Đoàn Thanh niên và mạng xã hội

Tuần trước, đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Quang Thông đã đưa ra con số, ở Việt Nam hiện có 5, 43 triệu người dùng Facebook, đa số nằm trong độ tuổi từ 18 - 34…

Đoàn Thanh niên và mạng xã hội

> Dùng công nghệ tập hợp thanh niên

> Tôn vinh những nhà báo dấn thân với giới trẻ

Tuần trước, đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Quang Thông đã đưa ra con số, ở Việt Nam hiện có 5, 43 triệu người dùng Facebook, đa số nằm trong độ tuổi từ 18 - 34…

 Ảnh: Internet

Dùng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thực sự của giới trẻ nhưng mạng xã hội lại phát triển tự phát, thiếu định hướng và nguy cơ “Diễn biến hòa bình” tác động đối với giới trẻ từ đây cũng rất lớn. Các Mác từng nói: Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Đã đến lúc, cuộc đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình” trên internet cần có những lực lượng tiến bộ tiên phong để tập hợp, định hướng giới trẻ…

Những “đốm sáng” tự phát

Gần 50.000 thành viên yêu thích (like), khoảng 10.000 người thường xuyên trao đổi bàn luận hằng ngày, hàng trăm tới hàng nghìn bình luận sau mỗi bài viết. Đó là con số mà trang facebook mang tên “Hội những người ghét bọn phản động” đạt được trên internet sau 2 năm hoạt động. Với nội dung phần lớn các bài viết phê phán, vạch trần thủ đoạn của các thế lực phản động, chống cộng bằng một ngôn ngữ khá “xì -tin” cùng những hình ảnh vui nhộn, dẫn nguồn nhiều bài viết phù hợp với giới trẻ trên báo chí, trang facebook này đã thu hút, tập hợp được một lực lượng không nhỏ thanh niên. Loại trừ một số hạt sạn, một số bình luận tiêu cực, nhìn một cách tổng thể, đây là một trang có nhiều điều hữu ích cho giới trẻ.

Trang này đã đưa ra các vấn đề nóng và có tính tương tác cao giữa các thành viên, phản bác nhiều luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng như các trang mạng chống Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trang này do ai lập ra, có thực sự đáng tin cậy không thì vẫn thật khó thẩm định vì nó vẫn thuộc về “thế giới ảo”, không thuộc một đoàn thể, tổ chức chính thống để tập hợp giới trẻ.

Một câu chuyện mang tính thời sự hơn vừa xảy ra trên một trang mạng xã hội khác. Trong thời điểm toàn Đảng ta đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, có không ít trang mạng xấu độc nêu quan điểm tiêu cực, cho rằng đó chỉ là một cuộc “ném đá ao bèo” khiến giới trẻ có thể dao động thì một mạng xã hội của giới trẻ đã đăng lại bài “Đọc bản đảng viên tự kiểm điểm trước đây, suy nghĩ về đảng viên tự kiểm điểm hiện nay” của Tạp chí Cộng sản. Đó là bản tự kiểm điểm định kỳ trong đợt “chỉnh cán chỉnh cơ” của ông Nguyễn Sinh Chưng - Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Quảng Bình.

Trong suốt 6 trang viết kiểm điểm, ông Chưng chỉ nêu rất ít ưu điểm và tự phê phán rất nghiêm khắc những khuyết điểm của bản thân mình ở cả 4 phần của bản tự kiểm điểm như: “Một dịp tôi bị thương nhẹ, nhân đó tôi cho cơ quan chuyển về chiến khu vùng miền núi". ông tự phê phán: “Đó là vì động cơ sợ chết, sợ bị thương. Đó là tư tưởng khiếp sợ địch. Tôi đã không nghĩ đến nhân dân đang kiên trì bám trụ dưới tầm bom đạn của giặc…”. “Tôi đã lấy lý do công tác, lấy lý do bị thương để về sống với vợ con gần 2 tháng. Những lần sống thiếu thốn vất vả quá, vợ tôi khuyên tôi về đầu hàng giặc... Có lần tôi đã định cắt đứt tình vợ chồng, thả vợ về với địch”.

