Đối đầu Triều Tiên, thực lực Hàn Quốc ra sao?

TPO - Quân đội Hàn không đông nhưng tinh, dựa vào nội lực hiện đại hoá quốc phòng để xây dựng một quân đội có sức chiến đấu cao nhờ sử dụng các loại trang bị, vũ khí hiện đại.

Đối đầu Triều Tiên, thực lực Hàn Quốc ra sao?

> Điểm mặt nhóm hộ tống tàu sân bay Trung Quốc

> Ấn Độ triệu đại sứ Trung Quốc vụ ‘lấn chiếm lãnh thổ’

 

TPO - Quân đội Hàn không đông nhưng tinh, dựa vào nội lực hiện đại hoá quốc phòng để xây dựng một quân đội có sức chiến đấu cao nhờ sử dụng các loại trang bị, vũ khí hiện đại.

Tàu đổ bộ Dokdo của Hàn Quốc.
 

Trước đây, Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào trang bị, vũ khí Mỹ. Chỉ riêng năm 2008, Hàn Quốc đã mua 789 triệu USD trang thiết bị quân sự của Mỹ. Lý giải trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc, doanh thu quốc phòng từ Hàn Quốc tăng đột biến năm 2008 do năm đó Seoul nhận từ Mỹ hai tàu khu trục lớp Aegis với tổng trị giá là 300 triệu USD. Nhưng điều đó đang thay đổi.

Thực tế, quan hệ hợp tác quân sự Mỹ và đồng minh Hàn Quốc ngày càng được thắt chặt. Tháng 9/2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật trao cho Hàn Quốc quyền được đối xử ưu đãi theo Chương trình Bán Trang bị quân sự Nước ngoài (FMS). Theo luật này, Hàn Quốc có tư cách tương tự như các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản, Australia và New Zealand về FMS - đó là, Quốc hội Mỹ cần phải xem xét đề xuất bán vũ khí trị giá trên 25 triệu USD cho Hàn Quốc trong vòng 15 ngày. Nếu không có luật này, Chính phủ Mỹ phải xin phép Quốc hội về kế hoạch bán trang thiết bị quân sự trị giá trên 14 triệu USD trong vòng 30 ngày. Hơn thế nữa, Mỹ - Hàn mới đây liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng có và tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tập trận song phương bất chấp sự phản đối quyết liệt của Triều Tiên.

Giới chuyên gia nhận định, quan hệ quốc phòng Mỹ-Hàn ngày càng phát triển một phần nguyên nhân do tình hình căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á nói chung và bán đảo Triều Tiên nói riêng gần đây, đặc biệt sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010. Bên cạnh đó, xu thế này nằm trong chính sách cân bằng và gia tăng đối trọng của Washington tại Đông Á, nhằm đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên.

Nằm trong mục tiêu đối phó với các "chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đề nghị tăng ngân sách quốc phòng năm tài khoá 2011 lên 30,8 nghìn tỷ won (tương đương 24,1 tỷ USD).

Trong đó, 2,3 nghìn tỷ won chi cho việc chế tạo xe tăng và hệ thống pháo binh di động, đồng thời chi 1,6 nghìn tỷ won cho việc đóng tàu khu trục và tàu ngầm. Ngoài ra, Seoul cũng dự định dành 1,3 nghìn tỷ won để mua máy bay F-15 và các máy bay do thám; 1,5 nghìn tỷ won để trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa dẫn đường. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đang mở rộng việc ứng dụng các thiết bị quân sự công nghệ cao có khả năng giám sát và tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tàu ngầm SS-068.
 

Tăng chi phí quốc phòng, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng bản địa, hiện đại hoá quốc phòng hướng tới xây dựng một quân đội có sức chiến đấu cao nhờ sử dụng các loại trang bị vũ khí hiện đại.

