Doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản cao nhất

TP - Theo kết quả điều tra về thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong phạm vi cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong ba loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất.
Vì khó khăn, các doanh nghiệp đang xảy ra tình trạng dư thừa lao động Ảnh: Bảo Anh
Vì khó khăn, các doanh nghiệp đang xảy ra tình trạng dư thừa lao động Ảnh: Bảo Anh.

Phá sản vì thua lỗ

Tổng cục Thống kê cho biết, cuộc điều tra thu thập thông tin phản ánh thực trạng về sản xuất, khó khăn liên quan sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của khu vực doanh nghiệp.

Đối tượng điều tra gồm 10.120 doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu, trong đó 139 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 9,5% trong tổng số doanh nghiệp nhà nước); 9.048 doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 3,0% trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước) và 753 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 9,5% trong tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Sau gần một tháng triển khai thu thập thông tin, đến ngày 29-4 đã thu được 8.373 phiếu, bao gồm 319 doanh nghiệp nhà nước, 7.343 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 711 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Tổng cục Thống kê, từ kết quả điều tra của 8.373 doanh nghiệp cho thấy, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%.

Từ đó, chia ra số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm gần 4,3%.

Kết quả điều tra cho thấy, trong ba loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 9,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 2,7%, thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2,6%.

Nếu tính theo địa phương, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất nước, tiếp đến theo thứ tự từ cao xuống thấp là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng.

Nguyên nhân chính của việc doanh nghiệp bị phá sản, giải thể là do sản xuất, kinh doanh thua lỗ và thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh.

Dư thừa lao động

Theo điều tra, khu vực doanh nghiệp nhà nước có số doanh nghiệp dư thừa lao động cao nhất với 13,8%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 8,2%, doanh nghiệp FDI chỉ có 3,9% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động.

Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ (gồm 4 ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông) có 7,1% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động.

Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản có 7,6% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành xây dựng có số doanh nghiệp dư thừa lao động là 13,5% và ngành khai khoáng là 13,2%.

Tình trạng dư thừa lao động của các doanh nghiệp phía Bắc cao hơn phía Nam, trong đó khu vực Đồng bằng sông Hồng đang có tỷ lệ doanh nghiệp dư thừa lao động cao nhất với 10,3%.

Tổng cục Thống kê cho biết, 54,8% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động. Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, trái ngược với xu hướng thừa lao động, có tới gần 12% số doanh nghiệp vẫn đang thiếu người.

Muốn được tiếp cận vốn vay

Theo kết quả điều tra, trong số 11 yếu tố được phỏng vấn thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng sản xuất của khu vực doanh nghiệp, có 6 yếu tố cản trở lớn nhất. Trong đó, lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở hàng đầu (chiếm 27,5%); lạm phát cao và biến động thất thường là cản trở thứ hai (19,2%); tiếp đến là khó khăn tiếp cận vốn vay (17,5%).

Ngoài ra, còn một số cản trở nữa như chi phí vận tải cao, điện cung cấp không ổn định, chính sách điều hành kinh tế không ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, tập trung nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định giá điện và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Theo Báo giấy