Điều gì xảy ra khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan?

TPO - Việc Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan có thể làm mất ổn định tình hình ở Trung Á và phía Nam nước Nga, làm nở rộ tư tưởng Hồi cực đoan, trong khi hiểm họa từ Mỹ không hề giảm đi.

Điều gì xảy ra khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan?

TPO - Việc Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan có thể làm mất ổn định tình hình ở Trung Á và phía Nam nước Nga, làm nở rộ tư tưởng Hồi cực đoan, trong khi hiểm họa từ Mỹ không hề giảm đi.

Mớ bòng bong hỗn loạn

Đã có khá nhiều dự báo về tình hình địa chính trị thế giới sau khi NATO rút quân khỏi Afganistan được đưa ra. Nào là, sự kiện này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh của các quốc gia châu Âu. Đặc biệt là việc rút những lực lượng quân sự của các nước châu Âu ra khỏi Afghanistan có thể làm mất ổn định tình hình ở Trung Á và phía Nam nước Nga, và cũng sẽ làm tăng tư tưởng cấp tiến của bộ phận dân cư theo đạo Hồi ở các nước này. Đáng tiếc là, hiện nay những mối quan hệ song phương và đa phương giữa nước Nga và NATO chưa tốt đến mức độ có thể hy vọng vào những hành động chung trong lĩnh vực đấu tranh với chủ nghĩa cấp tiến Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực này.

Ban lãnh đạo nước Mỹ tỏ ra không nhớ chút gì về thời kỳ sau vụ khủng bố 11 tháng 9, khi nước Nga ủng hộ người Mỹ trong việc lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan. Không thể nói rằng, đó là một sự nhượng bộ của chính quyền Nga trước áp lực từ phía Mỹ. Những hành động đó có lợi cho chính nước Nga về mặt chiến lược. Bởi vì quả thật vào thời đó, những phần tử Taliban đã kiểm soát 95% lãnh thổ đất nước mình và đã từng là mối đe dọa thực tế từ bên ngoài đối với nước Nga. Chúng câu kết chặt chẽ với những phần tử Hồi giáo có tư tưởng cấp tiến ở Bắc Caucasus, Trung Á và các cộng đồng Hồi giáo Nga.

Mỹ và NATO đã quá mệt mỏi sau thời gian dài bị sa lầy tại Afghanistan.

Vì thế nước Nga ủng hộ NATO trong chiến dịch chống khủng bố của họ ở Afghanistan: Nga đã cung cấp các thông tin tình báo, trang thiết bị cho lực lượng quân đội của NATO. Nga còn thuyết phục các quốc gia anh em thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á cho người Mỹ sử dụng những căn cứ trên lãnh thổ của mình. Những động thái này đã hỗ trợ một cách đáng kể cho Liên minh NATO lật đổ chính quyền Taliban. Sau khi chế độ Taliban bị hạ bệ ở Afghanistan, nước Nga không hề can thiệp vào chính sách mà Mỹ thi hành trên lãnh thổ Afghanistan. Chính quyền Nga thậm chí còn có thêm một bước đáp ứng nguyện vọng của Mỹ là mở rộng hành lang tiếp vận phía Bắc cho các lực lượng NATO ở Afghanistan. Bằng chính cách đó đã tạo ra con đường thay thế duy nhất cho hành lang qua đèo Khyber. Phải nhấn mạnh rằng, 45.000 container hàng hóa và gần 400.000 quân nhân đã thông qua hành lang này để chi viện cho các hoạt động ở Afghanistan. Vào năm 2012, nước Nga đã mở thêm một lộ trình tiếp vận nữa cho cụm quân của khối Bắc Đại tây dương ở Afghanistan- qua lưu vực sông Volga. NATO đã mở một trung tâm quá cảnh tại Ulyanovsk. Và hành động này đã diễn ra đúng vào thời điểm có những bất đồng giữa Nga và Mỹ về rất nhiều vấn đề.

Khi Taliban còn nắm quyền ở Afghanistan. Chúng đã trao cho các chiến binh Chesnia và những phần tử Hồi giáo Trung Á quyền sử dụng các trung tâm huấn luyện quân sự của mình. Điều đó đã không còn là món nợ trước các “thầy giáo cũ”-vì những kẻ này đã chiến đấu cùng chiến tuyến với những người thầy chống lại các lực lượng NATO. Nhưng hiện nay những chiến binh đã được đào tạo này đang đột nhập trở lại quê hương mình, mang theo vũ khí và đạn dược. Không loại trừ khả năng, họ đang vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã tích lũy được để biến đất nước mình thành bãi chiến trường.

