Điện thoại di động: Cuộc chiến giữa các ‘vì sao’

TPO – Và cuộc chiến quyết liệt ấy dường như mới chỉ bắt đầu khi Samsung hạ “ngôi vương” của Nokia rồi qua mặt cả Apple trên lĩnh vực smartphone.

Nokia là cái tên làm mưa gió trên “sân chơi di động thế giới”, với số lượng người dùng không ngừng tăng mạnh.

14 năm qua, dường như hãng sản xuất điện thoại di động Phần Lan này luôn ưỡn ngực tự hào: “Chúng tôi là số một, còn các bạn số hai”. Kết quả tất yếu, Nokia có mặt ở khắp nơi trên thế giới để “Connecting People - Liên kết mọi người” .

Sự lớn mạnh của họ còn thể hiện ở “phong cách chơi trội” với thương hiệu Vertu dành cho giới giàu có. Những chiếc điện thoại giá hàng chục triệu đồng thể hiện đẳng cấp, mang về doanh thu hàng năm khoảng 268 tới 402 triệu USD.

Tuy nhiên, việc Nokia không hề tiết lộ lãi ròng hàng năm của Vertu khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Nokia lỗ khi “chơi” Vertu và hãng sản xuất điện thoại Phần Lan quá mạnh đến nỗi “bao sân” cả sản phẩm siêu sang mà chưa tính chặt bài toán lỗ lãi?

Trong khi Nokia cho các đối thủ (lớn nhiều, nhỏ cũng không ít) sản xuất điện thoại di động phổ thông ở khắp nơi trên thế giới “ngửi khói” hơn chục năm qua, thì Apple lại “đánh nhanh thắng mạnh” với những dòng smartphone – một thế mạnh của “Quả táo cắn dở”.

Mỗi khi sản phẩm như ilPhone ra đời mới, người ta lại thấy những hàng dài người ở đâu đó trên thế giới kiên nhẫn chờ mua smartphone ưa thích.

Cùng với những thống kê đáng nể về doanh số, hình ảnh trên góp một phần nào đó vào suy nghĩ của nhiều người rằng: À, Apple đang là số một trên mặt trận điện thoại thông minh, ít nhất là trên hành tinh có tên gọi Trái Đất.

Thế nhưng, thương trường là chiến trường và sự vượt trội của ai đó không có nghĩa tôi luôn là người xuất sắc nhất.

Sau 14 năm “nếm mật nằm gai”, kiên trì bám đuổi, hãng điện thoại “made in Korea” Samsung đã lật ngôi vương (cả về doanh số điện thoại phổ thông và smartphone) của đối thủ đến từ đất nước Phần Lan xinh đẹp. Đó là tháng 4-2012, một mốc có thể coi là quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Samsung.

Cụ thể, theo hãng thống kê Strategy Analytics, trong quý vừa qua, Samsung bán được 93,5 triệu điện thoại di động trong ba tháng đầu năm 2012. “Cựu quán quân” Nokia bị bỏ lại khá xa với doanh số 82,7 triệu chiếc.

Vẫn theo Strategy Analytics, trong danh sách sản phẩm tung ra thị trường của Samsung, smartphone chiếm 44,5 triệu chiếc, vượt cả doanh số 35,1 triệu iPhone của Apple.

Điều này có nghĩa, Samsung dẫn đầu cả về doanh số điện thoại phổ thông và smartphone. Và với quân bài Galaxy S3 tung ra ngày 4-5 (giờ Việt Nam), Samsung chứng tỏ, sao đang đổi ngôi. Nokia và “Quả táo cắn dở” sẽ còn nhiều việc phải làm trước sự lớn mạnh bất ngờ của đối thủ “người” Hàn Quốc.

Mức độ khốc liệt của cuộc chiến di động không chỉ có vậy. Trong bức tranh toàn cảnh hôm nay, người dùng còn có hàng trăm sự lựa chọn khác với những BlackBerry (từng tung hoành ngang dọc), HTC, LG, Sony Ericson, Motorola… Ngay cả “người khổng lồ” tìm kiếm Google cũng nhảy vào sân chơi màu mỡ với Google Android (G1).

Các “vì sao” đang đua nhau sáng trên bầu trời điện thoại di động với mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thôn tính

Strategy Analytics thống kê, ba hãng điện thoại lớn nhất hiện nay theo vị trí mới là Samsung,Nokia và Apple, với thị phần lần lượt 25%, 23% và 9,5%.

Cá lớn nuốt cá bé.

Quy luật tự nhiên đó cũng ăn sâu vào “cuộc chơi” cạnh tranh giữa các hãng sản xuất điện thoại di động hiện nay.

Mới đây nhất, Google sẵn sàng bỏ ra tới 12,5 tỷ USD để thực hiện vụ thâu tóm lớn nhất trong thập kỷ qua: Mua đứt Motorola – được coi là “ông tổ ngành di động ” - để xâm nhập "vùng trời" mới: sản xuất phần cứng thiết bị.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về mục đích của cuộc sáp nhập lịch sử này đối với cả hai cái tên giờ đã chung một mái nhà, nhưng một điều mà ai cũng hiểu ở khía cạnh cuộc sống: Ở đây, cá lớn nuốt cá bé.

Trong hoàn cảnh tương tự, ngay khi bị Samsung vượt mặt, Nokia đành ngậm ngùi rao bán thương hiệu điện thoại cao cấp Vertu để tập trung phát triển smartphone. Họ biết không thể tiếp tục ngủ quên trên hào quang của quá khứ.

Financial Times (Mỹ) nói, thỏa thuận chuyển nhượng của Nokia gần hoàn thành và gia đình mới của Vertu có thể là Permira - một tập đoàn tư nhân đến từ Anh Quốc.

Giới truyền thông loan tin, giá của thương vụ này khoảng 265 triệu USD.

Một công ty tư nhân khác - EQT - cũng được cho là người mua sáng giá của Vertu, nhưng theo Financila Times, mọi thỏa thuận của EQT với Vertu đều chưa đi đến kết quả.

Câu chuyện trên chưa ngã ngũ ở thì hiện tại nhưng dù Vertu về đâu, thì việc Nokia bán “niềm kiêu hành siêu sang” một lần nữa chứng tỏ quy luật tự nhiên của sự cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển.

Và trong cuộc đua xuyên thời gian đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy có “người” không tự sinh ra nhưng tự mất đi hoặc chuyển hóa từ đại gia này sang đại gia khác.

Theo Viết