Công nghiệp quốc phòng bản địa

Năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến việc hình thành một ngành công nghiệp quốc phòng bản địa. Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc được hình thành dựa trên ba nghị định của chính phủ: Luật "Công nghiệp quốc phòng" năm 1973, Kế hoạch nâng cấp quốc phòng năm 1974, và Luật "Thuế quốc phòng" năm 1975 - được thiết kế để tài trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra chính phủ Hàn Quốc cũng chủ động định hướng nền kinh tế để hỗ trợ cho công nghiệp quốc phòng như đầu tư vào công nghiệp đóng tàu, thép, và các ngành công nghiệp điện tử.

Năm 1990 ngành công nghiệp Hàn Quốc cung cấp khoảng 70% trang bị vũ khí, đạn dược, truyền thông và các loại thiết bị như xe cộ, quần áo và vật tư cần thiết khác của quân đội. Cơ quan Quốc phòng chịu trách nhiệm mua sắm (DPA) thuộc Bộ Quốc phòng (MND) chịu trách nhiệm mua hơn 95% tất cả các hoạt động mua sắm quốc phòng ở Hàn Quốc. DPA xử lý mọi thứ từ các công việc đặc tả yêu cầu kỹ thuật cho đến việc thanh toán cho nhà thầu. Chức năng chính của DPA bao gồm: mua sắm vật tư quốc phòng cho các lực lượng quân sự Hàn Quốc; xây dựng cơ sở quân sự; quản lý nguồn cung cấp; kiểm sóat thông tin về giá và quản lý chi phí; đàm phán chi tiết và quản lý quá trình thực hiên; đặc tả các đặc điểm kỹ thuật quân sự và quản lý tiêu chuẩn hóa chúng.

Cho mãi đến giữa thập niên 1960, Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự và thiết bị từ Mỹ. Năm 1971, Bộ Quốc phòng thành lập DPA như là một đại lý mua sắm tích hợp. Thông qua việc tinh giản quá trình mua sắm, DPA đã góp phần vào việc hiện đại hóa trang thiết bị quân sự tăng cường khả năng quốc phòng. DPA hiện đang quản lý một ngân sách quốc phòng 4.000 tỷ won.

Hàn Quốc bắt đầu sản xuất vũ khí cho quân đội vào năm 1971. Bộ Quốc phòng cho xây dựng một nhà máy lắp ráp súng trường M-16 do Mỹ thiết kế. Hàn Quốc chỉ được phép sản xuất súng trường M-16 đủ để cung cấp các đơn vị quân đội của mình. Đến giữa thập niên 1970, Hàn Quốc đã được Mỹ cấp phép sản xuất nhiều loại vũ khí bao gồm cả lựu đạn, súng cối, mìn, và súng trường recoilless, với các quy định như đối với các súng trường M-16. Hàn Quốc cũng bắt đầu sản xuất đạn dược cho các loại vũ khí nói trên.

Năm 1990, các công ty Hàn Quốc đã nhận được hợp đồng của quân đội để sản xuất xe tăng, pháo tự hành, hai loại xe bọc thép, và hai loại máy bay trực thăng. Một bộ phận của Hyundai sản xuất các xe tăng 88 (thường được gọi là xe tăng K-1) tại Changwon. K-1 là kết quả của một thiết kế chung của Hàn Quốc và Mỹ. Pháo 105mm trên tăng K-1 là phiên bản cải tiến đã được tiêu chuẩn hóa và dùng cho xe tăng M-48A5.

Mặc dù một vài phần điều khiển hỏa lực của xe tăng và hệ thống truyền tải được nhập khẩu, nhưng Hyundai và các nhà thầu phụ Hàn Quốc đã sản xuất hầu hết tất cả. Samsung sản xuất pháo tự hành 155mm, M-109. KIA sản xuất KH-178 105mm và KH-179 155mm pháo. Pháo tự hành KH-178 và KH179 có xuất xứ là một loại pháo cố định của Mỹ, Daewoo đã liên kết với Italia thiết kế bánh xe bọc thép để chúng trở thành pháo tự hành.

Hãng Bell Textron của Mỹ kết hợp Samsung chế tạo máy bay trực thăng UH-1. Hãng Sikorsky Aircraft Corporation, cũng của Mỹ, kết hợp với Daewoo để chế tạo ra máy bay trực thăng H-76. Ngoài ra, Không quân Mỹ ký hợp đồng với Hàn Quốc bảo dưỡng cho các chủng loại máy bay F-4, F-15, A-10, và C-130 đồn trú ở Hàn Quốc, Nhật Bản, và Philippines.

