Suýt ngất khi đóng “Lửa ấm”
Nói về vai diễn đáng nhớ nhất sau 7 năm làm nghề, diễn viên Tô Dũng cho biết đó chính là vai Tiến trong “Lửa ấm”. Không chỉ để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong quá trình diễn xuất mà còn là vô vàn những cảm xúc khi lần đầu đóng vai lính cứu hỏa, được đi thực tế, nói chuyện với những người lính ngoài đời. Đây cũng là lần đầu tiên anh được vào vai một chiến sĩ công an nhân dân, được biết thêm nhiều kiến thức phòng cháy chữa cháy rất hữu ích.
Trước khi phim bấm máy, anh và các đồng nghiệp đã được đến các đơn vị cứu hỏa, quan sát, trò chuyện với những người lính và có thêm những thông tin, chất liệu cho vai diễn. Anh cũng được học và tập luyện khá kĩ những kĩ năng như linh hoạt khi mang những dụng cụ chữa cháy, cách hít thở bằng bình oxy, các thao tác nghiệp vụ của lính cứu hỏa…
Tuy nhiên, khi ra đến hiện trường, mọi việc không hề dễ dàng, diễn viên và ekip cũng phải dốc sức mới có thể hoàn thành các cảnh quay. “Khi ra trường quay, mọi việc khác hoàn toàn với những gì hình dung trước đó. Những cảnh quay khá mệt, không chỉ phải đeo vác nhiều dụng cụ chữa cháy nặng đòi hỏi thể lực tốt mà vừa phải đảm bảo diễn xuất theo kịch bản”, Dũng chia sẻ.
Các cảnh quay cứu hộ trực tiếp vào đám cháy, Dũng và các bạn diễn đều phải mặc đồ cứu hộ, đội mũ bảo hộ nặng khoảng 2 kg, đeo bình oxy khoảng 15- 20 kg kèm theo các dụng cụ như: đèn pin, rìu, cuốc… và các đồ chuyên dụng cứu hỏa khác. Nặng và cồng kềnh vậy nhưng vẫn phải vác thêm người bị nạn trên vai, rồi vừa phải bò gần sát đất cho đúng nguyên tắc cứu hỏa.
Phim “Lửa ấm” cũng có khá nhiều cảnh quay cháy nổ hay cứu nạn và trong các tình huống đó, luôn có các chiến sĩ lính cứu hỏa chuyên nghiệp theo sát đoàn làm phim, nếu thấy nguy hiểm hay quá khó khăn sẽ dùng người đóng thế. Với những diễn viên trẻ như Tô Dũng, đó là những cảnh quay khó quên nhất, vất vả nhất.
“Vào đợt nóng nhất của mùa hè 2020, đoàn làm phim đã quay một cảnh cháy nổ khá phức tạp. Tình huống cứu hỏa diễn ra tại một căn phòng trong chung cư. Họa sĩ đã dựng một phòng chung cư nhỏ ngay trong một thùng conteiner, được đặt ngay giữa sân trường Đại học Phòng cháy chữa cháy ở Hòa Bình. Giữa cái nắng gắt, nóng hầm hập, nhiệt độ lên đến 40¬oC, cả ekip làm phim phải chui vào conteiner đóng kín đó rồi bắt đầu đốt lửa, làm khói… để quay cảnh cứu nạn. “Đây giống như cảnh “hun người” bằng khói lửa. Một số diễn viên do hít phải nhiều khói nên phải sơ cứu nghỉ ngơi ngay sau đó”, Tô Dũng xúc động kể lại.
Nam diễn viên có nhiều kỷ niệm khó quên khi thể hiện hình ảnh người lính cứu hoả.
“Chúng ta có thể thấy dễ chịu khi hít ô xy, nhưng lúc thở không được thở gấp mà phải thở từ từ. Mặt nạ bít kín lấy mặt, muốn gỡ ra phải cần 2 - 3 người trợ giúp. Có lúc, tôi cảm giác không chịu được nữa, phải bảo mọi người giúp tháo mặt nạ ra vì quá mệt nên cảm giác gần như tắt thở”, Tô Dũng cho hay. Khi thấy Dũng choáng, mặt nhợt nhạt như sắp ngất, đạo diễn Đào Duy Phúc đã phải cho đoàn phim dừng lại.
