Xưởng sản xuất xen cài nhà dân
Do nhà xưởng nằm xen cài trong khu dân cư nên ông Nguyễn Ngô Long - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Nhật Long (TP Thủ Đức, TPHCM) tìm mọi cách để vừa sản xuất an toàn, vừa tạo không gian xanh cho nhà máy.
Giới thiệu mô hình trồng trồng cây xanh trên mái nhà xưởng, ông Long chia sẻ: “Do nhà xưởng nằm xen cài trong khu dân cư nên tôi phải tìm mọi cách để có thể sản xuất an toàn, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vừa không ảnh hưởng đến người dân xung quanh”. Theo đó, việc trồng cây trên mái nhà xưởng vừa giúp làm mát; cách ly vào công ty cũng như hạn chế bụi sản xuất phát tán ra môi trường xung quanh; giúp hạn chế tiếng ồn...
Hơn 20 năm tham gia lĩnh vực sản xuất và cung ứng phụ tùng thay thế cho các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) tại Việt Nam, đến nay ông Long muốn mở rộng nhà xưởng sản xuất nhưng gặp không ít khó khăn. Ông Long cho biết, TPHCM có hơn 400.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, nhưng chỉ khoảng 50.000 doanh nghiệp sản xuất được bố trí trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Số doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ buộc phải hoạt động xen cài trong khu dân cư. Công ty Nhật Long cũng trong tình trạng như vậy.
“Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng xưởng sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư. Việc xây dựng hạ tầng sản xuất cơ bản phải chịu chế tài bởi luật xây dựng nhà ở nên những quy định về phòng cháy chữa cháy và môi trường… không phù hợp với thực tiễn khách quan.
Hơn thế nữa, sự thiếu quy chuẩn này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thiết kế sơ đồ lắp đặt thiết bị công nghiệp đạt chuẩn, từ đó khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm với yêu cầu thị trường ngày càng gắt gao và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều này dẫn đến các chi phí phi chính thức lẫn, chi phí đầu tư khác rất cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Long nói.
Cũng có nhu cầu mở rộng nhà xưởng khi có thêm đơn hàng, tuyển thêm lao động, ông Hà Huy – chủ cơ sở gia công các sản phẩm từ cao su (huyện Bình Chánh) không thể xin giấy phép xây dựng nhà xưởng vì nhà máy nằm trong khu dân cư.
“Chúng tôi “lách” bằng cách xin giấy phép xây dựng theo dạng nhà ở, tuy nhiên khi muốn nâng cấp nhà xưởng để đạt chuẩn để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động thì không thực hiện được. Chúng tôi mong Thành phố có những quy chuẩn cụ thể việc xây dựng nhà xưởng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cấp nhà xưởng, đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn trong khu dân cư. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể chuyển vào đó để sản xuất cho quy củ hơn” - ông Huy kiến nghị.
Vào khu công nghiệp cũng không dễ
Từ năm 2018, TPHCM đã có chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, các khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất vẫn còn thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này.
Chuyện doanh nghiệp nhỏ nằm trong khu dân cư khó di dời ra các khu công nghiệp vì thiếu vốn không còn xa lạ, nhưng với những doanh nghiệp quy mô vừa cũng chưa chắc thuê được đất trong các khu công nghiệp tại TPHCM.
Bởi lẽ quỹ đất sạch sẵn sàng cho thuê trong các khu công nghiệp tại TPHCM không còn nhiều trong khi đất cho thuê quá cao khiến cơ hội tiếp cận mặt bằng sản xuất của nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Giá cho thuê đất trung bình ở các khu, cụm công nghiệp tại TPHCM và một số tỉnh lân cận hiện đang ở mức cao khiến doanh nghiệp khó đầu tư, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Hiện giá thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM trung bình dao động từ 240- 340 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá này ở Đồng Nai khoảng 100- 200 USD/m2/chu kỳ thuê, ở Bình Dương khoảng 100- 250 USD/m2/chu kỳ thuê.
Ông Hoàng Thọ Vượng - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc Sở Công Thương TPHCM cho biết, quỹ đất dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khá hạn chế là một trong những yếu tố khiến ngành này chưa phát triển mạnh dù có chính sách kích cầu riêng.
Hơn nữa, mặc dù quỹ đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn, nhưng chủ đầu tư các khu công nghiệp thường quy hoạch phân lô diện tích lớn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước, nước thải, đường giao thông nội bộ…
Để hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hiệp hội Điện và Cơ khí TPHCM cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất mà Chính phủ ban hành, kèm theo đó là nới lỏng điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp (theo hình thức tín chấp căn cứ trên nguồn thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp).
Mặt khác, cơ quan chức năng cần kéo dài các gói vay lãi suất thấp từ 6-12 tháng thay vì chỉ 3-6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng với TPHCM, lãnh đạo thành phố cần sớm mở lại chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn bị gián đoạn thời gian qua, để gỡ khó về vốn cho các doanh nghiệp.
Thấy rõ những hạn chế trong phát triển công nghiệp thời gian qua, thành phố đang xây dựng chính sách để thực hiện Đề án Chuyển đổi các khu công nghiệp – khu chế xuất giai đoạn 2023 – 2024, gồm các khu công nghiệp Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu. Từ đó, TPHCM sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi các khu công nghiệp cũ còn lại. Thành phố tái cơ cấu các khu công nghiệp cũ theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh.
Về định hướng phát triển công nghiệp TPHCM, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới. Xây dựng các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất mới, đóng góp lớn hơn cho sự tăng trưởng của thành phố.
Ông Bùi Tá Hoàn Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, thành phố đang rất cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn tới. Về cơ bản, chiến lược này sẽ tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia trong việc gắn kết với các địa phương phía Nam, chuỗi cung ứng khu vực, tận dụng các xu thế phát triển công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn…