Đời Múa

TP - Một nghệ sỹ lâu năm trong nghề ví von: Đoàn văn công không có múa chẳng khác nào bữa ăn không có muối. Nhưng bây giờ mấy ai cam phận làm muối? Thế nên nghề múa đang ở trong những tháng ngày đìu hiu.
Ai còn mặn duyên với nghề múa? Ảnh: P.V

> 'Người điên' múa đương đại

Ai còn mặn duyên với nghề múa? Ảnh: P.V.

Nỗi lo đầu vào

Ông Vũ Anh Quân, Trưởng khoa múa nước ngoài, một trong những thành viên của hội đồng tuyển sinh Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, tâm sự: “Đầu vào đang là nỗi lo của bọn tôi, từ giờ cho đến tháng 6 nhiệm vụ nặng nề nhất không phải thi cử mà là vấn đề tuyển sinh”.

Càng ngày càng khan hiếm thí sinh: “Chẳng hiểu tại sao không có thí sinh, chắc người ta thấy nghề này vất vả quá, đào tạo dài. Để có diễn viên múa bình thường cũng mất bốn năm, để đào tạo diễn viên múa ba - lê phải 6,7 năm ròng rã.

Nhưng cũng chỉ là chấp chới chạy cờ, chứ để đứng được ở vị trí chính phải mất chục năm cả học và sau học là ít”.

Về cái sự vất vả trong học múa, ông Quân thú thật: “Học múa ở Việt Nam cũng vất vả nhưng chưa ăn thua so với ở Trung Quốc. Cứ xem thầy Trung Quốc dạy múa, nếu con gái tôi mà yêu múa chắc tôi cũng không dám cho nó theo. Cực quá”.

Ông Quân thở dài: “ Chúng nó chán nghề này cũng phải thôi. Ngày xưa nhìn thấy đứa nào xinh xinh thì bảo cho đi văn công. Bây giờ gái xinh, trai đẹp có quá nhiều cái chọn, chọn làm gì cái nghề khốn khổ, nghiến răng, nghiến lợi, má hóp, người gầy như mắm này”.

Ngày xưa, nghề múa khá hấp dẫn những người trẻ, như thời ông Quân: “ 12 tuổi tôi vào trường. Hồi đó được 21 kg gạo, trong khi đó bố mẹ xếp hàng mãi có đong được gạo đâu, lại có mấy cân đường, mấy cân thịt, rồi sữa, quần áo, xà phòng, kem đánh răng… được trang bị tất, lại không phải đóng học phí. Chứ sinh viên trường múa giờ chẳng có ưu đãi gì, gia đình phải lo tất”.

Vì đầu vào khan hiếm nên khó tránh khỏi tình trạng “vơ bèo, vợt tép”. Trưởng khoa múa nước ngoài “khai”: “Bây giờ 10 em dự tuyển có khi chọn đến 7 em rồi, ngày xưa 10 em mới lấy 1, thậm chí 20 em lấy 1 em.

Thế nên, ngày xưa dạy có chất lượng, trò nhàn, thầy cũng nhàn, vì học trò có năng khiếu, dạy đến đâu biết đến đó. Bây giờ các em năng khiếu rất ít, thầy vất vả mà trò cũng vất vả, cuối cùng kết quả đạt được cũng chẳng ra sao”.

Âm không thịnh, dương cực suy

Dân trong nghề ví múa giống như muối trong một bữa ăn, thừa thì mặn, thiếu cũng không xong. Nhưng người thưởng thức thường chỉ nhớ đến món ăn, mấy khi để tâm đến muối. Ngành múa ít “ngôi sao” vì thế?

Từ vài năm trước đã có không ít “sếp” nhà hát kêu vì tình trạng thiếu nam diễn viên múa. Nghệ sỹ Đặng Hùng từng tâm sự với báo chí, khi con gái cưng, nghệ sỹ Linh Nga về nước, ông đã bối rối vì không chọn được nam diễn viên múa đôi cùng cô.

Tốt nghiệp ngành múa, hệ đại học, lại được đào tạo từ Trung Quốc, để “kén” được người sánh đôi ăn ý với cô quả không dễ dàng. Trong ngành múa lâu nay đã xảy ra tình trạng “âm” không thịnh mà “dương” lại cực suy.

Một cao thủ của ngành múa, diễn viên Cao Trí Thành (nay đã trở về làm thầy giáo của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam) kể rằng, khi anh theo nghề này đã bị không ít người chê “ẻo lả”.

Có lẽ những thứ “ẻo lả” thường bị gắn với phe kẹp tóc cũng là một trong những nguyên nhân khiến phái mày râu ngại nghề?

Tình trạng thiếu diễn viên nam đã khiến nhiều đoàn nghệ thuật bỏ múa đôi. Điều này được báo động ngay từ đầu vào. Theo đúng chỉ tiêu, một khóa của Trường Cao đẳng Múa phải có hai lớp, một lớp nam, một lớp nữ. Song có những khóa học rặt hai lớp nữ.

Ông Quân cho biết: “Có năm chỉ có ba cậu con giai đến tuyển thôi mà lại không chất lượng, nên không lấy. Vì thừa chỉ tiêu nên đành vớt thêm con gái. Ở trường có bộ môn múa đôi, vì không có con trai nên bỏ, “gắp” bộ môn khác bù vào”.

