Lập hồ sơ đấu giá 26ha đất vàng ở Đồ Sơn
Ngày 24/11, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực địa công tác quản lý đất đai tại quận Đồ Sơn. Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Tùng đồng ý chủ trương xử lý mặt bằng, lập hồ sơ để đấu giá quyền sử dụng 3 khu đất vàng ở Đồ Sơn với tổng diện tích 26ha vào mục đích phát triển du lịch.
Trong đó, khu Vụng Xéc và khu 203 rộng 20ha; khu đất từ khách sạn Hoa Phượng đến giáp khu đất của Trung tâm Hội nghị và đào tạo cán bộ Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rộng 3ha.
Ngoài ra, khu đất Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn (thuộc Bộ Xây dựng, được Thủ tướng chuyển giao cho TP Hải Phòng vào tháng 8), khu cây dừa, khu phường cũ, đều thuộc phường Vạn Hương với tổng diện tích 3ha. Các khu này liền kề nhau, có nhiều nhà nghỉ, nhà hàng thu hút khách, được người dân địa phương gọi là khu "Bộ Xây dựng".
Qua kiểm tra khu “Bộ Xây dựng”, UBND TP Hải Phòng xác định có 25 hộ đang kinh doanh dịch vụ, nhà hàng. Các hộ đã hết thời hạn hợp đồng thuê đất, nhưng không trả lại đất; xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ không có giấy phép và sai so với giấy phép được cấp; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Khu vực 203 có 27 hộ đang sử dụng đất có nguồn gốc được cơ quan Nhà nước ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm (từ năm 1997 đến 2003) và 7 hộ tự ý chiếm đất từ năm 1998 để xây nhà hàng kinh doanh. Một số hộ đã tự ý chuyển nhượng, xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ trái phép.
Đoàn kiểm tra cũng xác định, nhiều khu đất thuộc các cơ quan Nhà nước quản lý cũng tồn tại vi phạm về xây dựng, đất đai… cả chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đáng chú ý, khách sạn Hoa Phượng (7.000m2) được UBND quận Đồ Sơn giao Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích quản lý. Năm 2006, 2007 đơn vị này đã cho 6 hộ dân thuê làm điểm kinh doanh. Dù đã hết hạn hợp đồng nhưng các hộ không thực hiện nghĩa vụ tài chính và vẫn tiếp tục sử dụng, chưa hoàn trả mặt bằng.
Khu Vạn Tác (9.000m2 đất hoang, đất công cộng, đất đồi) hiện có 33 hộ dân đang sử dụng, xây 46 công trình nhà mái tôn. Khu đất này được thành phố giao UBND quận Đồ Sơn quản lý từ năm 1994. Tuy nhiên, từ năm 1995-2004, các hộ dân đã tự chiếm đất, xây dựng công trình không phép. UBND phường Vạn Sơn đã lập biên bản vi phạm từ năm 1998 nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, khu đất do Văn phòng Quận ủy Đồ Sơn quản lý (1.700m2), khu nhà hàng Lan Hương, khu quốc phòng tại Bến Nghiêng (14.500m2)… đều được các đơn vị cho thuê làm điểm kinh doanh dịch vụ, vi phạm quy định về đất đai.
Làm rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm về đất đai
Đoàn công tác cũng xác định, Quận ủy, UBND quận Đồ Sơn đã buông lỏng công tác chỉ đạo quản lý đất đai, xây dựng và quản lý tài sản công dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc còn nhiều thiếu sót, không xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng.
Việc UBND quận, Phòng TN&MT, UBND phường Vạn Hương, Trung tâm Dịch vụ và Phát triển du lịch tự ý ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh, mặt bằng, hợp tác đầu tư… là vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Còn UBND các phường (Vạn Hương, Hải Sơn) đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng để các hộ dân vi phạm trong thời gian dài mà không xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu quận Đồ Sơn kiểm tra, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, ký kết các hợp đồng, giấy phép, hợp tác đầu tư… cho thuê đất, thuê mặt bằng, liên kết không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để các hộ dân lấn chiếm đất đai, không xử lý vi phạm.
Đồng thời, giao quận Đồ Sơn chỉ đạo rà soát, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản của những cơ quan đã ký kết không đúng quy định với hộ dân, xử lý tài sản, tạo mặt bằng sạch trước khi tổ chức đấu giá đất. Nếu hộ dân không bàn giao mặt bằng, quận Đồ Sơn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế.