Doanh nghiệp mòn mỏi chờ giảm lãi vay ngân hàng

TPO - Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành lần thứ 4 được đánh giá có tác động tích cực đến hoạt động khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng và hoạt động cho vay.

Vay cá nhân để kinh doanh

Cần 80 tỷ đồng để mua nguyên liệu nông sản của nông dân vì đã đến vụ thu hoạch, nhưng ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, huyện Bình Chánh, TPHCM - vẫn không thể tiếp cận nguồn vay ngân hàng với tư cách doanh nghiệp (DN). Để có tiền xoay xở, ông phải đi vay với tư cách cá nhân.

“Tôi mới vay được 60 tỷ đồng tại ngân hàng với lãi suất 13,5% để có tiền thu mua nguyên liệu của nông dân, nông dân bán được hàng thì mới có vốn tái sản xuất. Nếu tôi vay với tư cách DN, lãi suất chỉ 10,5% nhưng tài sản đảm bảo là đất, nhà xưởng ở quê nhưng bị ngân hàng… chê” - ông Vũ nói.

Tuy nhiên theo ông Vũ, bây giờ vay được vốn với tư cách cá nhân cũng đã mừng rồi dù vẫn ngán lãi suất cao. Ông Vũ nói rằng, đơn hàng trong nước sụt giảm nên DN đẩy mạnh xuất khẩu, đầu ra có nhưng không có vốn thu mua nông sản của nông dân, lãi suất quá cao khiến Công ty Xuân Nguyên khó có thể gồng được lâu dài. "Trước đây vay với tư cách DN, lãi suất chỉ 7,9-8,2% nhưng nay đã lên tới 10,5% nhưng công ty vẫn không thể tiếp cận vốn. Nhiều nông dân năn nỉ DN thu mua nhưng DN không có tiền, rất xót xa", ông Vũ chia sẻ.

Công ty Xuân Nguyên vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn ưu đãi doanh nghiệp từ ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh

Cũng có nhu cầu vốn cho các đơn hàng xuất khẩu nửa cuối năm, nhưng ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức - cho biết, vẫn chưa thỏa thuận được một mức lãi suất hợp lý với ngân hàng. “Dòng tiền đối với chúng tôi rất khó khăn, vừa phải chuẩn bị đầu vào, vừa gặp đầu ra. Trong khi, mức lãi suất vay vẫn dao động từ 10 - 13% là quá cao trong bối cảnh hiện nay. DN dệt may trong nước không cạnh tranh nổi về giá với cùng mặt hàng được sản xuất tại thị trường Ấn Độ, Bangladesh…” - ông Việt nói.

Chia sẻ với PV Tiền Phong khi tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để tiếp tục hoạt động, ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc truyền thông Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt - cho biết, nếu như trước đây, để được vay vốn ngân hàng rất khó vì hết room tín dụng, lãi suất lên cao thì nay chuyện đó đã “dễ thở” hơn đôi chút.

“Năm 2023, việc vay vốn thuận lợi hơn nhiều, chúng tôi đã tiếp cận được nguồn vốn ngay từ đầu năm, lãi suất giảm phần nào mừng phần đó. Với những công ty du lịch có những hoạt động tốt trong năm 2022 như chúng tôi rất mong ngành ngân hàng xem xét hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất…” - ông Vũ nói.

Lãi suất cho vay giảm mạnh

Ngày 17/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, việc giảm lãi suất tiền gửi (loại tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm) và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao về mức 4%/năm, có tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo xu hướng tiếp tục giảm.

Doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng được điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả (ảnh tại Công ty Du lịch Việt).

Tại TPHCM, tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này khoảng 200.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm khoảng 500.000 - 600.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ trực tiếp và mang lại lợi ích rất lớn cho DN.

Để dễ dàng tiếp cận vốn, theo ông Lệnh, DN cần đảm bảo đáp ứng được điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả, trách nhiệm. “Đặc biệt, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực quản trị điều hành, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để tiếp cận thuận lợi không chỉ những chính sách hỗ trợ của TCTD, của NHNN mà còn từ Chính phủ đúng với tinh thần Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Tín dụng 5 tháng đầu năm tại TPHCM ước đạt 2,34%, chỉ bằng hơn 70% tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, thấp hơn đáng kể mức tăng 8,8% cùng kỳ năm trước, tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tín dụng ngắn hạn chiếm 46% tổng dư nợ trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng 9,3%, trong khi trung, dài hạn chỉ tăng khoảng 2%.

“Tín dụng ngắn hạn đã tăng trưởng cao hơn tín dụng trung, dài hạn. Điều này phù hợp với các cơ chế, chính sách của Ngân hàng Trung ương, nhất là chính sách lãi suất và chính sách tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh bởi nhu cầu vốn ngắn hạn của những lĩnh vực này tăng tốt hơn trung và dài hạn” - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho hay.