Cũng theo ông Quân: “Chuyện nhiều nhà hát thiếu diễn viên nam không phải câu chuyện mới, đó là khủng hoảng, không phải của Đông Nam Á, châu Á mà cả thế giới. Tôi cũng chẳng biết tại sao”.

Hiện tại ông Quân đang dạy một lớp có 19 học sinh, trong đó 14 trò nữ, 5 trò nam. Đầu vào vốn đã không rôm rả nhưng trong quá trình học vẫn xảy ra quá trình rụng rơi, do hoàn cảnh, do sức khỏe, do không có năng khiếu…

Đã có những lớp đến năm thứ 5 thì xóa sổ vì chẳng còn ai học. Chẳng biết có phải vì tình trạng “thèm” trò hay không mà Trường Cao đẳng Múa cũng khá năng động trong khâu đào tạo, hệ 6 năm cũng có, 4 năm, 3 năm cũng có…

Có sinh viên đang theo học đại học đã nhân thể “rẽ” vào trường Cao đẳng Múa học 2 năm, ra trường dễ xin việc, vì vừa đáp ứng được chuyên môn, lại vừa có có khả năng biên đạo vài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”.

Trên trời có mỗi Linh Nga

Nữ hoàng dance sport Khánh Thy từng là dân trường múa, cô được các giáo viên đánh giá cao về khả năng. Nếu tiếp tục với nghề chắc Khánh Thy sẽ thành múa chính của nhà hát nào đó nhưng chắc trong lòng khán giả cái tên của cô rất mơ hồ.

Cũng sẽ chẳng mấy ai nhớ tới Mỹ Duyên, một diễn viên nổi tiếng, một Nguyễn Phi Hùng, vừa hát, vừa đóng phim… nếu họ vẫn đi theo con đường ban đầu: Múa.

Đến tài năng như chị em Lê Vân, Lê Vi cũng phải nhờ tới phim ảnh mới trở thành cái tên quen thuộc trong lòng công chúng. Trong ngành múa mấy ai được nhớ tới như Linh Nga? Sau cô, liệu còn mấy nghệ sỹ múa có khả năng thực hiện liveshow múa?

Dân trong nghề ví múa giống như muối trong một bữa ăn, thừa thì mặn, thiếu cũng không xong. Nhưng người thưởng thức thường chỉ nhớ đến món ăn, mấy khi để tâm đến muối.

Ngành múa ít “ngôi sao” vì thế? Kiếm được những hợp đồng quảng cáo như Linh Nga là điều xa vời với diễn viên múa. Để tồn tại, họ làm đủ nghề.

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nhờ phóng viên “kêu hộ hoàn cảnh của diễn viên”: “Thu nhập rất thấp, các nghệ sỹ không có thang lương riêng, xếp theo lương hành chính sự nghiệp. Họ phải đi làm thêm, dù chẳng ai muốn thế, cuộc sống xô đẩy buộc phải làm”.

Để trở thành diễn viên múa của Nhà hát đòi hỏi phải có 7 năm học chuyên ngành ba lê cổ điển nhưng những con người theo đuổi nghệ thuật hàn lâm cũng có khi phải nhảy múa minh họa cho mấy ca sỹ thị trường đang lên: “Lao động cật lực, một buổi diễn mới được hai trăm ngàn đồng, múa minh họa có khi được một triệu rồi, cái nào hơn?”, ông Phương xót cho “quân” của mình.

Ở vị trí “sếp” ông luôn tạo điều kiện để anh em làm thêm cải thiện đời sống bởi như lương của ông còn không đủ sống, nói gì đến lương nhân viên. Cũng may, nghề “múa yểm trợ” cho ca sỹ lại đang lên nên cũng giải quyết bức bối về thu nhập cho nhiều “thiên nga”.

Nhắc đến múa nhiều khán giả chỉ nhớ đến Linh Nga, họ không biết có quá nhiều diễn viên làm nghề âm thầm, lặng lẽ. Diễn viên múa thường ngại chuyện sinh nở. Về điều này, ông Vũ Anh Quân giải thích: “Sinh xong, cơ thể phụ nữ khác lắm, thay đổi lắm. Với những người có cấu tạo cơ thể đặc biệt, sinh xong mới tập lại được còn đa phần cơ thể cứng đơ, bụng lều phều… muốn trở lại gần phong độ ban đầu cũng mất hai năm, mang thai mất một năm nữa, thế thì già rồi còn gì”.

Có những diễn viên múa say nghề, mới sinh được ba tháng đã cai sữa con, lên sàn tập. Người ta nói rằng việc tập luyện của diễn viên múa làm hỏng sữa người mẹ, sữa thường chua, con bú dễ mắc bệnh đường tiêu hóa.

Một số sinh viên mới ra trường, chưa tìm được “dây” múa minh họa, để theo nghề, họ sẵn sàng làm những việc không liên quan đến nghệ thuật. Nhưng nghề múa cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, có sức hấp dẫn vô song với ai đã trót yêu nó.

Chị Ngọc Lan, một diễn viên múa kỳ cựu của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ngoài 40 tuổi đã lui về làm công tác phục trang.

Chăm sóc phần ăn mặc cho diễn viên giúp chị nguôi ngoai nỗi nhớ nghề. Mỗi lần được cùng đoàn đi biểu diễn ở xa, chị Lan lại bồi hồi, vui sướng như thể chính mình sắp được bước lên sân khấu.

Theo Báo giấy