Năm 1990 Hàn Quốc đã thiết kế và đóng 2 chiếc tàu chiến, ngoài ra còn hợp tác với Mỹ, Italia, đóng số tàu loại hình khác. Trong thập niên 1980, đóng tàu tuần tiễu và tàu đổ bộ. Trong cuối những năm 1980, hợp tác với Đức đóng tàu ngầm. Công ty Howaldswerke của Hàn Quốc đã thiết kế 3 chiếc tàu ngầm 150 tấn, và năm 1990 đã bàn giao cho hải quân Hàn Quốc để đưa vào sử dụng. Trong những năm cuối 1980 Howaldswerke có kế hoạch tìm hỗ trợ kỹ thuật để đóng 3 tàu ngầm Type 209, khoảng 1.400 tấn. Hàn Quốc cũng tự đóng lấy tàu đổ bộ hạng nặng Dokdo. Vào những năm cuối 1990 Hàn Quốc sở hữu một trong những ngành công nghiệp quốc phòng phục vụ nhu cầu nội địa lớn nhất trên thế giới, nó phục vụ nhu cầu quốc phòng với chi phí vượt 14 tỷ USD một năm.

Năm 2007, công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã có khả năng cung cấp tất cả các loại vũ khí thông thường cần thiết cho quốc phòng của chính mình, và trở thành nhà cung cấp vũ khí trên thế giới. Tháng 6/2007 Hàn Quốc đã giành được hợp đồng 450 triệu USD với Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp máy bay phản lực KT-1. Máy bay KT-1 cũng đã được đã được bán cho Indonesia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định mua của Hàn Quốc xe tăng lội nước có trang bị pháo 120-mm tự động nạp đạn.

Hàn Quốc còn xuất khẩu cối tự hành K-9 155-mm có tầm bắn tới khoảng hơn 40 km, máy bay huấn luyện phản lực siêu âm T-50 có thể được chuyển đổi thành máy bay ném bom hạng nhẹ.

Cơ quan Phát triển quốc phòng tuyên bố phát triển thành công xe chiến đấu bộ binh "K21" nặng 26 tấn được trang bị pháo tự động nạp đạn 40-mm, súng máy 7,63 mm và tên lửa chống tăng. K21 có khả năng vượt sông tuyệt vời, tốc độ lên tới 70 km/giờ trên đất liền, và 7,8 km/giờ trong nước. Hàn Quốc cũng giới thiệu khả năng sản xuất các loại tên lửa tàu-đối-tàu, tên lửa xách tay bắn máy. Đến nay tên lửa Haeseong và Singung của Hàn Quốc đã hoàn toàn thay thế tên lửa Harpoon và tên lửa Stinger của Mỹ.

Thực lực quân đội Hàn Quốc

Theo một số nguồn tin, Hàn Quốc hiện có 672.000 quân thường trực. Trong khi đó, con số này của CHDCND Triều Tiên là 1,1 triệu quân. Việc thua kém quá nhiều về quân số so với miền Bắc khiến Hàn Quốc phải hướng đến xây dựng một quân đội có sức chiến đấu cao nhờ sử dụng các loại trang bị vũ khí hiện đại (quân đội Triều Tiên chủ yếu được trang bị bằng các hệ thống vũ khí của Liên Xô cũ từ những năm 1950-1960 và một số loại vũ khí tự sản xuất trong nước).

Trong số 672.000 quân thường trực, Hàn Quốc có 560.000 lính bộ binh, 60.000 lính hải quân và 52.000 lính không quân (theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược London, Anh).

Lục quân Hàn Quốc có 22 sư đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới. Ngoài ra, lục quân cũng có các lữ đoàn độc lập, trong đó có 7 lữ đoàn đặc nhiệm, 3 lữ đoàn chống đặc nhiệm và 3 lữ đoàn phòng không.