Ông tự phê phán: “…7 năm trường kỳ kháng chiến, được vợ chăm sóc đùm bọc nhưng do chỉ một câu nói của vợ thiếu suy nghĩ mà tôi đã vội cho rằng vợ tôi là người phản động. Nếu vợ đã nghe lời tôi thì địch sẽ dựa vào đó để phản tuyên truyền và phá vỡ các cơ sở của ta. Tôi đã thiếu phương pháp tuyên truyền thuyết phục đối với gia đình …”. Sau khi bài báo thú vị trên đăng lên mạng xã hội, đã có tới hàng nghìn lượt đọc và rất nhiều ý kiến bạn đọc sẻ chia, tán thành, tin tưởng hơn vào công cuộc chỉnh đốn Đảng nếu như Đảng ta tiếp tục có cách làm nghiêm túc như đã làm năm xưa. Điều này minh chứng sự lan tỏa, kết nối của mạng xã hội, giúp bài báo thu hút giới trẻ, đến với giới trẻ nhanh hơn so với nếu chỉ dừng lại ở việc đăng trên tạp chí

Sau hơn một năm hoạt động, trang “Hội những người yêu màu Tổ quốc” cũng thu hút được gần 3000 thành viên yêu thích. Chỉ bằng một lời kêu gọi cùng nhau thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng cách “nhuộm đỏ” blog, facebook nhân các ngày lễ kỷ niệm và lịch sử, các dịp Tết đến Xuân về, nhiều trang mạng hiện nay đã trở thành nơi chia sẻ tình yêu Tổ quốc trong sáng, từ những điều tưởng như đơn giản mà không giản đơn.

Vậy mà thật đáng tiếc, các tổ chức thanh niên nhiều năm qua gần như “bỏ trống” một trận địa quan trọng trên mặt trận tư tưởng này. Không có nhiều tổ chức Đoàn sử dụng internet, mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào hành động cách mạng.

Nguy cơ tiềm ẩn

Trong khi đó, các thế lực thù địch lại khá “nhanh chân” trong việc lôi kéo giới trẻ thông qua internet, mạng xã hội. Số liệu từ một cuộc hội thảo “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong tình hình hiện nay” tổ chức gần đây cho thấy: Lợi dụng tâm lý thích khám phá cái mới, sự non nớt, bồng bột, thiếu kinh nghiệm của giới trẻ, các thế lực thù địch luôn tìm cách lôi kéo, chuyển hóa thanh niên làm “ngòi nổ”, là “lực lượng xung kích” trong các hoạt động chống phá chế độ. Từ năm 2007 đến nay, thông qua các trang web, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ kích động sinh viên biểu tình…

Trong bối cảnh còn rất thiếu những “kênh” hữu hiệu để tập hợp, vận động, giáo dục thanh thiếu niên trên internet thì trên mạng lại tràn lan các trang có quan điểm “tốt xấu, thật giả lẫn lộn” khiến giới trẻ rất dễ “lạc lối trên mạng”. Xin nêu ví dụ về việc nhận diện các trang mang tên “yêu nước”, “chống phản động”, “ghét bọn phản động” hiện nay. Có trang tiếng là “chống phản động” nhưng nội dung lại rất phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ. Có trang mang danh “yêu nước” nhưng nội dung lại kích động hận thù. Có trang lập lờ giữa bài có nội dung tốt với bài có nội dung xấu khiến giới trẻ sa vào ma trận thông tin, khó phân biệt nổi “chính -tà”.

Bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, các phong trào thanh niên gần đây ít có sự tương tác với thanh niên bằng những công cụ hiện đại. Môi trường mạng xã hội luôn ẩn chứa nhiều giá trị ảo, nếu bỏ trống hoặc định hướng không tốt sẽ khiến giới trẻ quá sa đà, chạy theo giá trị ảo mà xa rời cuộc sống thực; thậm chí dễ bị lôi kéo .

Mở những con đường sáng

Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội trong tập hợp giới trẻ nói chung, tập hợp vào cuộc đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình” ngày càng tăng. Nhưng tập hợp như thế nào để internet không trở thành con dao hai lưỡi không phải là điều đơn giản.

Trước hết, cần nhận thức rằng, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ luôn tạo ra những công cụ mới, phương thức mới, cộng đồng mới trên internet. Vài năm trước, trào lưu “chơi blog” từng làm mưa làm gió trong việc thu hút giới trẻ nhưng giờ đây, câu chuyện blog đã lắng xuống nhường chỗ cho facebook. Những văn bản pháp lý về quản lý blog còn chưa hoàn thiện để thực thi thì câu chuyện xung quanh hoạt động của facebook ở Việt Nam đã làm nóng cộng đồng mạng suốt mấy tuần qua.

