> Kỳ 1: Cọc tiêu mười sáu tuổi
“Mi đừng quên tau nhé! "
Tham gia thanh niên xung phong (TNXP) năm 1965 và hai năm sau, Nguyễn Thị Minh (xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) được điều động đến Truông Bồn. Hai mươi xuân xanh, Minh là người ‘‘cứng tuổi’’ nhất trong tiểu đội thép.
"Đại đội 317 tập hợp anh chị em các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu. Mỗi người một xứ, nhưng sống chan hòa, đầm ấm như ruột thịt"- nữ TNXP ngày nào, giờ đã vào tuổi bà, nhớ lại.
Trên nẻo đường chiến tranh, bà Nguyễn Thị Minh và liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc (quê xóm 6, xã Phúc Thành, Yên Thành, hy sinh tại Truông Bồn) gắn bó với nhau như hình với bóng.
"Đầu năm 1967 chiến đấu ở cầu Phương Tích (Nghi Phương, Nghi Lộc), tôi và Phúc ở chung một nhà dân. Cuối năm chuyển lên Truông Bồn, hai chị em lại ở cùng nhà dân tại Mỹ Sơn, lúc này có thêm chị Nguyễn Thị Văn (SN 1950, quê xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương). Tôi và Văn khuôn mặt giống nhau, nên đi đâu người ta cũng bảo là chị em ruột", bà Minh kể.
Ba nữ TNXP Đại đội 317 ngày ấy, hai người đã ra đi trong trận bom ngày 31-10-1968.
Từ Yên Thành đến Truông Bồn chỉ vài chục cây số, nhưng chẳng mấy khi các chị được về thăm gia đình.
"Đạn bom khốc liệt. Khổ nhất là những trưa gió Lào bỏng rát, đói, khát khô họng, chị em chia nhau ngụm nước múc lên từ mạch nước gần truông, bẻ đôi suất lương khô. Thư lại càng hiếm. Mỗi lần bắt được thư nhà, ba chị em chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Một đứa khóc, hai đứa khóc theo", bà Minh nói.
Giọng người nữ TNXP nổi tiếng gan dạ chùng xuống: "Nhiều đêm, Phúc trằn trọc, bảo, Minh ạ, chiến tranh chắc còn dài, không biết chị em mình ai còn sống sót đến ngày hòa bình, ai may mắn được trở về?" Nguyễn Thị Phúc dặn bạn: "Minh ơi, tau với mi sống với chắc, đừng quên tau nhé! Mi đi mô thì nhớ đến tau với. Tau không quên mi mô".
Minh ôm chầm lấy Phúc: "Quên răng được mà quên hè. Đi mô, tau cũng nhớ đến mi". Đột nhiên, cô gái Phúc Thành mau nước mắt bỗng nhổm dậy, rối rít khoe: "Tau sắp có bạn trai rồi. Chưa nói được, mới tìm hiểu sơ sơ thôi. Hoàn thành nghĩa vụ ở Truông Bồn, tau sẽ đi học, chuyện riêng tư học hành xong hẵng tính, mi hè!".
Cựu TNXP Nguyễn Thị Minh nói: "Nhiều đêm, trong giấc ngủ, tôi thấy Phúc trở về…".
Ngày mai đi học, hôm nay vẫn ra trận
Tiểu đội trưởng tiểu đội phá bom Nguyễn Tâm Cớn (quê xã Liên Thành, huyện Yên Thành), với trình độ văn hóa lớp 7, được giao nhiệm vụ dạy bổ túc cho TNXP tại Truông Bồn. Lớp học tranh tre dựng ngay giữa ngổn ngang chiến hào.
Tôi hỏi ông Cớn trong số học sinh, ông ấn tượng với ai nhất. Ông nói quý nhất Trần Thị Doãn. Chị Doãn sinh năm 1948, quê Sơn Thành, huyện Yên Thành, giữa họ là tình đồng chí, tình thầy trò.
Ông Cớn nói vui : "Đồng chí học sinh này tính tình bẽn lẽn, xinh gái, hay hát và hát rất hay. Cây văn nghệ của lớp bổ túc Truông Bồn đấy". Rồi ông chợt lặng đi: "Đôi mắt Doãn thật buồn".
Một ngày trước trận bom cướp đi mạng sống của 13 TNXP Truông Bồn, trong đó có Trần Thị Doãn, chị gặp Tiểu đội trưởng phá bom, tâm sự: "Mai em ra hiện trường với các chị ấy một bữa nữa".
Ông Cớn ngăn: "Em không phải đi làm nữa. Có quyết định đi học Trung cấp rồi, cứ ở nhà".
Chị Doãn nói : "Không thầy ạ, em xin đi làm một bữa nữa cho vui, có chị có em". Chuyến đi ấy, chị Doãn không trở về.
Cùng chiến đấu ở Truông Bồn, chị Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1946, quê xã Hợp Thành (Yên Thành), hơn anh Cao Ngọc Hòa (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) hai tuổi.
