Doanh nghiệp bắt hạ tầng làm 'con tin': Bộ GTVT làm sai hợp đồng?

TP - Dư luận đang xôn xao trước việc nhà đầu tư “dọa” đóng Hầm Hải Vân do nhà nước chưa thực hiện đúng cam kết. Một số nhà đầu tư khác còn “dọa” trả dự án về nhà nước khi các cam kết hợp đồng không được thực hiện.
Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân Ảnh: Hồng Vĩnh

Con tin kiểu mới 

Thời gian qua, Cty CP Đầu tư Đèo Cả đã 2 lần lên tiếng sẽ trả lại nhà nước công tác quản lý, vận hành Hầm Đèo Cả, Hầm Hải Vân 1 nếu Bộ GTVT thực hiện không đúng cam kết. Tiếp đó, chủ đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cũng kêu cứu và đề nghị trả dự án vì cam kết theo hợp đồng chưa được Bộ GTVT thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, một số dự án Bộ GTVT lại bị người dân phản đối, như BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Tân Đệ (Thái Bình)...

Cty CP Đầu tư Đèo Cả ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT để thực hiện dự án xây dựng Hầm Đèo Cả, Hầm Cổ Mã, Hầm Cù Mông và Hầm Hải Vân 2 (kết hợp quản lý, vận hành Hầm Hải Vân 1), với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng, nhà đầu tư 21.106 tỷ đồng). Nhà đầu tư thu thôi hồi vốn qua thu phí tại 7 trạm trong thời gian khoảng 29 năm. Thời điểm ký hợp đồng năm 2016, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí tại trạm Đèo Cả với mức phí từ 60.000 - 288.000 đồng/xe/lượt (tùy nhóm xe). Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT lại ban hành Thông 35/2016, đưa ra mức trần thu áp dụng chung các dự án BOT cầu, đường, hầm với mức từ 52.000 - 200.000 đồng/xe/lượt (tùy nhóm xem).

Hầm đường bộ Đèo Cả    Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng GĐ Cty CP Đầu tư Đèo Cả cho hay, do áp dụng mức phí của Thông tư 35, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư hụt thu hơn 65,7 tỷ đồng so với mức phí trong hợp đồng ký với Bộ GTVT. Vì vậy, ngày 15/10 vừa qua, nhà đầu tư này tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT thực hiện đúng hợp đồng.

Tương tự, cùng với việc thi công Hầm Hải Vân 2, Cty CP Đầu tư Đèo Cả được Bộ GTVT giao quản lý, vận hành Hầm Hải Vân 1 và được thu phí tại trạm Nam Hải Vân để thu hồi vốn và vận hành hầm. Theo hợp đồng, nhà đầu tư đã bỏ ra trên 1.200 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp Hầm Hải Vân 1, và hơn 315 tỷ đồng quản lý, vận hành hầm này từ năm 2016 đến nay.

Tuy nhiên, vị trí đặt trạm thu phí Nam Hải Vân chỉ cách trạm Bắc Hải Vân (thu phí cho dự án Phước Tượng - Phú Gia) khoảng 12km, nên trạm phía Nam phải bỏ. Lấy lý do chi phí, Cty CP Đầu tư Đèo Cả đã không trả đủ chi phí cho đơn vị vận hành hầm, dẫn tới đơn vị vận hành hầm nợ tiền điện hơn 2 tỷ đồng.

Từ những khúc mắc trên, nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp để giải quyết. Theo đó, nếu trước ngày 5/11/2018, các vấn đề Hầm Hải Vân 1 không được giải quyết, có phát sinh, gián đoạn khai thác hầm Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm.

“Hiện Bộ GTVT đang vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp đầu tư buộc phải xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác”, Cty CP Đầu tư Đèo Cả kiến nghị Bộ GTVT. Đây là lần thứ 2 nhà đầu tư này đề xuất trả lại nhà nước Hầm Hải Vân 1.