Chẳng hạn, nhóm phong trào Hồi giáo Uzbek trước đây chẳng hề có tiếng tăm gì bỗng nhiên bắt đầu tích cực hoạt động và tập hợp lực lượng. Hiện tại nhóm này đang được huấn luyện chuyên môn nhằm tiến hành những hoạt động lâu dài trên lãnh địa Trung Á. Mục tiêu ban đầu của nhóm có thể là lật đổ Tổng thống đương nhiệm, người từ bao lâu nay đã không để cho phe đối lập trong nước ngóc đầu dậy. Mục tiêu khác có thể là nhà lãnh đạo Tajikistan Emomali Rahmon, người được quân đội Nga giúp đỡ trấn áp các phần tử Hồi giáo ở quốc gia này trong thập niên 90.

Đáng tiếc là, những mối đe dọa Hồi giáo không phải chỉ liên quan tới vùng Trung Á. Hồi giáo cấp tiến đang được tích cực truyền bá ngay trên chính lãnh thổ nước Nga. Chẳng hạn như trong những cộng đồng Hồi giáo ôn hòa trước đây sống trên lưu vực sông Volga của nước Nga.

Như vậy là, những thành viên của các phong trào Hồi giáo Hizb ut-Tahrir trên thực tế đã bị chính quyền các nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô trước đây trục xuất đã bắt đầu tập hợp lại ở vùng hạ lưu sông Volga. Và mặc dù theo phán quyết của Tòa án tối cao Nga năm 2003, tổ chức này đã được xác nhận là tổ chức khủng bố nhưng hoạt động của nó vẫn tiếp diễn với hoạt tính trước kia. Những nạn nhân của khủng bố Hồi giáo đã bắt đầu các vụ giết hại những thủ lĩnh tinh thần ở Tatarstan. Ngoài ra, vào tháng 10 năm 2012 các lực lượng FSB của Nga đã ngăn chặn được một hành động khủng bố ở thủ đô của Tatarstan. Không ai muốn để vùng lưu vực Volga lặp lại số phận của Dagestan. Làn sóng bạo lực đã tràn lan ở nước CH này sau khi lệnh cấm hoạt động cực đoan được ban bố. Hiện nay Dagestan được coi là địa bàn nguy hiểm nhất trên toàn khu vực Bắc Caucasus.

Các phần tử Hồi giáo định cư ở vùng hạ lưu sông Volga không phải một cách tình cờ. Gần 40% người Hồi giáo sống ở vùng này của nước Nga, nơi đây có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất (chiếm13% dầu mỏ và 12 % khí đốt trong tổng trữ lượng của nước Nga), 96% trữ lượng kali, 60% quặng phốt pho và 16% trữ lượng đồng. Ở hạ lưu Volga có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất nước (24%), 16% vốn đầu tư của cả nước được thu hút vào khu vực này. Nhiều tuyến đường ống dẫn dầu và 5 tuyến đường ống dẫn khí đốt chạy qua lãnh thổ vùng này. Khu vực này giáp giới với Kazakhstan, do vậy còn đóng vai trò là những cổng ra vào Trung Á. Tất cả những yếu tố này có ảnh hưởng to lớn tới tình hình kinh tế và chính trị không chỉ của khu vực mà của cả nước Nga.

Và cho dù Tatarstan được coi là ổn định và yên bình hơn nhiều so với khu vực Caucasus, thì năm 2010 mật vụ và đặc nhiệm Nga cũng đã phải tiến hành nhiều chiến dịch chống khủng bố ở vùng Nurlask (Tatarstan), ở Arkhangel (Bashkortostan). Một phần tử có gốc gác Ingushetia từng thành lập lực lượng vũ trang Hồi giáo bất hợp pháp ở Tatarstan và Bashkortostan đã bị bắt giữ. Băng đảng bất hợp pháp này đã gây ra nhiều vụ phá hoại, trong đó có những vụ trên tuyến đường ống dẫn khí đốt ở vùng Birsk (Bashkortostan).

Nước Nga đang tiếp tục cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Bắc Caucasus, cố gắng kiểm soát chặt chẽ tình hình ở khu vực hạ lưu sông Volga, nơi Hồi giáo cấp tiến có thể gây mất ổn định tình hình khu vực bất cứ lúc nào và có thể tự chứng minh trước cộng đồng thế giới vai trò là lực lượng cách mạng chiến thắng. Không có gì phải giấu giếm là, những phần tử Hồi giáo ở Trung Á và ở nước Nga thu nhận sức mạnh của mình từ những chiến thắng của Taliban ở Afghanistan. Lực lượng vũ trang của các quốc gia Trung Á không đủ khả năng kiềm chế những hành động hiếu chiến của phong trào Hồi giáo được Taliban ủng hộ. Điều đó làm cho nước Nga dễ bị tổn thương về mặt chiến lược.

Chính quyền Nga hiểu rằng sứ mệnh của NATO tại Afghanistan chấm dứt gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với đất nước mình. Nước Nga cần phải sẵn sàng sống mà không có sự che đỡ của Mỹ trước những hoạt động của Taliban Afghanistan. Nhưng dường như các chính khách và các nhà quân sự Nga đang ở trong trạng thái lúng túng và không hiểu nhau về vấn đề này.

Như vậy, hiện nay phía Nga đang nghiên cứu khả năng bảo vệ đường biên giới Tadjikistan- Afghanistan bằng các lực lượng biên phòng Nga. Đại sứ Nga tại Kabul A.Vetisian đã thông báo điều này. Nhưng ý kiến của một quan chức chính phủ không đồng nhất với quan điểm của Tổng thư ký Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) N. Bordyuzha. Vị cựu lãnh đạo Cục biên phòng Liên bang Nga Bordyuzha cho rằng, không cần thiết phải đưa một phần lực lượng quân sự Nga tới biên giới Tadjikistan- Afghanistan. Ông đề nghị chỉ xem xét vấn đề này từ góc độ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương pháp và đào tạo cán bộ cho lực lượng biên phòng Tadjikistan.

Có nghĩa là, trên thực tế sẽ để lại lực lượng biên phòng địa phương được huấn luyện kém, không có sự hỗ trợ trên đoạn biên giới phức tạp nhất của Tadjikistan và Afghanistan. Ông Bordyuzha cho rằng, họ có đủ khả năng ngăn chặn những phần tử Hồi giáo cấp tiến được huấn luyện và trang bị tốt đột nhập vào lãnh thổ nước Nga. Thật lạ lùng khi nghe được điều này từ một nhà quân sự có kinh nghiệm. Hơn nữa, chính ông Bordyuzha cho rằng, nhiệm vụ chủ yếu của CSTO là giảm thiểu mối đe dọa dự kiến đối với các khu vực biên giới sau khi quân đội khối Bắc Đại Tây dương rút khỏi Afghanistan.

Cần phải nhớ là, 8 năm trước đây lính biên phòng Nga đã rời biên giới Tadjikistan- Afghanistan, nhường chỗ cho lực lượng biên phòng địa phương và chỉ để lại một nhóm tác chiến, thành phần gồm vài chục sỹ quan sau khi rút đi. Nhưng hiện nay tình hình gần biên giới Afghanistan xấu đi nghiêm trọng. Đường biên giới Tadjikistan- Afghanistan là điểm trung chuyển chủ yếu và hành lang xâm nhập vào nước Nga và châu Âu của các loại ma túy nguy hiểm. Trong 8 năm đó số người nghiện ma túy ở nước Nga đã tăng lên gấp 4 lần. Điều này đúng như đã dự đoán, bởi vì Afghanistan chiếm lĩnh 90% thị phần ngành sản xuất heroin thế giới. Trong suốt 8 năm ngành sản xuất thứ sản phẩm giết người này đã tăng trưởng gấp 4 lần. Hệ thống bảo vệ thông minh và vững chắc trước tệ nạn buôn bán ma túy trên thực tế cho tới ngày hôm nay vẫn chưa hề có. Còn sau khi NATO rút đi và nước Nga không có những biện pháp hợp lý để bảo vệ mình, Afghanistan sẽ trở thành khu vực của sự bất ổn, của nạn buôn bán ma túy không thể khống chế nổi, của tội phạm xuyên biên giới và nạn di dân không thể kiểm soát.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc củng cố vững chắc đường biên giới Tadjikistan- Afghanistan bằng các lực lượng biên phòng Nga mới chỉ là bước đi đầu tiên nhằm bảo vệ những lợi ích của nước Nga.

Lính biên phòng Nga.

Chẳng hạn như, các cán bộ biên phòng có kinh nghiệm công tác ở Tadjikistan cho rằng, sự trợ giúp về kỹ thuật và phương pháp cho lực lượng biên phòng nước này không đủ để cải thiện tình hình. Bản thân các chiến sỹ biên phòng Tadjikistan không có đủ trình độ chuyên ngành cần thiết, chấp hành kỷ luật kém, được trả lương, phụ cấp thấp (theo tiêu chuẩn của Tadjikistan). Trong hoàn cảnh như vậy nạn buôn bán ma túy qua biên giới Tadjikistan- Afghanistan thường xuyên tăng lên là hiện tượng hoàn toàn không nằm ngoài dự kiến. Các chuyên gia quân sự Nga có cơ sở cho rằng, trong thời gian tiến hành hội đàm với Ban lãnh đạo Tadjikistan về việc đưa lực lượng biên phòng Nga trở lại biên giới Tadjikistan- Afghanistan, cần phải đạt được thỏa thuận: đặt các đồn biên phòng dưới sự chỉ đạo của FSB Nga. Chuyên gia quân sự Eduard Rodyukov cho rằng, cần phải thành lập trên cơ sở các phân đội Nga và lực lượng phản ứng nhanh chung của CSTO những nhóm cơ động, có khả năng chi viện được cho lính biên phòng như trong thập niên 90 thế kỷ trước. Khi đó các hoạt động của lực lượng quân đội hạn chế bao gồm những đơn vị chiến đấu của Nga, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan đã được thừa nhận là hoạt động rất hiệu quả.

Nhưng bất kỳ kế hoạch nào cũng cần được thống nhất với Ban lãnh đạo Tadjikistan, mà tới ngày hôm nay thì ông E.Rakhmon đã bắt đầu tích cực thi hành đường lối chống nước Nga: cố tình trì hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn hiệp định về căn cứ quân sự Nga ở Tadjikistan, cấm chuyển tiếp kênh truyền hình “Zvezda”, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên công bố những tài liệu, văn kiện bài Nga.

Nhưng dầu sao vẫn còn hy vọng đạt được những thỏa thuận về việc trở lại biên giới của lực lượng biên phòng Nga. Bản thân chính sách chống nước Nga của ông E.Rakhmon có thể dẫn tới việc kích hoạt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở đất nước mình, mà Afghanistan đóng vai trò là chất xúc tác.

Hiểm họa từ Mỹ vẫn thường trực

Đồng thời cũng cần chú ý tới một yếu tố nữa là, người Mỹ chưa vội rời bỏ những căn cứ được chuyển giao cho họ tạm thời sử dụng ở Trung Á. Không loại trừ khả năng, họ sẽ định cư lâu dài ở đó và đẩy nước Nga ra khỏi khu vực này. Các chuyên gia phân tích nói rằng, đối với nước Nga mối đe dọa từ phía giới quân phiệt của Mỹ là tương đối hiện thực. Trong những năm hiện diện ở châu Á người Mỹ đã học được cách mượn tay kẻ khác để giải quyết những nhiệm vụ của mình. Và chuyện họ có thể tổ chức cuộc tiến công của các lực lượng nổi dậy từ bè lũ cặn bã quốc tế vào tổ hợp dầu khí Tyumen hoàn toàn chẳng phải hoang đường.

Một kịch bản tương tự đã được họ tập dượt ở Syria. NATO từ lâu đã ấp ủ những kế hoạch đánh chiểm khu vực Tây Siberia, lưu vực sôngVolga và Ural. Các nhà chiến lược của Liên minh này đã học được từ lâu việc khai thác sơ bộ vùng đất mà họ có kế hoạch đánh chiếm bằng cách cung cấp lượng ma túy khổng lồ và cả việc sử dụng vũ khí tài chính, sinh học ảo.

Xin được nói thêm là, việc duy trì những căn cứ quân sự Mỹ ở gần lãnh thổ nước Nga cho phép NATO thực hiện những cuộc tiến công bằng không quân tên lửa không thể đánh trả vào các thành phố của nước Nga trong trường hợp xảy ra đối đầu công khai.

Trong lúc các chính khách Nga đang còn mải huyên thuyên về việc mở rộng NATO sang phía Đông, thì Liên minh này đã định cư ở Trung Á và Kazakhstan, và vì lẽ đó họ chuẩn bị cuộc tiến công vào các tuyến biên giới của nước Nga từ phía Nam và bên sườn.

Có vẻ như, khi người Mỹ rút khỏi Afghanistan, rời khu vực châu Á. Họ đã thuyết phục được cả nhân loại rằng, họ đã chiến đấu với cái ác của thế giới- là “Taliban”. Còn trong lúc này, như các chuyên gia phân tích khẳng định, họ đã có kế hoạch và xây dựng một bộ máy huy động và tập trung chớp nhoáng các chiến binh thuộc mọi khuynh hướng cùng với những mạng lưới Hồi giáo của họ, kể cả trên lãnh thổ Liên bang Nga vào việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích của Mỹ và NATO.

Như vậy, có cảm giác hình như chính quyền Nga chưa đánh giá đầy đủ mức độ của nguy cơ đối với chủ quyền nhà nước Nga khi NATO rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng lời giải cho vấn đề trở lại biên giới Tadjikistan- Afghanistan của lực lượng biên phòng Nga, tất nhiên chỉ là một trong những bước đi làm tăng cơ hội tồn tại của nước Nga trong tình hình địa chính trị phức tạp nhất hiện nay.

                                                  Đỗ Ngọc Inh, theo “Bình luận quân sự” Nga

Theo Dịch