Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Diệt tham nhũng từ gốc

TP - Ngày 28/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. PGS. TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường, cho rằng, việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng chỉ là phần ngọn, vấn đề quan trọng là phải đi sâu xem nguồn gốc đó từ đâu.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son hầu tòa. ảnh: TL

Xử lý chỉ là phần ngọn, muốn chống phải từ gốc

Theo PGS. TS Trần Hậu, chủ nghĩa quan liêu đã sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy y chí, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm... Đây cũng chính là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí. “Để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo và quản lý quan liêu”, ông Hậu nói.

Trong cuộc chống tham nhũng, cần xử cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Nạn tham nhũng vặt không chỉ ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của người dân, mà còn làm suy giảm lòng tin. “Nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả do tham nhũng vặt gây ra sẽ rất lớn. Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động... mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý”, ông Hậu đặt vấn đề.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề xuất, cần phải làm tốt hai giải pháp để phòng, chống tham nhũng là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản. Ông Lý đề nghị quy định mỗi người dân phải có một tài khoản trong ngân hàng, mọi giao dịch từ 5 triệu đồng trở lên là phải thông qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để tội phạm tham nhũng không thể tẩu tán được tài sản, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

“Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, khi một vụ việc chưa thành án, cơ quan chức năng đã yêu cầu các cá nhân phải giải trình về nguồn gốc tài sản. Nếu không giải trình được thì tạm thời kê biên chờ xét xử của tòa. Còn ở ta, do quy định hạn chế nên tháng sau khởi tố, thì tháng này tài sản tham nhũng đã được tẩu tán hết rồi”, ông Lý nói.

Thiếu đồng bộ là điểm nghẽn

PGS. TS Trần Hậu đề nghị phòng, chống có hiệu quả nạn “tham nhũng vặt”, vốn đang gây nhức nhối trong nhân dân 

Đề cập cơ đồ đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, PGS. TS Trần Hậu đề nghị nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với thời kỳ trước đổi mới. Qua đó để thấy sự thay đổi vượt bậc, tăng thêm niềm tin và hy vọng trong nhân dân. Tuy nhiên, ông lưu ý cần so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, đề phòng nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.

Ông Hậu đề nghị đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, đã đồng bộ như yêu cầu Đảng ta đề ra chưa. “Phải chăng giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội, sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ tạo nên độ chênh lệch, nhiều khi dẫn đến sự giãn cách giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, đổi mới ở cấp Trung ương với các địa phương... “, ông nói.

Theo ông Hậu, để những thành quả đạt được cao hơn, cần một sự đổi mới đồng bộ. “Sự thiếu đồng bộ, chưa toàn diện chính là điểm nghẽn của công cuộc đổi mới. Nếu khắc phục được điểm nghẽn đó, chắc chắn thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ to lớn hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của xã hội ta”, ông nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, bày tỏ tiếc nuối khi đổi mới kinh tế phát triển, chính trị ổn định, nhưng văn hóa thì “chưa tương xứng”. Theo ông, sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, làm phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo ông Chức, nhân dân không thể tin vào “bộ phận không nhỏ” tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái, ích kỷ, buông thả, suy đồi...trái với văn hóa truyền thống “đói cho sạch, rách cho thơm”, “thương người như thể thương thân”.

“Có thể nói, không còn ai không nhìn thấy tác hại to lớn khi không coi trọng văn hóa. Kinh nghiệm lịch sử từ cổ kim, lý luận từ truyền thống đến hiện đại đều chứng thực rằng: ở đâu vai trò và vị trí của văn hóa bị hạ thấp, ở đó sẽ có hàng loạt bất cập trong kinh tế - xã hội, thậm chí bất ổn về chính trị”, ông Chức nói.