Ðoàn tàu tái cơ cấu trên đà tăng tốc

TP - Năm 2015 đánh dấu bước đột phá mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng Cty Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN). Ðến tháng 12/2015, ÐSVN đã cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH) các đơn vị thành viên. Ở cấp tổng công ty, việc chủ động tìm đến khách hàng, nhà đầu tư đã diễn ra mạnh mẽ...
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HÐTV ÐSVN (thứ 3 từ phải qua) cắt băng, chính thức đưa tuyến đường sắt Hà Nội - Ðồng Ðăng vào hoạt động. Ảnh: Bảo An

IPO thành công 22 công ty con

CPH toàn bộ 24 đơn vị thành viên có thể coi là bước quyết định thắng lợi của Tổng Cty ÐSVN trong quá trình tái cơ cấu. Không nóng sốt như các ngành “thời thượng” nhưng cổ phần của ÐSVN đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Thành công nhất trong các đợt IPO (đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng) phải kể đến Cty Vận tải đường sắt Sài Gòn. Có 20 nhà đầu tư tham gia với tổng số cổ phần đăng ký đặt mua vượt 8,7% số cổ phần bán ra (tương đương 14,33% vốn điều lệ). Mức giá đặt mua cao nhất là 18.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phần; giá trúng đấu giá bình quân là 10.016 đồng/cổ phần.

Về cơ cấu vốn điều lệ, đối với 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, vốn nhà nước nắm giữ 51%; vốn người lao động được mua ưu đãi chiếm từ 35% đến 44%; vốn của các nhà đầu tư khác chiếm từ 5% đến 14%. Với hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, tỷ lệ này là: Vốn nhà nước 60%, vốn người lao động chỉ chiếm từ 11% đến 12%, vốn của nhà đầu tư khác chiếm hơn 28%. Ðối với hai công ty xe lửa Dĩ An, Gia Lâm, vốn nhà nước nắm giữ 75%; vốn người lao động chiếm từ 9% đến 19%; vốn các nhà đầu tư khác chiếm từ 6% đến 16%.

“Trước kia ngành đường sắt bị xem là “thành trì” bất khả xâm phạm nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực từng ngày để thay đổi định kiến ấy. Chúng tôi kêu gọi đầu tư, thậm chí mời các đơn vị mua hẳn đoàn tàu về chạy, ngành đường sắt sẽ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ đi kèm”.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HÐTV khẳng định quyết tâm của ÐSVN

Ông Ðoàn Duy Hoạch - Phó TGÐ Tổng Cty ÐSVN cho biết, công tác CPH 24 doanh nghiệp cũng như các phương án CPH đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với các điều kiện sản xuất kinh doanh đặc thù của ngành đường sắt và đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch.

Từ đầu năm 2016, một diện mạo mới của ÐSVN sẽ hình thành, nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Tổng công ty, vì vậy, các đơn vị này có cơ hội cải cách quản trị hiệu quả hơn – ông Hoạch nhấn mạnh.

“Trải thảm đỏ” đón đầu tư

Chưa bao giờ, ngành Ðường sắt lại thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư như thời gian qua. Giữa tháng 9/2015, ÐSVN và Tập đoàn  Indo Trans Logistics (ITL) ký hợp đồng “Dự án xã hội hóa Trung tâm Ðường sắt logistics tại ga Yên Viên” (Hà Nội). Nói như ông Nguyễn Ngọc Ðông – Thứ trưởng GTVT, dù hợp đồng nhỏ (vốn đầu tư từ năm 2015-2018 chỉ 90 tỷ đồng) nhưng có ý nghĩa lớn trong việc mở ra thời kỳ xã hội hóa, thu hút tư nhân vào lĩnh vực vận tải, hạ tầng đường sắt. Dự án này cũng chính thức hiện thực hóa chủ trương chuyển nhượng hạ tầng mà Bộ GTVT thực hiện. Ông Ðoàn Duy Hoạch cho biết thêm, ngoài dự án này, ÐSVN đang trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư vào các bãi hàng đường sắt tại Lào Cai, Lạng Sơn và Sóng Thần (Bình Dương).

Về hạ tầng nhà ga hành khách, Vingroup, Tập đoàn T&T và nhiều nhà đầu tư lớn khác đã đánh tiếng muốn đầu tư vào Ga Hà Nội, TPHCM và Ðà Nẵng. Dự án xây dựng đường sắt khổ 1.435mm Hà Nội - Hải Phòng đang được Liên danh Nhà đầu tư Cty TNHH Phát triển Công Ý- Thái (ITD) và Cty Cổ phần Ðầu tư khai thác cảng (IMP) (gói tắt là Liên danh Nhà đầu tư ITD - IMP) đang quan tâm nghiên cứu. Các doanh nghiệp nhỏ, ngoài ngành cũng đang tìm thấy cơ hội kinh doanh từ đường sắt. Ðơn cử, Cty Viễn thông Hà Nội đã ký bản ghi nhớ hợp tác về dịch vụ tiện ích trực tuyến trên tàu (có tên Railway Box).