Lục quân Hàn Quốc hiện có trong trang bị 2.130 xe tăng, 2.490 xe bọc thép chở quân, 3.500 pháo cố định và 900 pháo tự hành cùng 143 trực thăng chiến đấu các loại. Phần lớn lực lượng tinh nhuệ nhất đều tập trung ở khu vực biên giới phía Bắc giáp Triều Tiên.

Nếu xét về vị trí chiến lược, thủ đô Seoul của Hàn Quốc nằm ở một vị trí tử huyệt. Đây là nơi tập trung 1/3 dân số cả nước và phần lớn tiềm lực khoa học công nghệ của Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul chỉ cách biên giới với Triều Tiên khoảng 30-40 km. Như vậy, toàn bộ thủ đô Seoul nằm trọn trong tầm hỏa lực pháo binh của CHDCND Triều Tiên. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lục quân là bảo vệ Seoul.

Trong số 2.130 xe tăng của quân đội Hàn Quốc, có 800 xe tăng được sản xuất trong nước (loại 88), 80 xe tăng T-80 của Nga. 1.250 chiếc còn lại là mua của Mỹ (loại M-47 và M-48). Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu mua các loại vũ khí của Nga, tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản ứng từ phía Mỹ nên Hàn Quốc rất thận trọng và chỉ mua theo các đơn hàng nhỏ lẻ.

Không quân được Hàn Quốc rất coi trọng. Học thuyết quân sự của Hàn Quốc đòi hỏi phải chiếm ưu thế trên không. Nếu không đạt được yếu tố này, quân đội Hàn Quốc và thủ đô Seoul sẽ rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn nếu chiến tranh xảy ra. Không quân Mỹ đang hiện diện tại Hàn Quốc cũng như lực lượng tăng cường từ các khu vực khác đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nước này chiếm lĩnh ưu thế bầu trời. Bên cạnh đó, không quân Hàn Quốc cũng có sức mạnh riêng đáng kể.

Hàn Quốc hiện có 460 máy bay chiến đấu và trực thăng, trong số đó, có 195 máy bay tiêm kích F-5, 60 máy bay tiêm kích F-16. Ngoài ra, Hàn Quốc còn sở hữu 143 trực thăng vận tải và chiến đấu các loại thuộc biên chế của lục quân và các đơn vị không quân độc lập thuộc hải quân.

Cũng giống như lục quân, phần lớn các máy bay chiến đấu và trang thiết bị mặt đất của không quân đều do Mỹ viện trợ. Phi công Hàn Quốc đều được huấn luyện theo điều lệnh tác chiến của Mỹ.

Hải quân Hàn Quốc không được quan tâm nhiều như lục quân và không quân. Mặc dù có trong tay các sư đoàn thủy quân lục chiến được huấn luyện tốt theo kiểu Mỹ (25.000 người) nhưng lực lượng này vẫn chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong quân đội Hàn Quốc.

Trong thời gian gần đây, Hàn Quốc đã bắt đầu chú trọng tăng cường vai trò của hải quân. Hải quân Hàn Quốc hiện có 20 tàu ngầm, 85 chiến hạm chưa kể các tàu tuần tiễu và tàu đổ bộ. Hàn Quốc hiện đang thực hiện chương trình tự chế tạo tàu ngầm và đàm phán để mua tàu sân bay đầu tiên.

Thời hạn phục vụ của quân nhân phụ thuộc vào từng binh chủng, điều kiện gia đình và các yếu tố khác. Nhưng tính trung bình, mỗi thanh niên Hàn Quốc có thời gian phục vụ trong quân đội từ 2-2,5 năm. Lệnh gọi nhập ngũ của Hàn Quốc được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trên thực tế, tất cả đàn ông của xứ sở Kim chi này đều trải qua quân ngũ mà không phụ thuộc vào trình độ cũng như vị thế gia đình. Hàn Quốc không cho phép gia hạn lệnh gọi nhập ngũ. Kể cả những thanh niên đang theo học đại học cũng đều phải gia nhập quân đội khi có lệnh.

Trịnh Thái Bằng

Theo Đăng lại