Đội giá dự án 300 triệu USD, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam:

“Điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”

TP - Trước việc đội giá hàng trăm triệu đô la của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), nhiều chuyên gia lĩnh vực đường sắt cho rằng, đây là mức tăng quá cao và thiết kế chưa sát với thực tế. Đại diện Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) nói rằng, “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.
Ngoài chậm hàng năm, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông còn đội giá 339 triệu usd (tương đương 7.144 tỷ đồng). Ảnh: Trọng Đảng

Ngoài chậm tiến độ hàng năm trời, đến nay, dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đã phải điều chỉnh tới 9 hạng mục. “Đây là nguyên nhân chính khiến dự án tăng thêm trên 300 triệu USD (tăng 62%) so với phương án 552 triệu USD được phê duyệt ban đầu”, PGS.TS Phạm Văn Ký, Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT, nói.

Theo ông Ký, việc dự án được phê duyệt và sau đó phải điều chỉnh, bổ sung tới 9 hạng mục khi triển khai ở thực địa là do khâu lập và thẩm định thiết kế chưa sát với thực tế.

“Vẫn biết dự án vay ODA của chính phủ Trung Quốc thì tổng thầu được quyền thiết kế, thi công, nhưng chủ đầu tư và tư vấn giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nếu thấy bất hợp lý, hạng mục chưa phù hợp với thực tế phải yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại”, ông Ký nói.

Lý giải việc trên, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng, việc thẩm định để phê duyệt dự án được giao cho một đơn vị tư vấn, do mới về nhận công tác tại Ban nên ông không nắm rõ là đơn vị tư vấn nào.

Riêng việc phải thay đổi 9 hạng mục của dự án, trong đó có thay đổi từ nhà ga 2 tầng thành 3 tầng và phương án thay vỏ thân tàu từ thép sang inox, ông Lục cho rằng, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, do vậy, trong quá trình triển khai, phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục cho phù hợp.

Với hạng mục thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng theo thiết kế bổ sung, phương án ga 2 tầng các phòng chức năng đặt dưới mặt đất; còn phương án ga 3 tầng bố trí toàn bộ các phòng chức năng tại tầng 2. Phương án này làm giảm thiểu khối lượng GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo ông Lục, phương án thay thân tàu từ vỏ thép sang inox vừa bền lại không phát sinh chi phí xây dựng xưởng sơn duy tu bảo dưỡng khi tuyến đi vào hoạt động…

Sẵn sàng nhận trách nhiệm

Theo ý kiến chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân làm tăng giá và chậm tiến độ dự án. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, trong văn bản thông báo vụ việc với báo chí ngày 22/4, Bộ GTVT chỉ lý giải các nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm, tăng vốn đầu tư, không có một câu, dòng nào nói về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.

Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng

Chiều 23/4, nói với PV Tiền Phong về việc này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng, tất nhiên Bộ GTVT sẽ có xử lý. Cùng lắm là kỷ luật, thôi chức vụ các cán bộ, kỹ sư có liên quan. Nhưng xử lý thế nào đó để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chứ không phải vì câu chuyện này dự án phải dừng lại.

Khi PV đề cập trách nhiệm của mình, ông Thắng chia sẻ, sự việc này Bộ có kỷ luật, cảnh cáo cá nhân ông, ông cũng đồng ý. “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”, ông Thắng nói.

TPHCM: Tuyến metro số 2 có nguy cơ đội vốn

Ngày 23/4, tại hội thảo Giải pháp thiết kế nhà ga ngầm của tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM Nguyễn Văn Quốc cho biết, theo kế hoạch, tuyến metro số 2 (lộ trình Bến Thành - Tham Lương) sẽ hoàn thành trong năm 2017 để đưa vào vận hành thử và khai thác vào cuối năm 2018.

Khởi công từ tháng 8/2010, sau gần 4 năm, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 chưa hoàn thành khâu thiết kế và chưa thể thi công đồng loạt vào cuối tháng 4/2014 như kế hoạch ban đầu. Tính đến thời điểm này, dự án đã chậm 4 tháng vì vướng công tác giải phóng mặt bằng và điều chỉnh thiết kế.

Theo ông Quốc, tại các ga ngầm, thiết kế ban đầu lối lên xuống nằm trên lề đường Cách Mạng Tháng Tám. Khi tham vấn, nhiều hộ dân phản đối việc điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng và cho rằng việc kết hợp tháp thông gió, tháp làm mát với lối lên xuống làm ảnh hưởng sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của họ.

Vừa qua, UBND TPHCM chấp thuận điều chỉnh thiết kế lối lên xuống và tháp thông gió theo hướng tiết kiệm đất, tận dụng bố trí vào các khu đất công nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Việc di dời các công trình hạ tầng chỉ tạm thời, sau đó trả lại mặt bằng cho người dân. Nếu việc điều chỉnh thuận lợi thì tuyến metro số 2 sẽ vận hành vào cuối năm 2019, chậm một năm so với kế hoạch.

Tại hội thảo, một số chuyên gia lo ngại việc chậm triển khai sẽ làm đội vốn đầu tư dự án như đối với tuyến metro số 1 trước đây. Tuyến metro số 2 dài gần 20 km. Đoạn tuyến xây dựng trong giai đoạn đầu dài 11,3 km (lộ trình Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1,3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, trong đó có 9,3 km đi ngầm. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD (khoảng 26.110 tỷ đồng).

Phạm Lê Thư