Viết sách riêng không đúng chủ trương
GS. VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, đổi mới giáo dục phổ thông hiện có bốn vấn đề lớn cần quan tâm. Trước hết, phải kể đến việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) cần phải đảm bảo tiến độ đến năm 2018 hoàn thành. Cần nhận thức đúng chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK cho các cá nhân, tổ chức có thể tham gia viết sách nhưng trên cơ sở các trường, giáo viên được lựa chọn sách phù hợp để dạy học. Trong khi đó, hiện nay, có thông tin TPHCM sẽ viết một bộ sách riêng là không đúng chủ trương. Bởi lẽ, TPHCM viết sách sẽ mang tính địa phương và mỗi tỉnh cũng viết riêng một bộ sách là không hợp lý.
“Vấn đề phân luồng cũng là điểm yếu của giáo dục hiện nay”, ông Thi nói. Theo ông Thi, giáo dục cần phân luồng chủ động sau bậc học THCS. Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện nay quy định học sinh học hết THCS đi học nghề luôn được miễn hoàn toàn chi phí đào tạo, tuy nhiên có vẻ điều này chưa đủ lực hút. Trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm phân luồng sau THPT. Thậm chí, nhiều em sau khi thi trượt ĐH, không có hướng đi nào khác mới quay sang học nghề.
Ông Đào Trọng Thi cũng nêu vấn đề nóng được nói nhiều lâu nay là dạy thêm, học thêm. Theo ông Thi, ở các nước họ không cấm mà có cách thức tổ chức dạy học hợp lý cho học sinh có nhu cầu. Trong khi đó, ở ta, dù có tổ chức trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng chỉ là “tự nguyện hình thức”. “Khi nào vẫn còn chuyện nhà trường tổ chức học thêm, giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình thì phụ huynh vẫn phải cho con theo học. Muốn dạy thêm, học thêm không bị biến tướng thì phải có cơ sở dạy thêm độc lập được giám sát chất lượng”, ông Thi nói.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, học sinh hiện nay học quá nhiều môn. Trong khi nội dung học vẫn hạn chế trong các môn truyền thống (Ngữ Văn, Toán, Sinh học, Lịch sử…) mà thiếu vắng hoàn toàn các môn mang tính định hướng nghề nghiệp như: Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục thể thao…
Ông Thuyết góp ý, học sinh lớp 11, 12 không nên để môn học bắt buộc nữa mà nên để học sinh lựa chọn khoảng 5 môn, trong đó 3 môn theo nhóm chuyên ngành (A, B, C, D) và 2 môn theo sở thích cá nhân. “Nếu làm được như vậy, học sinh sẽ không chịu sức ép cùng lúc học 13 môn như hiện nay. Thời gian còn lại, các em có thể học sâu hơn các môn phát triển nghề nghiệp, học thực hành và tăng các buổi học tập trải nghiệm bởi thời gian đào tạo ĐH hiện đã rút xuống 1 năm so với trước”, GS Thuyết nói.
Khuyến khích mầm non tư thục phát triển
Về lĩnh vực giáo dục mầm non, ông Đào Trọng Thi cho rằng, hiện nay các chế độ, ưu đãi dồn hết vào các trường công lập. Trong khi đó, hệ thống trường công lập đang còn ít nên chỉ những trẻ được bố mẹ “xin vào” được hưởng hỗ trợ từ nhà nước, những trẻ khác không được hỗ trợ gì cả. Nhiều trẻ phải học ở các nhóm nhà trẻ tự phát, không đảm bảo sự an toàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Bộ đang ngày đêm tích cực triển khai chương trình SGK, chưa có ý định lùi thời gian hoàn thiện sau năm 2018. Bộ cũng đã triển khai một số nội dung như: tích hợp liên môn, giao các trường tự chủ chương trình dạy học…
TS Lê Minh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phải chú trọng đào tạo giáo viên mầm non tránh tình trạng các trường tuyển giáo viên không đạt chất lượng. Kể cả giảng viên các trường sư phạm mầm non cũng cần được bồi dưỡng để họ dạy lại giáo viên từ các kỹ năng nhỏ như bón cháo, dỗ trẻ, cho uống sữa…tránh để xảy ra những việc đáng tiếc như: bạo hành, sặc cháo…
Theo TS Hà, ở thành phố, Bộ GD&ĐT cần tham mưu để có chính sách cụ thể khuyến khích hệ thống trường mầm non tư thục phát triển; đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất cho vùng khó khăn. Bộ GD&ĐT cũng nên quan tâm đến chương trình, tiêu chuẩn, chất lượng dạy học ở các trường liên kết quốc tế đang được mở ra ngày càng nhiều như hiện nay.
Bà Hồ Lam Hồng (ĐH Sư phạm Hà Nội) kiến nghị phải có chính sách cụ thể về hỗ trợ thuế đất, tài chính, chuyên môn để thu hút các tổ chức, cá nhân vào xây dựng, phát triển hệ thống trường mầm non tư thục, đồng thời phải có cơ chế quản lý, giám sát chất lượng đào tạo.