Một khảo sát trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc sử dụng facebook chỉ trong một tuần đã thu hút hơn 13.000 người tham gia, đủ thấy nhu cầu sử dụng mạng xã hội của giới trẻ cao như thế nào. Cho nên, cùng với việc tăng cường quản lý mạng xã hội, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của nó, thì đòi hỏi cũng phải biết sống chung với nó, khai thác những ưu việt của nó, nhất là trong việc tập hợp giới trẻ, đang là một đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Đã đến lúc, các tổ chức, đoàn thể liên quan đến thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh cần có nhiều hơn những kênh tập hợp giới trẻ trên internet, bằng những trang chính thống, có tổ chức, có nội dung và hình thức hấp dẫn, thu hút. Gần đây, đã có nhiều kiến nghị dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc cần bổ sung, tăng cường các hình thức kết nối, tương tác thân thiện trên các mạng xã hội. Kinh nghiệm từ Tỉnh đoàn Bắc Giang gần đây có thể gợi mở một hướng đi phù hợp.

Anh Mai Sơn, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết: Nhiều mô hình hay về “Tập hợp thanh niên trên internet” được xây dựng và hoạt động hiệu quả, nhiều câu lạc bộ, diễn đàn trên internet được thành lập như: tinhdoanbg.gov.vn; bacgiangonline.net; bacgiangview; xaydungbg.com; svbacgiang.net; tusononline.net; phuongson.tk; thphchuyenbacgiang.edu.vn… thu hút được đông đảo thanh niên trong tỉnh Bắc Giang và thanh niên Bắc Giang đang làm việc, học tập trên mọi miền Tổ quốc. Nhiều phong trào như: “Tiếp bước chân em đến trường, “Em tôi đi thi”; "Sắc xanh trên quê hương Bắc Giang", “Thắp nến tri ân”, “áo ấm tặng Bà”, “Mùa đông ấm trên vùng cao Lục Ngạn”… đều khởi phát từ các diễn đàn internet, sau đó trở thành hoạt động thực tiễn sôi nổi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Một tấm gương sống có giá trị hơn hàng vạn bài diễn văn tuyên truyền. Trong tập hợp, giáo dục thanh niên trên internet nói chung, đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên internet nói riêng hiện nay cũng vậy. Cần xây dựng, chọn ra các tổ chức, cá nhân tiêu biểu làm công cụ để định hướng, chia sẻ, dẫn dắt, giáo dục thanh niên thông quamạng xã hội, tăng tính gần gũi, thân thiện của công tác giáo dục của Đoàn với các bạn trẻ. Hằng năm, chúng ta đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nhiều Câu lạc bộ bổ ích. Những hoạt động này, những câu lạc bộ này hoàn toàn có thể được tổ chức trên internet. Đặc biệt, những câu lạc bộ, những hạt nhân xung kích điển hình trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động do tổ chức Đoàn khởi xướng và tổ chức chặt chẽ chắc chắn sẽ thu hút giới trẻ và hoạt động hiệu quả hơn so với những trang tự phát hiện nay.

Một công việc rất cần làm nữa là phải có chiến lược đầu tư cho được hệ thống mạng xã hội của Việt Nam, do chúng ta lập ra và quản lý. Còn nhớ, năm 2009, mạng xã hội zingme từng tuyên bố đã phát triển vượt bậc và trở thành mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam. Vậy mà chỉ sau 2 năm, từ năm 2011 đến nay, mạng này đã phải “ngậm ngùi” nhường chỗ cho facebook. Không thể tập hợp, giáo dục giới trẻ hiệu quả với công cụ “mượn” của “người ngoài”. Hiện nay, các mạng xã hội ở Việt Nam có không ít mạng rất tiện ích sử dụng nhưng do thiếu chiến lược, con đường tiếp cận nên người dùng vẫn ưa dùng “hàng ngoại” hơn.

Trao đổi với phóng viên TS Phạm Hùng Phong, Tổng giám đốc Công ty VietNet, từ bài học thành công khi xây dựng hệ thống quán cà phê - internet đầu tiên ở Hà Nội trước đây cho thấy: Cần gắn các mạng xã hội Việt Nam với các hoạt động chính thống của các đoàn thể xã hội. Khi giới trẻ sử dụng mạng xã hội nội địa thì việc quản lý, ngăn chặn những nhân tố xấu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều; đặc biệt là việc phát hiện, xử lý những đối tượng cực đoan, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”. ông Phong cũng cảnh báo nguy cơ một vàimạng xã hội Việt Nam bị đối tác nước ngoài mua lại sẽ tiếp tục gia tăng những “lỗ hổng” đáng tiếc.

Theo Nguyễn Văn Minh
Quân Đội Nhân Dân

Theo Đăng lại