Đình chỉ công tác bốn cán bộ vụ cướp thịt thối tiêu hủy
> 'Giải cứu' 2,2 tấn thịt thối từ... hố tiêu hủy
Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai tạm đình chỉ công tác bốn cán bộ liên quan vụ để 2,2 tấn thịt thối trong hố tiêu hủy bị "cướp" hôm 18-4. Trạm Thú y Biên Hòa cũng yêu cầu nhân viên tường trình để xử lý kỷ luật.
Sáng nay (20-4), ông Dương Minh Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, lãnh đạo chi cục đã chỉ đạo cấp dưới xác minh làm rõ trách nhiệm các cán bộ có liên quan đến vụ "để mất" 2,2 tấn thịt lò, trâu hôi thối ngay trong hố tiêu hủy hai ngày trước.
Theo đó, bốn cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường cơ động cùng một cán bộ thú y thuộc Trạm thú y thành phố Biên Hòa, tham gia tiêu hủy. Tuy nhiên, lô hàng chưa cháy hết thì các cán bộ đã ra về. Lợi dụng sơ hở, một nhóm người đã bốc số thịt này lên xe chở vào xưởng chế biến lòng lợn ở Bình Dương.
Theo ông Dũng, hiện đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bốn cán bộ của mình, đồng thời yêu cầu làm tường trình, kiểm điểm để có hướng xử lý nghiêm.
"Xử phạt như thế nào phải chờ xác minh thu thập chứng cứ cụ thể từ nhiều nguồn mới có kết luận. Tất nhiên để xảy ra vụ việc cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu sót, lơ là trong công tác, nên các cán bộ tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm" - ông Dũng nói.
Giải thích về quy trình xử lý tiêu hủy những thực phẩm như trường hợp trên, ông Dũng cho biết, theo đúng quy định, khi Quản lý thị trường phát hiện và bắt giữ sản phẩm kém chất lượng liên quan đến gia súc, gia cầm thì sẽ gọi điện để yêu cầu hỗ trợ từ phía đơn vị thú y.
Nếu quá trình kiểm tra kết luận sản phẩm đó kém chất lượng, các cán bộ có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương (cụ thể là UBND Phường) để phối hợp tiến hành tiêu hủy. Đồng thời các cán bộ cũng phải ở lại hiện trường để giám sát toàn bộ quá trình này.
"Những sản phẩm như thịt gia súc gia cầm ẩm mốc phải đốt trong vài ba ngày mới cháy hết nên rất cần sự hỗ trợ của địa phương giám sát để tiêu hủy triệt để. Thiếu sót của nhóm cán bộ lần này là không thông báo cho chính quyền địa phương", ông Dũng nhận định.
Ông cũng cho rằng, nguyên nhân một phần do nhóm cán bộ đã mệt mỏi khi theo vụ dõi vụ chuyên chở thịt thối này suốt mấy ngày trước nên lơ là mất cảnh giác.
Còn theo ông Trần Ngọc Sơn, Trạm trưởng Thú y thành phố Biên Hòa, thông thường trong những trường hợp tương tự, đơn vị thú y địa phương chỉ đóng vai trò hỗ trợ về mặt chuyên môn còn Quản lý thị trường "chủ trì" từ quá trình bắt giữ đến tiêu hủy sản phẩm.
"Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc đáng tiếc này có một phần lỗi của cán bộ thú y tham gia tiêu hủy", ông Sơn nhìn nhận. Cán bộ này đã được yêu cầu viết tường trình và kiểm điểm, chờ xem xét xử lý.
Ông Sơn cho hay, theo quy trình, khi nhận được thông báo bắt giữ thịt thối từ Quản lý thị trường, Trạm Thú y sẽ cử cán bộ đến hỗ trợ về chuyên môn như kiểm định sản phẩm có đủ chất lượng bán tươi, giấy tờ kinh doanh hợp pháp... Nếu các điều kiện này không được đáp ứng, thú y sẽ đề nghị tiêu hủy lô hàng và tham gia công tác này.
"Theo quy định thì các cán bộ phải ở lại giám sát cho đến khi sản phẩm được tiêu hủy hoàn toàn, nhưng lần này cả cán bộ thú y và đội quản lý thị trường đều bỏ về khi hàng chưa tiêu hủy xong. Điều đó cho thấy cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm của mình", ông trưởng trạm thú y nói.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Thú y Đồng Nai cho biết, từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh chưa từng xảy ra vụ "cướp" hàng hóa từ hố tiêu hủy như trên.
Về mặt chuyên môn, ông Hải cho rằng, để tiến hành tiêu hủy một lô hàng kém chất lượng nào đó đòi hỏi các cán bộ phải tính toán kỹ xem cần dùng bao nhiêu nguyên nhiêu liệu (như củi, xăng, dầu, vỏ bánh xe...). Đồng thời phải sắp xếp theo trình tự các lớp nhiêu liệu phía trên và dưới để đảm bảo đốt cháy hết lô hàng mà ít gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Sau khi sản phẩm đã được đốt cháy hoàn toàn thì phải tiến hành san lấp hố...
"Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ cấp dưới làm tường trình, kiểm điểm để có hướng xử lý. Nếu trong quá trình điều tra mà thấy có dấu hiệu tiêu cực hay móc nối với người vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, còn trường hợp do lỗi cá nhân chủ quan thì tùy mức độ để xử phạt", ông Hải nói.
Theo Thi Ngoan
VnExpress