>> Sẽ 'nóng' Vinashin, bô xít, điện, giá cả
>> Sợ hệ lụy nếu điều chỉnh giá than
Thấp hơn giá xuất khẩu 10%
Theo Vinacomin, giá thành sản xuất than năm 2009 lên tới 722.456 đồng/tấn, tăng 3,7% so với năm 2008. Năm 2010, giá thành kế hoạch là 803.000 đồng/tấn, bằng 111,2% so với năm 2009.
Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới giá thành là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn, làm tăng 25.000 đồng/tấn, chi phí đầu vào tăng 67.000 đồng/tấn do giá thép chống lò, săm lốp ô tô, nhiên liệu, tiền lương cho thợ lò tăng.
Riêng phần nộp ngân sách trong giá thành gồm thuế tài nguyên và thuế GTGT không được khấu trừ năm 2010 tăng so với năm 2008 khoảng 2.500 tỷ đồng.
Tính toán cho thấy, năm 2008 tập đoàn đã bán cho các hộ điện, xi măng, giấy, phân bón dưới giá thành khoảng 2.000 tỷ đồng, năm 2009 là 2.500 tỷ đồng. Năm 2010, giá than cho điện vẫn thấp hơn giá thành trên 2.200 tỷ đồng.
Dự kiến nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân đến năm 2015 cần khoảng 60-65 triệu tấn than sạch, trong đó khả năng cân đối sản xuất của Vinacomin khoảng 55 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Để tăng sản lượng 1 triệu tấn than thì cần phải đầu tư khoảng 120-150 triệu USD. Như vậy, riêng khoản đầu tư để tăng thêm được 20 triệu tấn than hầm lò đến 2015 cần khoảng 3 tỷ USD.
“Để giúp ngành than có vốn đầu tư phát triển, với than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón, hiện thấp hơn giá xuất khẩu khoảng 40%, cần phải tiếp tục điều chỉnh để thực hiện theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo giá than bán cho các hộ này thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%”- Vinacomin đề nghị.
Tăng giá than bán cho ngành điện theo hai bước
Theo tính toán của Vinacomin, dự kiến năm 2010, với sản lượng than bán cho các nhà máy điện là 9 triệu tấn, tổng giá trị than bán cho điện thấp hơn giá thành là 2.200 tỷ đồng. Nếu tính theo giá thành năm 2011 và sản lượng than bán cho điện dự kiến 11 triệu tấn thì mức chênh lệch khoảng 3.000 tỷ đồng.
Nếu có tăng giá than bán cho ngành điện bằng giá thành năm 2010 thì chỉ làm cho giá bán điện tăng khoảng 2,4%. Còn nếu tính theo giá thành, sản lượng điện dự kiến năm 2011 thì mức tăng đối với ngành điện là 2,6%.
Để tránh gây sốc, Vinacomin đề nghị lộ trình điều chỉnh giá than cho điện theo hai bước. Bước 1: Từ đầu năm 2011 điều chỉnh giá bán than cho điện ít nhất đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất than theo nguyên tắc bằng giá thành năm 2010. Bước 2: Điều chỉnh giá bán than cho điện theo cơ chế giá thị trường bằng giá bán vào các hộ ở thị trường trong nước từ quý IV/2011.
Doanh nghiệp lo tăng giá
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam thừa nhận hiện ngành xi măng và than còn có nhiều ý kiến khác nhau về tăng giá bán. Tuy nhiên, để giá than thấp như hiện nay cũng bất hợp lý.
Với chủ trương kiềm chế lạm phát, cân đối cung cầu với các mặt hàng khác trong nước, các doanh nghiệp ngành xi măng không muốn có sự điều chỉnh tăng giá bán.
“Để không ảnh hưởng đến lạm phát và CPI trong năm 2011, không nên tăng giá bán than cho xi măng ít nhất trong quý I-2010. Còn nếu giá than tăng, xi măng cũng tăng, các mặt hàng khác tăng theo thì nền kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn”- Ông Thiện nói.
Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng đồng loạt, lãi suất ngân hàng tăng cao, tỷ giá tăng, nếu giá xi măng không tăng sau khi giá than điều chỉnh thì doanh nghiệp sẽ… chết.
Ông Quách Đình Diệu, Giám đốc Cty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng, việc tăng giá cần có lộ trình chứ tăng ngay bằng giá thế giới thì rất khó do lương, thu nhập của người dân Việt Nam không bằng thế giới. Một Phó tổng giám đốc Tổng Cty Giấy Việt Nam khẳng định muốn giá giấy giữ ổn định trong năm 2011 thì chưa nên điều chỉnh giá bán than trong nước.