Cựu TNXP Truông Bồn Phan Thị Thao nói: ‘‘Chuyện riêng tư hai người giấu kín, cả Đại đội 317 không ai biết, dù ở quê hai gia đình đã đi lại’’.
Đôi bạn trẻ ấy, đã cùng mối tình hòa vào đất trời Mỹ Sơn. Họ chỉ để lại dấu tích trên những bức thư, cuốn nhật ký mà đồng đội tìm thấy trong tư trang.
Hóa thân vào Mỹ Sơn
Đêm 30-10-1968, Đại đội 317 C65 nhận được tin ngày 31-10, có đoàn xe quân sự đi qua Truông Bồn, lực lượng TNXP phải san lấp mặt đường, thông xe.
Cũng trong đêm đó, Đại đội 317 tổ chức liên hoan tiễn một đơn vị bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam. “Chỉ có hát hò văn nghệ, không có kẹo bánh”, cựu TNXP Nguyễn Thị Minh kể.
Khoảng 5h sáng 31-10, sau tiếng kẻng, Đại đội 317 kéo về dốc Kỳ Lợn. Một nửa quân số di chuyển theo hướng ngược lại, họ đi nhận gạo, hàng hóa về đơn vị.
Trực ban Trần Văn Hạp có mặt tại hiện trường, phân công nhiệm vụ cho từng người. “Hường ơi, tiểu đội ta tập trung súng lại một chỗ, đề phòng lúc máy bay lên mà bắn”, Nguyễn Thị Minh kể.
Vừa dứt lời, bỗng xuất hiện tiếng gầm rú. Một tốp máy bay Mỹ xé gió, từ hướng Đông lao tới.
Lê Thị Hường là người đầu tiên đáp trả. Chị lên đạn, bắn một phát súng trường về phía chiếc phi cơ đang bổ nhào xuống trận địa. Phát súng rơi vào thinh không.
“Trật rồi. Đừng bắn nữa, nó đang thả bom”, Minh hét lên, tiểu đội TNXP rút xuống hầm chữ A trú ẩn.
Lê Thị Hường ngồi dưới hầm bị mảnh đá găm vào đầu và chân. Nén đau, chị nhảy lên miệng hầm, hô to: “Chị em ơi! Có ai còn sống không? Có ai còn sống không?”. Im lặng bao trùm Truông Bồn.
Từ hầm chữ A, chị Nguyễn Thị Minh, Phan Thị Thao ngoi lên. Ba chị em vừa chạy vừa khóc, đảo mắt tìm những người sống sót.
Chợt Hường phát hiện một nòng súng nhô lên khỏi đống đất đá, chị chạy bổ tới, áp tai xuống.
“Có người!”, chị hét lên. Ngay lập tức hai nữ TNXP cùng một chiến sỹ bộ đội lao đến, họ dùng tay moi từng thớ đất, cạy từng hòn đá, phía dưới lộ ra mái tóc. Vét thêm tầng đất nữa, hiện ra khuôn mặt Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Bị bom vùi, chị Thông ngất xỉu.
Máy bay địch lại xuất hiện, thả tiếp 52 quả bom vào trận địa. Tốp TNXP phải vào hầm lánh nạn. Máy bay rút, công việc cứu Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông lại tiếp tục. Lúc này, chị Thông đã tỉnh táo.
“Còn ai dưới đó không?”, Nguyễn Thị Minh hỏi. Chị Thông nói: “Còn anh Hòa, chị Vinh. Họ bị đất vùi trong hầm”.
Một đợt không kích nữa lại diễn ra lúc 10h 30’ sáng cùng ngày. Biên bản do Ban chỉ huy Đại đội 317 lập ngày 4-10-1968 xác nhận, trong 3 đợt oanh kích, Truông Bồn phải hứng chịu 164 quả bom các loại. Phạm vi địch đánh phá có chiều dài 120m, rộng 50m, tập trung khu vực dốc Kỳ Lợn.
13 chiến sỹ Đại đội 317 C65 TNXP Nghệ An vĩnh viễn nằm lại ở Truông Bồn trong trận bom khốc liệt rạng sáng 31-10-1968, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Trong đó, có 7 nữ TNXP đã nhận được quyết định cử đi học.
Anh Cao Ngọc Hòa (Diễn Lộc, Diễn Châu) và chị Nguyễn Thị Tâm (xóm 6, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã hẹn ước ngày cưới, cả hai người đã lặng lẽ ra đi.
Chị Hà Thị Đang (xã Hồng Thành, huyện Yên Thành) vừa ốm xong, chưa bình phục nhưng vẫn hăng hái xung phong ra trận địa.
Gia tài các chị mang theo, chẳng có gì ngoài bộ quần áo xanh lá cây, chiếc mũ tai bèo và trái tim tuổi mười bảy đôi mươi nồng nàn quả cảm.
6 liệt sỹ TNXP đã được tìm thấy, còn 7 liệt sỹ Truông Bồn hóa thân vào cây cỏ Mỹ Sơn.
Còn nữa
Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”
Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân.
Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem.