> Chóng mặt vì điều chỉnh quy hoạch
> Sổ đỏ tại các đô thị mới ở HN: Thêm nhiều người bức xúc
> Không thiếu luật xử biệt thự bỏ hoang
Ảnh: Minh Tuấn.
Ông Chiến nói:
Phát triển đô thị là quá trình liên tục, pháp luật cho phép điều chỉnh để phù hợp thực tế hơn. Vấn đề đặt ra là: Từ quy hoạch chung, phải lập ra được quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, quy định quản lý và quy chế quản lý làm công cụ để quản lý. Vì nếu không sẽ xảy ra tình trạng điều chỉnh tuỳ tiện.
Ông nhận xét gì về tình trạng điều chỉnh quy hoạch và thoả thuận quy hoạch hiện nay tại Hà Nội?
Thực tế Hà Nội vẫn dựa trên nền quy hoạch chung theo Quyết định 108 của Thủ tướng năm 1998. Năm 2001, tất cả các quận nội thành mới có quy hoạch chi tiết 1/2000. Từ đó đến nay Hà Nội vẫn chưa triển khai các bước tiếp theo. Như vậy hiện Hà Nội đang rất thiếu công cụ để quản lý. Trong tình hình đó, Hà Nội dùng biện pháp rất tình thế là thỏa thuận quy hoạch kiến trúc.
Nhưng căn cứ vào đâu để thỏa thuận? Không thể nói là lấy quy chuẩn quy hoạch để áp dụng vì quy chuẩn mới chỉ là tiêu chuẩn quy phạm bắt buộc áp dụng cho các đồ án quy hoạch. Quy chuẩn là nền chung của hệ thống đô thị quốc gia nhưng khi đưa vào áp dụng thì miền xuôi phải khác miền ngược, đồng bằng khác miền núi.
Phải căn cứ vào cái nền ấy để vận dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào thực tế địa phương mình. Nếu cứ mang quy chuẩn ra mà úp vào thì làm gì phải xây dựng quy hoạch? Theo tôi, đang có chuyện nhấc quy hoạch ra một bên rồi lại úp quy chuẩn vào.
Thiếu cơ sở quan trọng như vậy liệu có dẫn hệ lụy gì, thưa ông?
Khi công cụ đã không có trong tay thì khả năng cấp phép tuỳ tiện là rất có thể. Thiếu cơ sở, thiếu căn cứ nên các vận dụng đều nặng cảm tính. Tôi ví dụ trong 4 quận nội thành, tại nhiều vị trí xây cao tầng hay thấp tầng vẫn do nhà đầu tư quyết định. Vì người ta mua vị trí đất của cơ sở sản xuất di dời ra bên ngoài. Khi người ta mua bỏ ra một số tiền lớn thì không thể chấp nhận chỉ xây 2 tầng hay 5 tầng mà sẽ tìm mọi cách để xây cao tối đa, chừng nào có thể thoả thuận được thì cứ thoả thuận.
Muốn cấp phép chính xác cho lô đất ấy thì phải có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và không thể thiếu được là thiết kế đô thị. Nhưng thực tế làm gì có thiết kế đô thị, nên mới có chuyện nhà ông đầu phố cho cao tầng, ông giữa phố lại thấp tầng. Tôi muốn nói là căn cứ vào đâu để thoả thuận như vậy? Ngay cả mật độ, tầng cao, hệ số sử dụng đất cũng hoàn toàn suy diễn vì lại dùng ngay quy chuẩn ốp vào...
Về việc cấp phép xây cao ốc trong 4 quận nội thành, có ý kiến cho rằng không chất tải và vẫn đảm bảo các điều kiện hạ tầng?
Cấp phép cho xây nhà cao ốc trong nội thành mà nói là không chất tải là không đúng! Theo quyết định 108 của Thủ tướng với khu vực lõi chỉ duy trì hơn 80 vạn dân, bình quân đất đô thị chỉ mới đạt 45m2/người và còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của đô thị là 100 m2/người.
Nếu tiếp tục đưa dân vào khu vực lõi thì chỉ tiêu sẽ càng ngày càng tụt xuống. Hiện khu vực lõi dân số đến lên đến trên 1,2 triệu dân, nên chỉ tiêu đất đô thị theo đầu người còn tụt xuống thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 30m2 đất /người.
Chỉ tiêu xuống thấp sẽ phá vỡ hết cơ cấu bên trong đô thị lõi. Quy định là cứ 100 m2 sàn phải có 1 chỗ đỗ ô tô, bây giờ hàng trăm nhà cao tầng thì phải lên tới cả triệu m2 sàn, quy ra thêm cả mấy chục vạn ô tô tăng thêm. Nếu cộng cả mấy trăm dự án thì con số rất lớn.
Vì sao phải giữ lõi đô thị Hà Nội cẩn trọng? Vì dấu ấn văn hiến 1.000 năm Thăng Long hầu hết nằm trong 4 quận cũ này. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng đã khoanh vùng khu vực hạn chế phát triển trong đô thị lõi chính là để giữ lại cốt cách Hà Nội.
Minh Tuấn thực hiện