. Tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng. Nằm giữa là di tích trường đá có từ thời Pháp cũng đang được tôn tạo, nâng cấp và trưng bày các hiện vật, tranh ảnh ghi dấu thủa cậu học trò xuất sắc Lương Văn Tri học tập tại đây từ những năm 1917-1920.
Ảnh: Duy Chiến
“Tỷ lệ học sinh đi học ở các trường cao đẳng, đại học ngày một tăng. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Học xong, các em lại về tham gia công tác tại xã nhà, trong đó có các chức danh chủ chốt, góp phần tăng cường và hoàn thiện bộ máy quản lý của cơ sở”, bà Thùy cho biết.
Chiều muộn, chúng tôi tới tham quan công trường thủy điện Bản Nhùng. Ông Lê Sỹ Bình, chỉ huy công trường, giới thiệu sơ lược về công trình thủy điện Bản Nhùng - Kỳ Cùng 6. Công trình này do Tập đoàn Hải Lý, tỉnh Hà Nam đảm nhiệm, được thiết kế theo tiêu chuẩn nhà máy thủy điện kiểu hở, có 2 tổ máy, với công suất 11 MW, sản lượng hằng năm đạt 42,4 triệu KW. “Với số vốn đầu tư dự án là 458 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng, từ quý III/2019 đến quý III/2021 là hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Bình nói. Lúc đó, nơi đây không chỉ có lượng điện thắp sáng ổn định mà hứa hẹn một khu du lịch sinh thái Bản Nhùng - Trấn Ninh mở ra.
Ảnh: Duy Chiến
Văn Quan được coi là “rốn hồi” của châu Á và thế giới. Những rừng hồi bạt ngàn màu xanh, trải dài trên các triền đồi. Đứng dưới những cây hồi hoa vẫn còn xanh mà mùi hương đã tỏa ra nồng nàn, ấm áp cả không gian. Dầu hồi nơi đây nổi tiếng về chất lượng không chỉ ở trong nước mà còn cả quốc tế. Hồi cũng là loại cây được trồng phổ biến ở tất cả các xã trong huyện mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.
Xã Trấn Ninh đã phát triển được 329 ha; số cây đã cho thu hoạch chiếm tới 165ha. Riêng năm 2019, Trấn Ninh phát triển thêm gần 10ha hồi.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lương Thị Oai (SN 1954), dân tộc Tày. Gia đình bà sát cạnh Khu lưu niệm Lương Văn Tri ở thôn Bản Hẻo. Bà Oai là cháu ruột, gọi Lương Văn Tri bằng bác.
Chỉ về phía cây rừng xa xa, nơi khu rừng Khau Sả, cách nhà non 1km, bà Oai bảo, hiện bà được trông coi, chăm sóc 1,5 ha rừng hồi của dòng họ Lương. Rừng hồi này có từ lâu đời, đến nay còn khoảng 300 gốc. Mỗi năm cho 2 vụ hoa hồi. “Vợ chồng tôi tuổi đã 70, sức khỏe yếu, không làm được nhiều, nhưng mỗi năm hồi ra hoa cũng cho thu nhập kha khá. Nhất là năm nay được giá, bán được chừng 50.000 đồng/kg hoa hồi tươi, cuối năm cũng giắt túi 7-8 triệu đồng”, bà Oai nói.
Nhờ có hồi, đồng bào các dân tộc địa phương đã có cuộc sống khấm khá hơn. Thêm nữa, hương hồi xứ sở tạo niềm hứng khởi, đam mê, sáng tạo văn học - nghệ thuật cho người dân nơi đây.
Ông Vi Văn Tuân (SN 1953, dân tộc Tày, chồng bà Oai), cười nụ: “Ngày đó, vào một buổi chiều cuối thu năm 1973, ở giữa rừng hồi Khau Sả, qua tiếng sáo trúc và cả tiếng đàn tính tẩu, tôi say mê ca bài Then “Hương hồi xứ Lạng”. Thế rồi làm mê hoặc lòng cô gái trẻ, lấy được cô Oai làm vợ”.
Có khách đến chơi nhà nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lương Văn Tri, ông Tuân cầm cây tính vừa đàn, vừa hát say sưa điệu dân ca quê mình. Làn gió thoảng đưa mùi thơm của hồi lan xa.
Xứ Lạng, giữa tháng 8 năm 2020N.
Ngày 16/8, Hội thảo khoa học cấp Bộ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri được tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Lạng Sơn và điểm cầu UBND huyện Văn Quan. Sáng 17/8, tỉnh Lạng Sơn long trọng tổ chức “Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910- 17/8/2020) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí Lương Văn Tri là đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc gây dựng, phát triển cách mạng của Đảng và tỉnh Lạng Sơn.