Tô Dũng là người quay cảnh khai máy và cũng là người quay đến ngày đóng máy bộ phim “Lửa ấm”. “Tôi vui vì đã góp phần truyền tới khán giả sự gian khổ của những người lính phòng cháy chữa cháy. Họ cũng có những khó khăn trong cuộc sống, phải bươn chải, tìm đủ mọi cách để kiếm tiền nuôi gia đình”, Tô Dũng chia sẻ.
“Hôm quay cảnh cháy nổ ở Hòa Bình, khi trò chuyện với một anh lính ở đội PCCC Xuân Mai, được nghe câu chuyện của một đồng đội của anh ấy, liên tục mấy năm trời, buổi sáng sau giao ban cơ quan chạy xe 40 km đi xuống Hà Nội để chạy grab tới 6h chiều, về nghỉ ngơi, 8h sáng hôm sau lại làm việc. Điều đó làm tôi rất xúc động và tin vào những nỗ lực, những điều tốt đẹp của các nhân vật trong phim”.
Ước mơ vai diễn đểu cáng, sở khanh
Tốt nghiệp K29 Trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, Tô Dũng là một gương mặt diễn viên trẻ khá quen thuộc với khán giả qua những bộ phim: “Mùi cỏ cháy”, “Hợp đồng hôn nhân”, “Trò đời”, “Màu của tình yêu”… Với vai trò là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, Tô Dũng cũng đã ghi dấu ấn của mình trong nhiều vai diễn. Năm 2016, anh từng được lãnh đạo Nhà hát tin tưởng giao phó cho vai diễn chàng Kim Trọng trong vở “Chuyện nàng Kiều”.
Nam diễn viên sinh năm 1991 cho biết, điểm chung giữa nhân vật Tiến và bản thân ngoài đời là đều có tính cách điềm đạm, trầm tính, sống và suy nghĩ cho người khác nhiều hơn cho chính mình. Một phần nào đó, cuộc sống của nam diễn viên cũng có nhiều lo toan như anh chàng lính cứu hỏa điển trai này. Đó cũng chính là thuận lợi để anh thấy đồng cảm với nhân vật, dễ dàng nhập vai hơn, nhất là những trường đoạn chuyển biến tâm lí.
Vợ của Tô Dũng cũng là một diễn viên. Vợ chồng cùng nghề, có khó khăn và cả thuận lợi. Thời gian đầu, khi con còn nhỏ, những hôm cả hai vợ chồng đều có lịch tập luyện, mọi việc trở nên vất vả hơn. Khi con đi học, họ phải cậy nhờ ông bà nội ngoại để vẫn đảm bảo công việc cơ quan.
“Thuận lợi là chúng tôi đều hiểu tính chất công việc, giờ giấc đi sớm về khuya, rồi cùng trao đổi chuyện trò về nghề nghiệp để cùng nhau tiến bộ”, Dũng bộc bạch. Cũng có lúc, những cuộc tranh luận đã xảy ra nhưng đều trên tinh thần đóng góp quan điểm, suy nghĩ, cảm nhận riêng. Vì thế, họ luôn thấy thoải mái, tin tưởng nhau.
Đạo diễn, NSND Khải Hưng từng chia sẻ rằng, nam diễn viên Tô Dũng có những nét riêng như khuôn mặt anh hiền và có phần ngu ngơ, phù hợp với dạng vai diễn kiểu tử tế, hiền lành. Điều đó dường như trở thành dạng vai đóng đinh Tô Dũng trên màn ảnh. Với Dũng, làm người tốt cũng nhiều kiểu, cũng phải sử dụng những kĩ năng diễn xuất, sự hiểu biết để vận dụng cho mỗi vai có một màu sắc riêng.
“Từ trước đến nay, tôi luôn làm những vai người tốt. Nếu có cơ hội, tôi khao khát được thử sức ở vai phản diện, vai đểu, sở khanh.... Đó sẽ là một hình ảnh khác với Tô Dũng ngoài đời. Tôi sẽ vẫn miệt mài làm việc và chờ cơ hội”, anh nói.