Chạy khắp nơi đòi tiền

Cũng do nhà nước chưa thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư, Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang chạy vạy khắp nơi kêu cứu, tới nay vẫn chờ. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Vidifi cho biết, năm 2007, Thủ tướng phê duyệt đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tiền giải phóng mặt bằng (4.069 tỷ đồng), trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13 đến 30 năm); chia lại 50% tiền sử dụng đất dọc tuyến đường khi có dự án; nhà nước dùng quyền thu phí trên Quốc lộ 5 để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư.

“Dù cam kết là vậy, nhưng tới nay đã 10 năm, đường đưa vào sử dụng 3 năm, nhưng phần tiền nhà nước cam kết vẫn chưa thấy đâu. Trong khi, nhà đầu tư phải ứng trước toàn bộ chi phí đó và phải đi vay trả lãi 10%/năm. Nếu nhà nước không sớm chuyển tiền đã cam kết sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính của dự án, ảnh hưởng tới các hợp đồng vay tín dụng nước ngoài”, ông Tỉnh nói. Theo đó, dù thời gian qua có một số nhà đầu tư từ Australia, châu Âu tìm hiểu để mua lại một phần dự án, nhưng chưa thực hiện được, vì phần cam kết của Nhà nước chưa được thực hiện rõ ràng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, các kiến nghị của Cty CP Đầu tư Đèo Cả đang được bộ giải quyết. Với khoản hỗ trợ gần 1.200 tỷ đồng cho Dự án Hầm Cổ Mã, do không nằm trong kế hoạch tài chính trung hạn nên bộ đang kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung. Cùng đó, do trạm thu phí Bắc và Nam Hải Vân quá gần nhau, nên bộ đã thống nhất với nhà đầu tư để thu chung dự án Hầm Hải Vân và Phước Tượng - Phú Gia tại trạm Bắc Hải Vân (phí chia cho 2 dự án).

Về mức phí, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, hiện bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 35, để từ đó gỡ vướng và thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mức thu phí. Về chi phí quản lý, vận hành Hầm Hải Vân 1, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, trong thời gian nhà đầu tư xây dựng Hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT tạm thời giao quản lý Hầm Hải Vân 1 để thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát. Khi nào Hầm Hải Vân 2 làm xong, bộ sẽ lấy lại hoạt động quản lý, vận hành Hầm Hải Vân 1. 

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Dự án Đèo Cả gồm 4 hầm, là công trình lớn, nên hợp đồng nhà đầu tư được sử dụng 7 trạm thu phí để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do chính sách thay đổi, trạm thu phí Nam Hải Vân phải bỏ, còn trạm La Sơn - Túy Loan cũng chưa thu phí được. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho thu phí với dự án La Sơn - Túy Loan, vì đây là tuyến đường mới, người dân có quyền lựa chọn, dù được đầu tư bằng ngân sách.

“Những thay đổi chính sách có ảnh hưởng tới phương án tài chính của các dự án nhưng không phải không giải quyết được. Bộ GTVT đang tính toán lại phương án tài chính của các dự án và giải quyết theo trình tự”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, về nguyên tắc, với dự án BOT giao thông căn cứ theo hợp đồng để thực hiện. “Trong hợp đồng quy định trách nhiệm của nhà nước mà đại diện là Bộ GTVT và một bên nhà đầu tư. Hợp đồng Bộ KH&ĐT không biết nên nguyên tắc cứ theo hợp đồng để xử lý”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết. Theo đó, không chỉ hợp đồng hợp tác công - tư (PPP), các hợp đồng đều tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, cơ quan nào quản lý rủi ro tốt nhất cứ giao cho đơn vị đó xử lý.

QUỲNH NGA

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng, hợp đồng hợp tác công - tư (PPP) có 2 điều kiện cơ bản là năng lực nhà nước và minh bạch triển khai. Tuy nhiên, thực tế triển khai thiếu minh bạch, còn năng lực nhà nước hoặc có nhưng động cơ chưa tốt, bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân. Do đó, hợp đồng PPP đang tồn tại nhiều lỗ hổng, trong đó có những điều khoản nhà nước không thực hiện nhà đầu tư sẽ phải gánh toàn bộ rủi ro. Lúc này, lỗi thuộc về nhà nước và khiến môi trường đầu tư kinh doanh không minh bạch, làm mất độ tin cậy cho các hoạt động kinh tế.